Giải bài toán tổn thất điện năng

Xây dựng lưới điện đồng bộ, hiện đại

07:00 | 22/09/2016

360 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số các đơn vị trực thuộc của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Điện lực Bình Dương (PC Bình Dương) là một trong những điện lực có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp nhất, đạt mức 3,32% trong năm 2015 và 3,63% trong 7 tháng năm 2016.

Theo ông Nguyễn Trung Thu - Phó giám đốc PC Bình Dương thì mục tiêu hướng đến của công ty trong năm 2016 là đưa tổn thất điện năng về mức 3,28%.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Nguyễn Trung Thu cho hay: Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tỉ trọng công nghiệp chiếm tới 63% GDP tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 5 năm 2011-2015 là 11% và chiếm tới 80% sản lượng điện thương phẩm. 7 tháng năm 2016, mức tăng trưởng điện thương phẩm trên địa bàn là 12,39% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giảm tổn thất điện năng là vấn đề cấp bách, là chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng phải hoàn thành được ngành điện đặt ra. Vậy nên, áp lực phát triển hệ thống lưới điện để đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn là rất lớn.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm với một loạt các giải pháp cụ thể, những năm qua, PC Bình Dương không những đảm bảo việc cung ứng điện với chất lượng ngày càng cao mà còn đưa tỷ lệ giảm tổn thất điện năng giảm dần qua các năm, thậm chí vượt chỉ tiêu được giao, từ mức 3,79% năm 2011 xuống còn 3,32% năm 2015, thấp hơn 0,26% kế hoạch. Và mục tiêu giảm tổn thất điện năng của PC Bình Dương trong năm 2016 là 3,28% và đến năm 2020 là 2,69% - đúng lộ trình được EVNSPC đặt ra.

xay dung luoi dien dong bo hien dai
Máy biến áp amorphous siêu tiết kiệm điện

Cũng theo ông Thu thì những kết quả mà PC Bình Dương đạt được trong công tác giảm tổn thất điện năng là “thành quả của quá trình đầu tư trong nhiều năm để từng bước hình thành lên hệ thống lưới điện đồng bộ với các ứng dụng công nghệ thông minh, hiện đại”. Theo đó, PC Bình Dương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tính toán, lựa chọn vị trí lắp đặt tụ bù tối ưu, giảm công suất vô công truyền tải trên lưới điện. Đồng thời tính toán, lựa chọn sơ đồ vận hành tối ưu nâng cao điện áp, góp phần giảm tổn thất điện năng. Cùng với đó, công ty đã tiến hành sửa chữa, cải tạo các công trình lưới điện xuống cấp; đầu tư xây dựng mới các công trình điện, rút ngắn bán kính cấp điện, bọc kín lưới điện, tăng công suất nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đặc biệt, tính đến hết tháng 7-2016, công ty đã lắp đặt 185 máy biến áp sử dụng công nghệ mới siêu tiết kiệm amorphous với chi phí đắt hơn 13% so với máy biến áp thông thường đã góp phần giảm tới 20-30% tổn thất trên hệ thống lưới điện.

Trong khâu kiểm tra giám sát mua bán điện, công ty đặc biệt quan tâm đối với công tác quản lý hệ thống đo đếm của các khách hàng lớn, đồng thời theo dõi kiểm tra định kỳ thường xuyên để không xảy ra thất thoát điện năng. Hiện nay, Bình Dương cũng đã lắp đặt trên 217.000 công tơ điện tử, chiếm 57% khách hàng sinh hoạt, phấn đấu đến năm 2018 sẽ lắp đặt 100% công tơ điện tử áp dụng công nghệ đo xa cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện, bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp hệ thống đo đếm hoạt động bất thường.

Với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả và phối hợp tốt với chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp câu móc trộm điện thì các hành vi câu móc điện đã giảm mạnh qua từng năm. Trong 6 tháng đầu năm chỉ còn 28 trường hợp bị phát hiện, xử lý.

Nói nhanh về kết quả giảm tổn thất điện năng như vậy, nhưng theo ông Thu để đạt được kết quả đó là cả một quá trình hết sức khó khăn. Là tỉnh công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, tăng trưởng điện thương phẩm cao, nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống lưới điện vì thế là rất lớn. Trong khi đó vốn đầu tư sửa chữa lưới điện được EVNSPC phân bổ hằng năm còn eo hẹp nên một số khu vực lưới điện vẫn cũ nát, tổn thất điện năng cao. Và cũng vì thiếu vốn nên hầu hết lưới điện trên địa bàn tỉnh là lưới trần, chưa chuyển sang dây bọc. Thời gian qua, UBND tỉnh có chủ trương trồng cây xanh trong các khu vực đô thị và hầu hết đều nằm trong hành lang an toàn lưới điện nên gây khó khăn cho công tác vận hành lưới điện, gây sự cố và làm tăng tổn thất điện năng do cây chạm vào đường dây.

Trong công tác thi công xây dựng cũng vậy, nếu việc xây dựng các công trình điện trên địa bàn chỉ mất trong khoảng 4 tháng thì khi triển khai phải mất hơn 1 năm do vướng đền bù giải phóng mặt bằng bởi mọi thủ tục đều do địa phương thực hiện. Vì vậy, để thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020, có xét đến 2030 thì tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo giải phóng mặt bằng nhanh, vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa góp phần giảm tổn thất điện năng trên địa bàn.

Để thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng từ mức 3,28% (năm 2016) về mức 2,69% (năm 2020), một trong những giải pháp đang được PC Bình Dương triển khai là từng bước đầu tư, hiện đại hóa lưới điện nhằm giảm sự cố lưới điện và giảm tổn thất điện năng. Song song với đó, tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành, tính toán để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện. Lộ trình của công ty là đến năm 2018 sẽ lắp đặt công tơ đo đếm từ xa theo công nghệ này đến toàn bộ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Về lộ trình thay thế lưới điện trần trong giai đoạn đến năm 2020, công ty đã trình EVNSPC để tìm nguồn vay với tổng vốn khoảng 2.000 tỉ đồng. Lộ trình này cũng nằm trong kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là từ nay đến năm 2020 toàn bộ lưới điện trung thế 22kV và 35kV trên địa bàn cả nước sẽ phải đảm bảo tiêu chí N-1, tức có nguồn dự phòng cho đường dây, đảm bảo không làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 559