Xe bán tải ế ẩm trước giờ G: "Vua doanh số" thành kẻ bị "ghẻ lạnh"

10:43 | 14/03/2019

864 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, phí trước bạ đối với xe bán tải chính thức tăng từ 2% lên 6 - 7,2% song theo phản ánh của nhiều đại lý xe hơi, doanh số xe bán tải bán ra những ngày này không tăng bao nhiêu so với thời điểm trước đó.

Tại một đại lý cấp 1 lớn về xe bán tải ở Hải Dương, người mua cũng không quá quan tâm đến tăng phí trước bạ cho dù nó tác động làm tăng chi phí xe lên hàng chục triệu đồng.

Đã "máu chơi" thì tăng phí có "sá" gì!

Đây là quan điểm của một số người chơi xe pickup thuộc nhóm anh em đi xe pickup phượt. Theo đó, những người mua xe bán tải ở Việt Nam phần lớn là nam giới, trẻ và có cá tính.

Xe bán tải ế ẩm trước giờ G:
Khác với nhiều dự đoán trước đó, doanh số xe bán tải không quá nóng trước giờ tăng phí trước bạ

Họ bỏ tiền mua những chiếc xe từ 700 đến gần 1 tỷ đồng để đi lại, thăm thú hoặc kết hợp chuyên chở đồ nhẹ, chính vì thế chọn xe đẹp, chất lượng tốt hơn là việc mua xe theo đám đông, hưởng lợi ít tiền phí mà phải trả giá đắt sau này.

"Anh em trong nhóm chơi xe biết rõ về việc tăng phí trước bạ, thậm chí còn mở topic để nói chuyện về vấn đề này, tư vấn anh em mua xe nào để "chạy" phí. Nhưng sau một hồi, mọi người đều phán: "Đúng xe sai thời điểm vẫn ăn". Điều này có nghĩa là, dân chơi xe pickup, đã máu mua xe, chơi xe và thậm chí nhiều người độ xe các kiểu thì mức phí tăng vài chục triệu không xá gì", một phượt thủ tại Hà Nội trong hội anh em pickup cho hay.

Thực tế, việc tăng phí trước bạ từ 2% lên 6% và 7,2% (riêng Hà Nội) chỉ có tác động đối với những người mua xe pickup cá nhân, chạy dịch vụ chuyên chở hàng nhẹ cho gia đình, còn phần lớn các dân đi xe pickup chuyên nghiệp họ sợ hãi về tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hơn.

Nhiều người có kinh nghiệm mua xe khuyên không nên mua xe thời điểm này và theo xu hướng đám đông vì dễ "dính" xe tồn, chiêu đẩy giá của hãng. Hơn nữa, họ dự đoán sau ngày 10/4, để cạnh tranh kéo khách, các đại lý có thể sẽ hỗ trợ phí trước bạ cho khách mua xe, nên hãy bình tĩnh.

Về mức thuế TTĐB đối với xe bán tải, đây là điều mà rất nhiều người có nhu cầu mua xe này sợ hãi. Nếu bị điều chỉnh chắc chắn sẽ tạo cơn sốt thực sự.

Hiện mức thuế của xe này đang ở mức 15% đối với xe có dung tích xylanh từ 2.2L đến 3.2L (mức dung tích thấp nhất của các dòng xe bán tải có mặt trên thị trường) và 25% đối với xe có dung tích xylanh trên 3.2L.

Mức thuế TTĐB này khá thấp so với mức tối thiểu 35% đối với xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống đang được áp dụng trên phạm vi cả nước.

Trong năm 2017, liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương từng đề xuất tăng thuế TTĐB đối với xe bán tải tương tự như xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Trường hợp này nếu thời gian tới tiếp tục xảy ra, các dòng xe bán tải sẽ chịu mức thuế từ 60% đến 90%. Mức thuế này sẽ đánh mạnh vào các dòng xe bán tải và khiến giá xe thực sự tăng sốc.

Trường hợp, các cơ quan chức năng đánh thuế TTĐB của xe bán tải bằng 60% thuế TTĐB của xe du lịch dưới 8 chỗ ngồi. Như vậy, tùy theo dung tích xylanh, mức thuế TTĐB sẽ tăng lên 36% và 54% tùy theo dung tích. Mức đánh thuế này cũng khiến giá xe tăng mạnh, triệt tiêu đường sống của các dòng xe bán tải ở Việt Nam.

"Vua doanh số" đang chịu trận

Mặc dù năm 2016 và 2017, xe bán tải được xác định là dòng xe có thể tràn ngập đường ở Việt Nam khi có doanh số bán ra rất cao và lượng xe nhập về rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2018 dòng xe bán tải bất ngờ giảm doanh số rõ rệt ở Việt Nam.

Theo báo cáo của VAMA, doanh số năm 2018 của xe pickup chỉ đạt 18.500 chiếc, thua xa so với doanh số năm 2017 là 24.400 chiếc và năm 2016 là hơn 23.000 chiếc.

Việc giảm doanh số xe pickup một phần do chính sách nhưng phần lớn được các doanh nghiệp khẳng định là thị trường và thị hiếu người dùng.

Năm 2018, xe du lịch ở Việt Nam bùng nổ rất mạnh về quy mô và cơ cấu các mẫu xe từ xe lắp ráp trong nước như các loại hatchback đến các dòng xe SUV đô thị nhập khẩu hàng loạt. Các mẫu xe phổ thông phủ giá từ 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng/chiếc xuất hiện ồ ạt, mẫu mã đẹp, nhỏ gọn, bắt mắt và tiết kiệm nhiên liệu... đã khiến lợi thế cạnh tranh tự nhiên của xe bán tải mất đi, khách hàng chọn mua xe bán tải cũng ít dần ở đô thị, chỉ còn ở địa phương, nông thôn.

Theo giám đốc một doanh nghiệp nhập xe hơi ở Hà Nội, xe bán tải ở Việt Nam nhập gần 90% từ Thái Lan, từ thương hiệu lớn như Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Mazda BT50 đến các dòng xe ít được người tiêu dùng chọn lựa như Nissan Navara hay Toyota Hilux... Tuy nhiên, mức giá từ năm 2016 đến nay của các dòng xe này không giảm, điều này khiến nó khó tiếp cận được đối tượng khách hàng mới, trẻ và có tiền.

"Là dòng xe lưỡng dụng vừa chở người và chở hàng nhỏ, xe bán tải có tỷ lệ nội địa hóa cao từ 70 đến 90% ở Thái Lan và xuất khẩu rất nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam giá của dòng xe này còn đắt, do đó chưa hướng tới được với khách hàng chính là nông dân, người nông thôn", ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về ô tô bình luận.

Theo Dân trí

Dân lo nghỉ Tết, doanh số hàng loạt hãng xe tụt dốc thê thảm
Thấy gì từ con số tổn thất điện năng liên tục giảm?
Hải Dương: Ô tô mất lái đâm liên tiếp 2 xe máy, một người tử vong
Thủ tướng: Không cần sản xuất ô tô trong nước, nhập khẩu toàn bộ là quan điểm sai lầm
Tìm ra chủ ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên