Xuất khẩu khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức

11:10 | 02/11/2022

188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 10 tháng năm 2022 ghi nhận kết quả xuất khẩu tích cực với kim ngạch ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của năm, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo số liệu thống kê vừa được Bộ Công Thương công bố, trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng năm 2022, các nhóm hàng chủ lực vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Đơn cử, nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp khoảng 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Xuất khẩu khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Xuất khẩu những tháng cuối năm đối mặt nhiều khó khăn, thách thức

Trong nhóm này, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, như: phân bón các loại tăng 153%; hóa chất, tăng 40,8%; sản phẩm hóa chất tăng 31,2%; hàng dệt và may mặc tăng 22%; giầy, dép các loại tăng 41%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 35%...

Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản cũng đạt khoảng 25,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng đạt mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Bộ Công Thương, các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giữ mức tăng trưởng cao, trong đó thị trường Trung Quốc ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.

Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, tuy nhiên trong thời gian còn lại của năm, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.

Để tiếp tục đạt được các mục tiêu xuất khẩu cao những tháng tiếp theo, bên cạnh các giải pháp về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị các tham tán thương mại cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

“Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp cả nước có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

P.V (t/h)