Xuất nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại

10:49 | 22/08/2023

34 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 402 tỷ USD. Nhiều mặt hàng chủ lực đã có xu hướng tăng trở lại nhờ nỗ lực mở rộng thị trường của doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 8 (từ 1 đến 15/8), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 28,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,4 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, linh kiện đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Theo đó, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,38 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,55 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,53 tỷ USD…

Nhưng chỉ tính riêng nửa đầu tháng 8 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 14,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng lớn nhất với kim ngạch 4,1 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng “tỷ đô” thứ hai với 1,87 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu đang tiếp tục có xu hướng tăng trong vài tháng trở lại đây. Đây là tín hiệu vui cho thấy kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng hơn trong thời gian tới bởi nhập khẩu hàng hóa chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng hóa phục vụ cho sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam tính đến 15/8 tiếp tục xuất siêu ở mức cao, trên 16 tỷ USD, gấp nhiều lần mức 1,39 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Công Thương cho biết, đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Cùng đó, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Đồng thời nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Tính chung từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 402 tỷ USD. Trong đó, xuất nhập khẩu 209,43 tỷ USD, giảm 10,1% (tương ứng 23,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 193,17 tỷ USD, giảm 16,7% (tương ứng giảm 38,73 tỷ USD). Lũy kế đến 15/8, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư tới 16,25 tỷ USD.

Tùng Dương

7 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD7 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Đến nửa đầu tháng 8, cả nước xuất siêu 16 tỷ USDĐến nửa đầu tháng 8, cả nước xuất siêu 16 tỷ USD