Vượt khó và vượt sướng

06:05 | 30/09/2023

54 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cha của Chu Trùng Bát được bà nội đặt tên là Chu Ngũ Tứ (54) vì năm đó được mùa, nhà thu được 54 bao thóc. Năm mất mùa, khi cha mẹ và các anh chị chết đói, trong nhà Chu Trùng Bát chỉ còn lại 13 hạt thóc. Nhờ bát nước cháo của 13 hạt gạo đó, cậu bé Chu Trùng Bát không chết. Rồi sau đi ăn mày, đi ở, đi tu, đi lính. Rồi năm 1368 trở thành Hoàng đế Chu Nguyên Chương, sáng lập triều Minh ở Trung Quốc.

Ronaldinho là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhưng không nhiều người biết chuyện anh đã phải vượt khó vươn lên như thế nào. Cha anh là công nhân một nhà máy đóng tàu ở Brazil. Ông qua đời khi Ronaldinho mới 8 tuổi. Trang bóng đá The Football Arena đăng tâm sự của Ronaldinho: “bố tôi bảo tôi nên học cách làm chủ quả bóng bằng chân trần để có được sự nhạy cảm ở bàn chân, và tôi đã hứa với ông rằng sẽ làm vậy. Nhưng điều thực sự là ông không có tiền để mua cho tôi một đôi giày. Sau này, khi giành được quả bóng vàng đầu tiên, tôi không khóc vì sung sướng, mà tôi khóc vì không còn bố”.

Một cậu bé chào đời ở Hawaii vào ngày 4-8-1961 được đặt theo tên bố là Barack Obama. Cha cậu bé là Barack Hussein Obama, một sinh viên đến từ Kenya, thuộc địa của Anh ở châu Phi. Barack Hussein xuất thân trong một gia đình nghèo, chăn dê từ nhỏ. Cha của Barack Hussein, người bộ tộc Luo, làm giúp việc cho người Anh. Thật vinh dự cho một thanh niên xuất thân khiêm tốn như vậy mà được học bổng tại Đại học Hawaii của Mỹ.

Mẹ của cậu bé Obama là Ann Dunham, sống trong một ngôi nhà xiêu vẹo gần khuôn viên Trường Đại học Hawaii. Cô cưới Barack Hussein vào năm 1960 khi anh đang theo học tại đây. Barack dự định cuối cùng sẽ đưa vợ con trở về Kenya. Barack rất yêu vợ con, nhưng anh còn có cam kết với đất nước Kenya và khát vọng mãnh liệt giúp người dân nghèo khó quê mình. Ann cho rằng cuộc hôn nhân như thế sẽ không thể duy trì. Năm 1964, cô đệ đơn ly hôn.

Sau khi ly hôn, Ann quay lại trường Đại học Hawaii. Cô không có tiền, phải sống nhờ phiếu thực phẩm trợ cấp và sự giúp đỡ của cha mẹ đẻ. Khi Ann đi học, bố mẹ cô đã chăm sóc cậu con trai nhỏ Obama. Năm 1966, Ann gặp một sinh viên du học người Indonesia tên là Lolo Soetoro. Sau kết hôn, Lolo theo lệnh phải quay trở lại Indonesia để phục vụ trong quân đội. Cậu bé 6 tuổi Obama và mẹ theo cha dượng về Indonesia với cuộc sống phiêu lưu ở một nơi hoàn toàn xa lạ.

Ban đầu, Obama không biết tiếng Indonesia và cậu bé cũng không biết ai ngoại trừ mẹ và cha dượng. Ở trường cũng như ở làng xóm, Obama không thấy ai giống mình. Đôi khi cậu bị trêu chọc vì là người nước ngoài và có vẻ ngoài khác biệt. Nhưng Obama không hề nản lòng. Ann kể với con trai rằng cha đẻ của cậu là Barack Hussein, tuy xuất thân từ một gia đình nghèo, thất học nhưng vẫn cố gắng vươn lên, hiến dâng cuộc đời vì lợi ích của người dân Kenya. Lời mẹ đã động viên cậu bé vượt qua khó khăn để học hành tiến bộ. Năm 1971, Ann gửi con trai Obama trở lại Hawaii, sống với ông bà ngoại. Những thông tin trên trích trong cuốn “Barack Obama our 44th President” của tác giả Beatrice Gormley, được Aladdin Paperbacks xuất bản năm 2008.

Qua câu chuyện trên cho thấy, Barack Obama đã liên tục phá bỏ những rào cản mà người ta cho rằng không bao giờ có thể vượt qua. Sinh ra ở Hawaii với cha là người Kenya và mẹ là người Mỹ, sống với cha dượng ở Indonesia, nơi anh phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và đấu tranh vì bản sắc chủng tộc của chính mình. Bất chấp những trở ngại đó, Barack Obama vẫn kiên trì và có sự nghiệp chính trị thành công trước chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Cuộc bầu cử này không chỉ tiếp thêm sinh lực cho một quốc gia, mà còn truyền cảm hứng cho cả nhân loại. Tổng thống Barack Obama đã chứng minh cho mọi người thấy rằng lý lịch của một người không quyết định việc anh ta có thể đi bao xa.

Chu Nguyên Chương, Ronaldinho và Barack Obama, không ai được chọn nơi mình sinh ra. Không ai muốn sinh ra trong nhà nghèo. Nghèo thì khổ đủ đường. Chỉ có một điểm tích cực là làm người ta kiên gan bền chí hơn. Cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con khôn. Nghèo khó có động lực. Con nhà giàu có tiền, con nhà nghèo có nghị lực. Con nhà nghèo vượt khó, con nhà giàu vượt sướng. Sướng quá mà không tu dưỡng rèn luyện thì cuối cùng cũng hủy hoại sự nghiệp của ông cha. Nghèo mà có nghị lực phấn đấu thì sẽ đổi đời. “Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời” có lẽ là một trong những câu lạc quan nhất trong kho tàng tục ngữ Việt Nam.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản