Xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận: Những bước đi thận trọng

07:40 | 27/03/2015

1,248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát triển hạt nhân là một chủ trương lớn mà Đảng, Chính phủ giao cho ngành điện triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Dự án Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận đang triển khai chậm hơn so với tiến độ đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận. Giới chuyên gia cho rằng, sự chậm trễ này là điều dễ hiểu vì đây là dự án ĐHN đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, công nghệ cao nên cần phải có những bước chuẩn bị đảm bảo an toàn cao nhất!

Năng lượng Mới số 407

Chậm là bình thường

Dự án ĐHN Ninh Thuận có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của nước ta trong tương lai, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Chính vì vậy, việc triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận đã không ít lần “hâm nóng” tại nghị trường Quốc hội, là chủ đề thảo luận của không ít hội thảo, diễn đàn khoa học. Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn - thách thức đến từ việc triển khai dự án điện hạt nhân, nguồn năng lượng của tương lai và cũng ẩn chứa những rủi ro rất lớn.

Phối cảnh Dự án ĐHN Ninh Thuận

Vấn đề an toàn cho nhà máy ĐHN vì thế đặc biệt quan trọng, là ưu tiên hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bài học từ thảm họa tại Nhà máy ĐHN Fukushima (Nhật Bản) chính là bài học lớn cho những quốc gia muốn triển khai các dự án ĐHN như Việt Nam. Chính vì lẽ đó, ông Lê Doãn Phác - Phó cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử cho rằng, sự chậm trễ trong quá trình triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận là điều hết sức bình thường, là sự chuẩn bị cần thiết trước khi đi vào xây dựng. Trên thế giới mới chỉ có 2 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc là đảm bảo tiến độ triển khai ĐHN.

Ngoài ra, ông Lê Doãn Phác cũng cho biết, mặc dù đã nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ của các nước giàu kinh nghiệm về phát triển ĐHN như Nga, Nhật Bản nhưng vì chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân, cơ sở hạ tầng cần thiết còn ở mức thấp, hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn chỉnh… nên việc triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận gặp không ít vướng mắc. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn thì con số lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn đầu tư phục vụ dự án là cả một thách thức không chỉ với ngành điện, mà với cả nền kinh tế.

Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công tác truyền thông khoa học và công nghệ 2015 - Nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển điện hạt nhân”, chi phí đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN đang tăng cao, ước tính chi
5.339USD/kW (không phải chịu lãi suất vay và trượt giá). Khoản chi phí này lớn hơn nhiều so với xây dựng một nhà máy điện than hoặc nhà máy điện khí. Yêu cầu pháp quy ngày càng tăng, các vấn đề về cấp phép, quản lý dự án, chi phí lao động và dự toán không đúng các chi phí và nhu cầu là những yếu tố góp phần làm tăng chi phí.

Khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối diện trong quá trình triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận như vậy là hết sức rõ ràng. Và thực tế, thời gian qua, để từng bước tháo gỡ những vướng mắc này, Việt Nam đã tích cực tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ hợp tác song phương với một số quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thông qua các chương trình này, từ năm 2010 đến nay, hàng trăm lượt sinh viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo chuyên ngành ĐHN Liên bang Nga.  Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng gửi 24 kỹ sư sang Nhật Bản đào tạo cán bộ chủ chốt cho ĐHN.

Không thể nóng vội

Theo kế hoạch tổng thể triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận, EVN được giao làm chủ đầu tư 6/10 dự án thành phần. Theo ông Phan Minh Tuấn - Phó giám đốc BQL ĐHN Ninh Thuận, tính đến thời điểm hiện tại, hai đơn vị tư vấn của Nga, Nhật Bản đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm đối với Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2. EVN đang tổ chức thẩm tra, hoàn chỉnh để trình các bộ, ban, ngành liên quan và Hội đồng Thẩm định Nhà nước.

Cũng trong thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận đã rất tích cực phối hợp cùng với EVN thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án thành phần. Trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đây vừa là trách nhiệm, nhưng cũng rất vinh dự của địa phương khi được tham gia vào một dự án trọng điểm của quốc gia. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai Dự án, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Thuận đã quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành xác định đây là nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành; từ đó tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân hiểu và thực hiện, cùng với nhà đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án theo kế hoạch. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù di dân, tái định cư phục vụ cho các công trình, dự án thành phần trên địa bàn thuộc Dự án ĐHN Ninh Thuận.

Đáng chú ý, để giải quyết bài toán nhân lực phục vụ dự án, mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao cho 3 trường đại học là Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Lạt tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Các cơ sở đào tạo khác tiếp tục tuyển sinh, đào tạo theo các chuyên ngành đã được phân công tại Đề án 1558 “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phan Minh Tuấn thông tin, công tác đào tạo nguồn nhân lực đang được tập trung cao độ với nhiều chương trình như đào tạo các kỹ sư từ các sinh viên tài năng; đào tạo cập nhật các thông tin ĐHN cho các kỹ sư, cán bộ đang công tác tại Việt Nam cũng như các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ đang thực thi quản lý nhà nước cũng như quản lý kỹ thuật để chúng ta đáp ứng từng bước các công đoạn của dự án chúng ta đã triển khai. Trong chương trình, kể cả việc đào tạo công nhân kỹ thuật liên quan đến ĐHN đã có kế hoạch triển khai rộng rãi ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cũng như là việc đào tạo tại các trường ĐH ở nước ngoài đang được triển khai đồng loạt…

Ghi nhận những nỗ lực mà EVN và các bộ, ngành liên quan đã thực hiện trong việc triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận, tại lễ khởi công xây dựng hệ thống điện phục vụ thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 (diễn ra ngày 12/12/2014), Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định: Mặc dù tiến độ khởi công Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đã bị chậm, song không vì thế mà nóng vội. ĐHN tại Việt Nam phải được thực hiện với từng bước đi thận trọng, đảm bảo độ an toàn, an ninh cao nhất!

Ông Phan Minh Tuấn: ĐHN có tính đặc thù riêng rất cao, tuổi thọ kéo dài và nếu đảm bảo được độ an toàn trong suốt quá trình vận hành, đầu tư vào một dự án ĐHN chắc chắn có lãi mà không bao giờ có lỗ. Nhưng nếu chỉ để xảy một sự cố nhỏ, cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt.

Thanh Ngọc

  • el-2024