Xót xa nghề dệt chiếu!

09:16 | 28/09/2017

3,648 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với người Việt, chiếc chiếu không đơn giản chỉ là phương tiện trải ra ngồi hay nằm, nó còn là nét văn hóa rất riêng gắn với nếp nhà, tập tục bao đời của dân tộc. Thế nhưng, nghề dệt chiếu đã và đang mai một, hàng loạt làng nghề dệt chiếu trên cả nước đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Một thời Cẩm Nê

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 14km về phía tây nam, làng chiếu Cẩm Nê, thuộc xã Hòa Tiến (Hòa Vang) từ lâu đã nổi tiếng với những chiếc chiếu hoa vừa có tính ứng dụng, vừa mang giá trị thẩm mỹ cao. Đặc trưng của chiếu Cẩm Nê là mùa hè nằm rất mát, mùa đông lại rất ấm, còn tỏa ra hương thơm dìu dịu. Đặc biệt, chiếu được dệt cói nhuộm sẵn, nên hoa văn nổi ở cả hai mặt chiếu chứ không như chiếu in, chỉ có hoa ở mặt trên.

Theo các nghệ nhân ở đây, muốn dệt được một chiếc chiếu đạt chuẩn phải công phu lắm. Ai đó nói rằng, thợ dệt đồng thời là một họa sĩ trang trí trên mặt chiếu, không phải bằng bút lông mà bằng đôi tay điều khiển cái khổ và mũi thoi của mình. Không chỉ dệt đơn thuần mà còn cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để kết hợp như thế nào giữa hoa văn và màu sắc, tạo ra một chiếc chiếu bền, đẹp, mang đậm nét Việt. Có lẽ chính vì sự kỳ công của người thợ làm chiếu mà không chỉ người dân trong vùng mà những du khách từ nơi xa đến cũng muốn có cho mình một tấm chiếu hoa Cẩm Nê.

xot xa nghe det chieu
Hiện tượng mai một nghề dệt chiếu truyền thống đang xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước

Trải qua bao thăng trầm, biến cố, bị cạnh tranh với nhiều loại chiếu khác, chiếu hoa Cẩm Nê vẫn là sản phẩm được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ.Giờ đây, khi nhắc đến dệt chiếu, người trong cuộc không khỏi xót xa. Do vùng trồng cói bị thu hẹp nên muốn mua nguyên liệu bà con phải vào tận Long An và các tỉnh phía Nam, phí vận chuyển rất cao. Hơn nữa, lúc cả làng còn làm chiếu, sản phẩm làm ra được thu mua rồi đem đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Còn bây giờ, do sản phẩm làm ra quá ít, việc thu mua chiếu không còn được duy trì. Giờ ra chợ rất khó tìm mua được chiếu Cẩm Nê vì số lượng làm ra rất ít, chủ yếu được sản xuất để phục vụ các lễ hội, nếu phục vụ nhu cầu sử dụng thì khách hàng phải đặt trước.

Nhắc đến Duy Xuyên, đây không chỉ là địa danh nổi tiếng cung cấp chất liệu cói cho nhiều vùng, bà con nơi này cũng từng làm ra những chiếc chiếu bền, đẹp. Nhưng vài năm gần đây, họ đã phải bỏ nghề vì thu nhập thấp. Những người từng yêu nghề cũng phải thở dài, họ ngồi suốt cả ngày, dệt được một đôi chiếu có kích thước 1,2m, mang ra chợ Bàn Thạch bán sỉ cho mấy người buôn mới được 60 nghìn đồng, trừ tiền mua nguyên liệu cói, dây đay, phẩm màu hết 45 nghìn đồng, họ lãi ròng chỉ vỏn vẹn 15 nghìn đồng.

Thu nhập quá thấp nên người dân Duy Xuyên đều đi tìm kế sinh nhai khác. Hiện nay, Duy Xuyên chỉ còn khoảng vài chục hộ duy trì nghề truyền thống.

Tiêu điều chiếu Cà Mau

Hiện tượng mai một nghề truyền thống cũng đang xảy ra ở Cà Mau, trong đó đáng tiếc nhất là nghề dệt chiếu. Xã Tân Thành, TP Cà Mau và làng chiếu Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi đã từng nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Thời điểm trước năm 1980, hai làng chiếu này thu hút hơn 2.000 lao động, mỗi ngày làm ra trên 300 sản phẩm xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan… Nghề dệt chiếu của Cà Mau nổi tiếng một thời ở các vùng sản xuất nông nghiệp như Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, U Minh… Nhưng hiện nay nước mặn xâm nhập nên nguồn nguyên liệu ít dần, cộng với khó khăn về lao động nên nghề này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

xot xa nghe det chieu

Chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở TP HCM - trước đây là cái nôi của rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Những làng nghề nổi tiếng ở TP HCM như làng dệt chiếu Bình An, làng dệt chiếu Bến Hải ở quận Gò Vấp… trước đây từng phát triển rất hưng thịnh và trù phú, có những làng nghề có tuổi đời đến hàng thế kỷ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, có một số làng nghề bắt đầu mai một và gần như sắp lụi tàn như làng dệt chiếu Bình An ở quận 8 chỉ còn vỏn vẹn 1 hộ gia đình làm nghề.

Theo các nhà quản lý, những nguyên nhân chính khiến làng nghề suy giảm là: Kết cấu hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu duy trì và phát triển của nghề. Chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu để cung cấp cho các làng nghề. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phải mua từ tỉnh ngoài với giá cao, nên người sản xuất lâm thế bị động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Thu nhập của người lao động trong làng nghề thấp, khiến bộ phận ưu tú nhất, có tay nghề cao nhất, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ mới là lao động trẻ rời làng, tìm đến các công việc khác có thu nhập cao hơn, trong các làng nghề chỉ còn người già và vị thành niên, tay nghề thấp, làm nghề chỉ trong lúc nông nhàn, sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh…

Người dân cho rằng, để nghề truyền thống này nhanh chóng được khôi phục và phát triển bền vững, trước tiên chính quyền địa phương cần rà soát lại khâu quy hoạch và tích cực hỗ trợ người dân xây dựng vùng chuyên canh cây cói để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ làm chiếu được tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn với các kênh vốn vay ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã và mua sắm các loại máy móc hiện đại. Đặc biệt là hình thành các tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh liên doanh, liên kết để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…

Top 8 làng nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng Việt Nam: Hới (Thái Bình); Chương Hòa (Hoài Nhơn, Bình Định); Bàn Thạch (Quảng Nam); Phú Tân (Phú Yên); Cà Hom - Bến Bạ (Trà Vinh); Cẩm Nê (Đà Nẵng); Bình An (TP HCM); Tà Niên (Kiên Giang).

Tùng Lâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.