Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới

14:34 | 30/12/2022

806 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại (FTA) là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, thách thức cũng đặt ra khi các quốc gia đưa ra những quy định khắt khe đối với sản phẩm nhập khẩu.
Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Luật chơi” mới

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Bằng chứng là các thị trường nhập khẩu quan trọng đã áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon”. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới
Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới

Để không bị loại khỏi cuộc chơi, Việt Nam cần quan tâm tới tính “xanh” của chuỗi sản xuất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Song song với đó, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu xanh.

Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: An toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu

Trước đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chưa được ký kết, gạo Việt Nam đã vào châu Âu nhưng thuế suất rất cao, 5-45%. Trong khi đó, gạo của Lào, Campuchia, Myanmar... lại được EU cho chính sách đặc cách, nghĩa là được miễn thuế vì đây là những nước nghèo. Khi có EVFTA, các doanh nghiệp trong ngành gạo có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Muốn hoạt động xuất khẩu thời gian tới hiệu quả hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải chú trọng chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Với thị trường EU, dù có FTA hay không thì tiêu chuẩn chất lượng nông sản vào đây cũng không thay đổi. Thị trường EU rất xem trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là gạo. Nếu nông sản có dư lượng hóa chất, họ sẽ “tẩy chay” ngay.

Không riêng thị trường EU, thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Muốn đáp ứng nhu cầu thị trường EU, doanh nghiệp phải làm theo quy trình GlobalG.A.P.

Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới

Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó chủ tịch Eurocham Việt Nam: Phát triển xanh, bền vững

Doanh nghiệp Việt đang tận dụng tốt các FTA trong xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu nên cần tập trung phát triển kinh tế xanh, bền vững. Hơn nữa, trong các cam kết của nhiều FTA đều có đặt vấn đề phát triển xanh.

Hiện nay, người tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là người tiêu dùng EU, ngày càng tập trung vào các giá trị vượt ra ngoài giá trị sản phẩm, bên cạnh chất lượng còn có những yêu cầu về môi trường, xã hội. Bằng chứng là EU đã ban hành quy định thắt chặt các yêu cầu liên quan đến phát triển xanh, bền vững. Do đó xuất khẩu của Việt Nam cần tái định hình nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn mới. Doanh nghiệp Việt phải chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp hơn; từng bước hướng đến thích nghi, phát triển theo lộ trình chung của các nước, cụ thể sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm là sản phẩm xanh. Eurocham sẽ hỗ trợ và hợp tác giúp Việt Nam triển khai.

Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới

Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam: Đáp ứng yêu cầu của từng thị trường

Muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, cần có mã số vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp, cần có mã số đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá. Nhập khẩu thông qua hình thức các lô hàng thương mại phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; hàng hóa cần thông qua đơn vị kiểm định của 2 nước.

Tương tự, xuất khẩu sang thị trường EU phải có chứng nhận GlobalG.A.P., chứng nhận môi trường SMETA, ISO hay HACCP... Đối với vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Australia không cấm nhưng EU lại cấm. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu phải hết sức chú ý.

Nói chung, muốn đạt hiệu quả trong thương mại hóa nông sản và thực phẩm thì ngoài chất lượng, các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu chứng chỉ riêng. Chứng chỉ không phải tờ giấy mà là việc kiện toàn sản xuất, bao bì, nhãn mác... Doanh nghiệp nên làm ăn minh bạch, đảm bảo thương hiệu cho sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới
Xuất khẩu xanh - "Luật chơi" mới

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn

Dự báo đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi chiếm khoảng 59% lượng thủy sản tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu. Nhu cầu tăng lên là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam. Thế nhưng, xu hướng sử dụng thủy sản của người tiêu dùng thế giới không chỉ dừng lại có lợi cho sức khỏe mà còn hướng đến sản xuất xanh trong nuôi trồng, khai thác, chế biến. Chính vì vậy, thủy sản Việt Nam đứng trước thách thức với hàng rào kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu.

Chuyển đổi xanh trong xuất khẩu là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. VASEP tập trung nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh. Rất may, doanh nghiệp thủy sản cũng tiếp cận với kinh tế xanh từ rất sớm. Cách đây khoảng hơn 10 năm, thủy sản Việt được tài trợ một dự án về vấn đề tôm sinh thái (tôm organic) tại Cà Mau với quy mô nuôi tôm rừng. Kết quả, sản phẩm tôm này được bán hệ thống tại Thụy Sĩ với giá bán tăng hơn 20% so với tôm thường. Đây là những sản phẩm tham gia kinh tế xanh đầu tiên. Sau đó, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều đến chứng nhận quốc tế về hệ sinh thái, môi trường..

Báo cáo của Grand View Research Group 2022 đánh giá, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỉ USD vào năm 2021. Dự kiến, sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 22,4% từ năm 2022 đến năm 2030.

Thanh Hồ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc