Xóa bỏ cản ngại với tro, xỉ nhiệt điện than

08:00 | 18/12/2018

989 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - EVN sẽ phấn đấu tiêu thụ hết lượng tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ). Đó là khẳng định của Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khi trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về việc xử lý lượng tro, xỉ tại các NMNĐ than của EVN.

PV: Ông có thể cho biết về hiện trạng và khả năng tiêu thụ tro, xỉ tại các NMNĐ than của EVN?

xoa bo can ngai voi tro xi nhiet dien than

Ông Nguyễn Tài Anh: Hiện nay, khối lượng tro, xỉ thải ra từ các NMNĐ than của EVN khoảng 8,1 triệu tấn/năm. Trong đó, tại các NMNĐ than khu vực phía Bắc, tình hình tiêu thụ tro, xỉ tương đối tốt. Hầu hết các nhà máy đã ký hợp đồng với các đối tác bao tiêu tro, xỉ. Điển hình là các NMNĐ Phả Lại, Ninh Bình, Thái Bình đã tiêu thụ hết lượng tro, xỉ.

Tại các tỉnh phía Nam, dù các NMNĐ của EVN mới được đưa vào vận hành, nhưng cũng đã ký hợp đồng với các đối tác bao tiêu toàn bộ lượng tro, xỉ. Tuy nhiên, trong thực tế, các đối tác này vẫn tiêu thụ số lượng tro, xỉ chưa đáng kể.

PV: Có ý kiến cho rằng, tro, xỉ tại một số NMNĐ than của EVN bán với giá cao, làm khó đối tác trong quá trình đàm phán và tiêu thụ. Thực tế có đúng vậy không?

Ông Nguyễn Tài Anh: Cần khẳng định rằng, mục tiêu chính của EVN là tiêu thụ hết toàn bộ lượng tro, xỉ của các NMNĐ than trong dài hạn. Do đó, doanh thu từ việc bán tro, xỉ của không phải là mục tiêu cũng như ưu tiên hàng đầu của EVN.

Thực tế, việc lựa chọn các đối tác mua tro, xỉ, trước tiên, chúng tôi căn cứ vào năng lực và giải pháp khả thi cũng như thời gian hợp tác của các doanh nghiệp (DN), sau đó mới tính tới giá bán tro, xỉ.

EVN đã và sẽ tiếp tục cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN có giải pháp tái sử dụng tro, xỉ hiệu quả được tiếp cận dễ dàng nguồn nguyên liệu này tại các NMNĐ than của Tập đoàn.

Tổng lượng tro xỉ từ các NMNĐ than hiện nay khoảng 12 triệu tấn/năm. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030, lượng tro, xỉ sẽ tới khoảng 20 triệu tấn/năm.

PV: Chất lượng tro, xỉ là vấn đề được các đối tác thu mua hết sức quan tâm. Ông có thể cho biết, chất lượng tro, xỉ từ các NMNĐ của EVN có phù hợp tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các vật liệu xây dựng hay không?

Ông Nguyễn Tài Anh: Hiện các NMNĐ than của EVN đang sử dụng than nội địa và than nhập khẩu. Than nội địa chủ yếu là các loại than cám 5a, 5b và 6a có độ tro trung bình 29-37,5%. Đối với các NMNĐ than sử dụng than nhập khẩu, loại than sử dụng là bituminous và sub-bituminous có độ tro trung bình là 6-7%.

Các NMNĐ than của EVN đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập trong và ngoài nước như VinaControl, JCoal (Nhật Bản) lấy mẫu phân tích tro, xỉ. Căn cứ theo tiêu chuẩn TCVN 10302: 2014 về phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng và theo kết quả phân tích, tro, xỉ từ các NMNĐ than của EVN có chung đặc điểm là chất thải rắn công nghiệp thông thường; được phép tái sử dụng phục vụ cho mục đích xây dựng. Đối với tro, xỉ than nội địa, cần phải tinh lọc để giảm hàm lượng carbon xuống <6% mới có thể sử dụng làm phụ gia xi măng.

Tại Hội thảo “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ than làm vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Xây dựng tổ chức vào tháng 9-2017, các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia đã đánh giá, tro, xỉ của các NMNĐ than là nguồn nguyên liệu có giá trị đối với những ngành sản xuất như: Sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng công trình giao thông, san lấp mặt bằng...

xoa bo can ngai voi tro xi nhiet dien than
Sản xuất gạch không nung từ tro xỉ

PV: Theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất khi tiêu thụ lượng tro, xỉ từ các NMNĐ than của EVN?

Ông Nguyễn Tài Anh: Mặc dù tro, xỉ của các NMNĐ than được đánh giá là chất thải rắn thông thường, phù hợp làm nguyên liệu cho ngành xây dựng, tuy nhiên, tới nay không có cơ quan quản lý Nhà nước nào được giao nhiệm vụ cấp chứng nhận tro, xỉ không phải là chất thải nguy hại. Do vậy, các DN vẫn đang sử dụng kết quả thí nghiệm, hoặc giấy chứng nhận của Viện Vật liệu xây dựng làm cơ sở hoạt động, như vậy là chưa đầy đủ thủ tục về mặt pháp lý.

Hiện các NMNĐ than của EVN đang sử dụng than nội địa và than nhập khẩu. Than nội địa chủ yếu là các loại than cám 5a, 5b và 6a có độ tro trung bình từ 29-37,5%. Đối với các NMNĐ than sử dụng than nhập khẩu, loại than sử dụng là bituminous và sub-bituminous có độ tro trung bình là 6-7%.

Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 31 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải, phế liệu, về thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường (Nghị định 38) quy định: “Các chủ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại được phép thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường”. Nhưng Nghị định 38 không quy định các DN vận chuyển khác (không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại) có được vận chuyển hay không. Điều này cũng gây ra khó khăn cho các DN tiếp nhận, vận chuyển tro, xỉ.

Hiện nay, EVN gặp khó trong việc tiêu thụ tro, xỉ do các NMNĐ than của EVN tại khu vực phía Nam nằm xa thị trường tiêu thụ, dẫn đến cước phí vận chuyển cao, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh so với các vật liệu xây dựng truyền thống. Hơn nữa, DN và người dân miền Nam chưa có thói quen sử dụng vật liệu xây dựng từ tro, xỉ.

PV:Giải pháp khắc phục của EVN là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tài Anh: EVN đang chủ động xây dựng hồ sơ mời xử lý tro xỉ của các NMNĐ than trong dài hạn, với mục tiêu lựa chọn được các đối tác có đủ năng lực, có giải pháp khả thi, sẵn sàng hợp tác với các NMNĐ để tiêu thụ tro, xỉ lâu dài. EVN ưu tiên các đối tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật tái sử dụng tro, xỉ để sản xuất các loại vật liệu xây dựng lâu dài.

Ngoài ra, tại các NMNĐ than của EVN tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải và Vĩnh Tân, các tổng công ty phát điện đã lập dự án đầu tư bổ sung hệ thống đường ống dẫn tro bay tại cảng, tạo thuận lợi cho các đối tác dễ dàng tiếp nhận, vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy.

Cần sửa đổi Nghị định 38 và các thông tư hướng dẫn liên quan, xác định tro, xỉ là hàng hóa thông thường trong vận chuyển, lưu thông. Đồng thời, cần xác định rõ cơ quan có chức năng cấp chứng nhận tro, xỉ đạt tiêu chuẩn là hàng hóa/chất thải rắn thông thường

PV: EVN có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm gỡ bỏ những vướng mắc hiện nay trong việc tiêu thụ tro, xỉ?

Ông Nguyễn Tài Anh: EVN kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể, sửa đổi Nghị định 38 và các thông tư hướng dẫn liên quan, xác định tro, xỉ là hàng hóa thông thường trong vận chuyển, lưu thông. Đồng thời, cần xác định rõ cơ quan có chức năng cấp chứng nhận tro, xỉ đạt tiêu chuẩn là hàng hóa/chất thải rắn thông thường; hướng dẫn quy trình, thủ tục xin cấp chứng nhận để các DN thực hiện.

Để khuyến khích phát triển thị trường tiêu thụ tro, xỉ tại Việt Nam, EVN cũng đề xuất bổ sung các quy định bắt buộc đối với các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương phải ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ trong các công trình xây dựng, san lấp… nhất lại tại các địa phương có các NMNĐ than.

Cần có lộ trình ban hành quy định hạn chế và tiến tới cấm sản xuất vật liệu nung như kinh nghiệm của các nước. Đồng thời, cần có các cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ của NMNĐ than.

PV: Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam: Không thể coi tro, xỉ nhiệt điện than là chất thải nguy hại!

xoa bo can ngai voi tro xi nhiet dien than

Tôi đã có nhiều bài báo khoa học cũng như ý kiến phát biểu tại các diễn đàn và khẳng định, tro, xỉ nhiệt điện than không phải chất thải nguy hại.

Có thông tin cho rằng, nhiệt điện than tạo ra hàng loạt kim loại nặng độc hại như thủy ngân, selen, arsen, chì, cadimi... Nhưng qua kiểm nghiệm thực tế, so với quy định của QCVN 07:2009/BTNMT, nồng độ các nguyên tố kim loại nặng có trong tro, xỉ nhiệt điện than nhỏ hơn từ vài chục lần tới mấy nghìn lần mức cho phép. Thậm chí, nồng độ này trong tro, xỉ còn thấp hơn nồng độ trong cơ thể động vật. Như vậy, có điều gì phải lo ngại.

Trong bất kỳ một cơ thể sống nào cũng như vật chất vô cơ, từ nắm đất đến cây cối và cơ thể người, động vật… đều có hóa chất kim loại nặng, trong đó nhiều nguyên tố kim loại nặng trở thành vi chất cần thiết của cơ thể, không độc hại. Ví dụ, trong cơ thể người chúng ta cũng có sắt, nếu không có sắt sao máu có máu đỏ? Trong sinh vật khác không thiếu gì đồng, chính là máu xanh. Hay kẽm trong cơ thể người giúp tăng cường khả năng đàn ông… Đó là kim loại nặng, nếu nói là có hại cho sức khỏe thì không đúng và không có cơ sở khoa học.

