Xây dựng 2 cột điện 500 kV cao nhất Việt Nam

21:41 | 12/11/2019

4,253 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đây là các vị trí cột số 05, 06 vượt sông Hậu của dự án đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa. Việc thi công lắp dựng cột cũng như kéo dây tại 2 vị trí này rất phức tạp, nên có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của cả dự án.

Dự án đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, đang được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) và các đơn vị liên quan khẩn trương tăng tốc để có thể đóng điện giai đoạn 1 trong tháng 12/2019.

Xây dựng 2 cột điện 500 kV cao nhất Việt Nam
Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT kiểm tra tiến độ thi công 2 vị trí cột 05, 06 vượt sông Hậu của đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa

Trong đó, 2 vị trí cột vượt sông Hậu là 2 cột điện cao nhất ở Việt Nam từ trước tới nay. Mỗi cột có chiều cao 175m. EVNNPT đã chỉ đạo SPMB (đơn vị quản lý dự án) và Công ty Truyền tải điện 4 (đơn vị tư vấn giám sát, sẽ tiếp nhận đường dây để quản lý vận hành) tập trung phối hợp và hỗ trợ Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng cho 2 vị trí này, cũng như toàn bộ dự án.

Theo ông Võ Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc PCC1, do vị trí 2 cột gần bờ sông, nên mặt bằng thi công rất chật hẹp, khó khăn cho việc tập kết vật liệu. Mỗi vị trí có hơn 1.000m3 bê-tông nên mất gần 4 tháng mới đổ xong móng cột.

Để vận chuyển cột (trọng lượng khoảng 800 tấn/cột) đến vị trí, PCC1 đã phải thuê xà lan loại lớn để vận chuyển và sử dụng 2 xe cẩu (một xe 450 tấn và một xe 50 tấn) để phục vụ thi công. Tuy nhiên, xe cẩu 450 tấn cũng chỉ hỗ trợ thi công lắp dựng cột đến độ cao 100 m. Phần cột cao hơn, PCC1 phải lắp dựng thủ công.

Điều đáng nói là khi thi công trên cao, do ảnh hưởng của gió nên cột có độ rung lớn, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thi công. Vừa kết hợp phương tiện và sử dụng biện pháp thủ công, PCC1 phải lắp dựng trong vòng 2 tháng mới hoàn thành được một vị trí cột.

PCC1 đang phấn đấu hoàn thành kéo dây khoảng cột này trước ngày 15/12/2019. Ông Quang cho biết thêm: Khoảng cách giữa hai cột vượt sông Hậu là 1.378m, nhưng cả khoảng néo kéo dây dài gần 2.900m. Trong khi đó, sông Hậu là đường vận chuyển quốc tế do Cảng vụ miền Nam quản lý. Đoạn sông này thường xuyên có tàu lớn di chuyển, việc thi công kéo dây dẫn, dây chống sét, cáp quang sẽ được PCC1 sử dụng thiết bị bay để rải dây mồi phục vụ kéo dây cho khoảng cột này.

Theo ông Trương Hữu Thành - Giám đốc SPMB, dự kiến tiến độ đóng điện giai đoạn 1 đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa vào giữa tháng 12/2019 để cấp điện phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 phát điện thử nghiệm. Khối lượng giai đoạn này gồm: Chiều dài đường dây 36,65km với 78 vị trí cột. Đến thời điểm này, các nhà thầu thi công đã đúc xong 78/78 vị trí móng, dựng xong 64/78 cột và đang kéo dây.

Trong giai đoạn 2 của dự án còn 96,35 km với 190 vị trí cột, SPMB đã bàn giao được 24 vị trí móng; phê duyệt phương án bồi thường cho 164 hộ, đang kiểm đếm áp giá đền bù cho 1.958 hộ dân. Dự kiến, mốc đóng điện giai đoạn 2 vào cuối năm 2020.

Công trình đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa có tổng chiều dài 133km, được thiết kế hai mạch, dây dẫn phân pha 4 dây loại ACSR 600/76, riêng các khoảng vượt sông Hậu và sông Tiền sử dụng dây dẫn tăng cường lực phân pha 4 dây loại AACSR 635/117.

Đường dây này sẽ truyền tải công suất của các nhà máy điện (NMĐ) Sông Hậu 1 và Sông Hậu 2 tại khu vực miền Tây Nam Bộ về trung tâm phụ tải TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Quang Thắng

EVN - trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng
Ngăn chặn việc tuyên truyền hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” trên các thiết bị, phần mềm
EVNCPC chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường của bão số 6
Củng cố lưới điện, đảm bảo vận hành hồ chứa trước bão số 6
Trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “EVN - 65 năm đồng hành cùng đất nước”

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps