Xẻ thịt thú rừng nơi đất Phật

11:16 | 29/01/2012

1,099 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 – “Đến hẹn lại lên”, mỗi dịp xuân về, khách thập phương lại ùn ùn hành hương về nơi đất Phật Hương Sơn để trẩy hội. Chốn thiền tâm thanh tịnh bỗng nhộn nhịp rồi xô bồ với đủ thứ hàng quán. Bất kể ai đặt chân tới bến Đục, chùa Thiên Trù cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh những quán hàng treo đủ các loại thịt thú rừng.

Lủng lẳng thú rừng nơi cửa Phật

Chính những hình ảnh ấy đã khiến cho nhiều du khách thập phương hành hương về đất Phật trở nên bức xúc và cũng không ít người băn khoăn về công tác bảo vệ rừng và động vật hoang dã nơi đây…

Các con thú rừng bị treo lủng lẳng trước chùa Thiên Trù.

Để đến với trung tâm của đất Phật: Chùa Thiên Trù, Động Hương Tích… nhóm phóng viên chúng tôi đã quyết định thuê riêng một chuyến đò để đi vào trung tâm lễ hội. Với quãng đường gần 5 km ngồi đò, với thời gian gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại Bến Đục, nơi dừng chân sau quãng đường ngồi đò trên dòng Suối Yến và bắt đầu hành trình trẩy hội của du khách.

Trong thời gian ngồi đò, qua trò chuyện với cô lái đò tên Bình chúng tôi được biết nhiều năm nay rừng Hương Sơn không còn bao nhiêu bóng thú. Việc xử lý nạn thú rừng giả của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không triệt để nên các hộ kinh doanh thản nhiên lỡm khách đi chùa.

Một con nai còn nguyên đầu đang bị xẻo thịt.

Vừa bước chân lên Bến Đục, chúng tôi đã phải chúng kiến những cảnh san sát những hàng quán. Thú rừng bị móc vào đầu rồi treo ngược lên cột. Hình ảnh những con vật bị móc treo lủng lẳng, bị phanh thây, thú còn tươi sống, nguyên lông, nguyên da đều có cả. Những hình ảnh phản cảm ấy đã ám ảnh chúng tôi trong suốt hành trình trẩy hội về cõi Phật. Ngay ngày đầu tiên khai hội, chốn cửa Phật, thanh tịnh sao lại xuất hiện hẳn một chợ thịt thú rừng như vậy?

Dạo bước quanh khu vực bến Đục, qua quan sát của chúng tôi, với đoạn đường chưa đầy 300 mét ấy mà có đến gần 20 quán trưng bày thịt thú rừng. với những biển hiệu quảng cáo khẳng định thương hiệu mà không quan tâm rằng mình có phạm pháp hay không, như: “Thịt nai rừng chính hiệu”; “Thịt nhím 100%” “lợn rừng, chồn, cầy hương, cầy bạc má, cầy hoa, hoẵng, cáo…

Đủ các loại thú rừng khách nhau được bày bán.

Qua tìm hiểu sự thực về thịt thú rừng ở chùa Hương mới vỡ lẽ, các cửa hàng kinh doanh ăn uống ở đây đều có chiêu lừa khách. Theo một nhân viên của ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2012, tất cả những sản phẩm hành hóa bày bán trong khuôn viên khu di tích đều được kiểm tra thường xuyên và có giấy phép mới đươch kinh doanh. Bên cạnh Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương kiểm tra thì công tác bán thịt thú rừng trên được Hạt kiểm lâm huyện Mỹ Đức kiểm tra việc kinh doanh thịt thú rừng ở đây.

Mỗi quán bình quân có từ 5 đến 7 con thú rừng khác nhau.

Theo Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương thì mặc dù các cửa hàng đều treo biển, thịt nai rừng, thịt hoẵng, thịt cầy hương… nhưng tất cả đều "treo đầu dê bán thịt chó”. Hầu hết thịt thú rừng ở chùa Hương đều được "chế” từ thịt chó, thịt thỏ, thịt trâu và bò.

Theo cánh "thạo nghề” bật mí, sau khi giết thịt, toàn bộ phần xương sọ con vật bị đập nát rồi khéo léo moi ra, cái đầu chỉ còn phần da và thịt và khi treo móc hàm, sức nặng của toàn bộ cơ thể đã kéo cái mõm không xương của con chó dài thành cái vòi. Còn đối với những con thú vẫn còn nguyên lông, nguyên da bị "treo cổ” ghi nhãn nai rừng, hươu… (treo trước ngày 8/3) cũng chỉ là những con thú nhồi bông được chủ quán treo quảng cáo… Còn thịt hươu, thịt nai thực chất là thịt bê, thịt dê. Người ta đã lóc hết thịt trên thân, còn lại để nguyên đầu và bộ chân móng guốc không cạo lông chào mời khách, nhiều du khách tận mắt chứng kiến con vật vẫn còn nguyên vẹn, giống thú rừng hoang dã nên tin thật.

Thịt thú giá “bèo”

Qua tìm hiểu tại các quán trưng bày và bán thịt thú rừng thì giá thịt của các loại thú rừng ở đây dao động từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Với mức giá 300.000 đồng/kg thịt nai rừng. Một du khách “sành” về thịt thú rừng khẳng định: “Với giá như vậy, không thể mua được thịt nai xịn. Hiện nay, thịt trâu, thịt bò cũng trên thị trường cũng đã có giá 150.00 – 200.000 đồng/kg. Vì thế, không thể có chuyện thịt nai rừng xịn mà giá chỉ 300.000 đồng”.

Một con nhím vẫn còn sống đang chờ chủ nhân của nó xẻ thịt.

Đến hội lại lên – chẳng năm nào Lễ hội chùa Hương lại không bán thịt thú rừng và du khách trẩy hội lại không bị chèo kéo, bị lừa mua về vài cân thịt thú rừng dởm. Các cửa hàng này không ghi mức giá cụ thể trên biển quảng cáo vì chủ quán nhìn mặt khách để “quát” giá. Có những vị khách “sộp” bị quát giá cao, còn những khách kỳ kèo thì "mềm” hơn một chút. Phổ biến giá thịt nai nơi đây dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg; hoẵng rừng 400.000 – 600.000 đồng/kg; Cầy vòi 300.000- 350.000 đồng/kg; Nhím thì 350.000- 400.000 đồng/kg…

Lan la hỏi giá các loại thịt thú rừng, chủ quán nơi đây luôn khẳng định là thú rừng 100%. Biết chúng tôi quan ngại, nghi ngờ không phải thứ rừng, một chủ quán khẳng định: “Các loại thịt thú rừng bán tại cửa hàng đều được săn về từ núi Hương Sơn nên tươi và nguyên chất”.

Hoẵng rừng 400.000 - 600.000 đồng/kg

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó thường trực Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2012, mấy năm trở lại đây tại khu di tích Hương Sơn không có hiện tượng bày bán thịt thú rừng ở khu vực chùa Hương, một số hộ gia đình bán thịt hươu sao nhưng đó có thể là thịt hươu được nuôi lấy nhung, hoặc đã già yếu nên bị giết thịt.

Chùa Hương năm nào cũng vậy, các cửa hàng bán thịt thú rừng giả vẫn nhan nhản. Thật hay giả thì vẫn làm cửa thiền bị “trần tục hóa” và chỉ khổ cho quý khách đầu năm mới, lặn lội từ phương xa tới chùa Hương ”phải” ăn thịt mèo hay mua thịt chó về làm quà… với giá cắt cổ.

Chủ quán đang xẻo thịt một con Nai để bán cho du khách.

Theo đó, nhiều năm nay, tại khu vực chùa Hương vẫn tồn tại tình trạng các cửa hàng bán “thịt thú rừng” giả vẫn cứ thản nhiên để lừa du khách thập phương. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lực lượng chức năng và chính quyền địa phương vẫn đi kiểm tra mà không dẹp triệt để? Tại sao cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý thật nghiêm khắc nạn “thịt thú rừng” giả nhằm lập lại trật tự kỷ cương nơi cửa Phật. Và mỗi mùa lễ hội, người dân xã Hương Sơn lại có dịp để làm giàu và hốt bạc. Thế nhưng, lợi ích kinh tế đã xâm hại nặng nề đến vẻ đẹp và giá trị của chốn tâm linh, cửa Phật.

T. Minh – M. Kiên