Tôi xin khẳng định lại, tro, xỉ nhiệt điện than không phải chất nguy hại mà là tài nguyên. Nếu sử dụng tro, xỉ làm đường giao thông như gia cố nền (lâu nay làm bằng cát) dưới dạng bê tông đầm lăn sẽ rất tốt, giảm lượng đá cũng như cát khai thác từ các sông gây sạt lở bờ sông và lãng phí tài nguyên quốc gia. Tôi cho rằng, đây lỗi của ngành giao thông khi không biết tận dụng vật liệu rẻ, tro, xỉ tốt và rẻ như vậy mà lại dùng cát rất đắt. Tôi đã có ý kiến trong một diễn đàn rằng, làm đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Nha Trang nên sử dụng tro, xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ rất tốt và tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Hiện nay, bãi chứa tro, xỉ ở một số nhà máy chỉ được sử dụng trong 2 năm. Theo tôi, Chính phủ cần có quy định “cứng” để các ngành giao thông, xây dựng sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp tái sử dựng chứ không phải kêu gọi, hô hào nữa.

Nước Anh hằng năm nhập khẩu hàng triệu tấn tro, xỉ về làm vật liệu xây dựng. Tại Trung Quốc, nhiệt điện than chiếm 79% công suất đặt hệ thống (nhiều hơn công suất điện của cả nước Mỹ) với lượng tro, xỉ khổng lồ lên đến hàng trăm triệu tấn và hầu hết được dùng làm vật liệu xây dựng. Đặc biệt, từ năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã có quy định cấm dùng gạch nung và mỗi năm đất nước này cần 600 tỉ viên gạch chủ yếu từ tro, xỉ nhiệt điện than. Họ cho rằng, nếu không sử dụng tro xỉ, Trung Quốc sẽ phải khai thác lượng đất sét khổng lồ làm gạch.

Nhật Bản sử dụng 100% lượng tro, xỉ, Hàn Quốc 97% (3% còn lại là than kém chất lượng). Ở châu Âu, một số nước dùng nhiều nhiệt điện than như Đức, Ba Lan, Séc cũng sử dụng hầu hết lượng tro, xỉ, không để lãng phí như nước ta.

Minh Hạnh - Xuân Tiến

5-10 tỉ viên gạch từ tro, xỉ

Theo tính toán, 10 triệu tấn tro xỉ mỗi năm sẽ làm được 5 tỉ viên gạch đặc theo kích thước chuẩn, hoặc 10 tỉ viên gạch rỗng. Đến năm 2030, Việt Nam cần 40 tỉ viên gạch không nung, nhưng khả năng đáp ứng chỉ được 10-20 tỉ viên.

xoa bo can ngai voi tro xi nhiet dien than
Tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện than

Trong than nội địa có nhiều tro và có than chưa cháy hết, chiếm 15% lượng tro, xỉ. Loại này không làm vật liệu xây dựng được, nhưng có thể khử cacbon để làm than tổ ong. Ngoài ra, tro bay có thể làm phụ gia xi măng.

Nếu tất cả DN sản xuất vật liệu xây dựng cùng vào cuộc, biến tro, xỉ thành sản phẩm có ích, chúng ta không cần bận tâm đến tro, xỉ nữa. Bên cạnh đó, do than nhập khẩu gần như đốt cháy kiệt, thải ra rất ít tro, nên nếu đến năm 2030, lượng than nhập khẩu tăng lên và chiếm 3/4 than cho sản xuất điện thì nhiều NMNĐ cũng gần như không có bãi tro.

(PGS.TS Trương Duy Nghĩa)

Ứng dụng của tro nhiệt điện

Sản xuất xi măng, phụ gia bê tông: Tro bay được sử dụng thay thế đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Khi tác dụng với nước, tro bay phản ứng với hydroxit canxi được giải phóng từ phản ứng hóa học giữa xi măng và nước, tạo thành sản phẩm kết dính, góp phần nâng cao chất lượng bê tông. Trong số 67,3% tro bay được sử dụng để sản xuất xi măng năm 2011, có 1,6% được sử dụng làm xi măng phối liệu hoặc phụ gia bê tông.

Làm vật liệu san lấp, kè đường: Tro đáy thường nhẹ hơn cát, không thấm nước, hút không khí và giữ nước cao. Tro đáy được sử dụng làm kè đường vì rất nhẹ, làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đối với tro bay, để tăng độ bền và khả năng chịu lực, cần bổ sung các chất kết dính hóa học như vôi và xi măng. Hỗn hợp này có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, kè đường, nền đường, cải tạo mặt bằng và lấp hố chứa bùn.

Làm vật liệu kiến trúc: Tro từ các NMNĐ than có độ cách nhiệt cao, cách âm tốt và không cháy. Tận dụng những đặc tính này, tro bay đáy được sử dụng làm vách ngăn và vật liệu cách âm

Minh Hạnh

  • el-2024