Vụ học sinh bị phạt 231 cái tát: Hiệu trưởng và giáo viên nên nghỉ việc

13:10 | 28/11/2018

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thật nực cười, khi sự việc đã lan thành làn sóng phẫn nộ khắp cả nước thì bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh lại khư khư ôm thành tích, muốn báo chí đừng lên tiếng.  

Những ngày qua, dư luận vẫn chưa lắng xuống trước hình phạt của giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy dành cho cậu học trò lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh). Quá tàn nhẫn và phản sư phạm, là vết nhơ cho ngành giáo dục.

Đã hội đủ yếu tố để bị truy tố cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy về hành vi hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác theo điều hình sự theo điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015.

Lẽ ra, khi vụ việc vỡ lở, bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh phải can đảm đứng ra nhận lỗi, vì bà là người quản lý giáo viên trường mình cả về chuyên môn, lẫn đạo đức. Nhà cháy, bà không lo dập lửa, lại lăng xăng, khóc lóc, lo lắng tài sản trong nhà bị cháy mất. Bà lo lắng cái danh hiệu “Trường chuẩn quốc gia cấp độ II” sắp được công nhận bị lung lay, hỏng bét. Và bà yêu cầu báo chí im lặng, chẳng khác nào châm dầu vào lửa, khiến dư luận phẫn nộ hơn.

hieu truong va co giao bao hanh hoc sinh o ngoi truong 231 cai tat nen nghi viec
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy

Bà Phạm Thị Lệ Anh viện dẫn lý do: Ngôi trường do bà quản lý tất cả đều tốt đẹp, cô giáo Thủy chỉ là một cá biệt, không thể nào để vụ “231 cái tát” làm ảnh hưởng đến sự phấn đấu cả tập thể. Vậy bà chưa nghe câu “con sâu làm rầu nồi canh” sao?

Bà làm trong ngành giáo dục, chắc bà biết câu chuyện này: Một giáo viên giơ tờ giấy trắng, có vệt mực trước cả lớp, hỏi: “Đây là gì?”, cả lớp nhao nhao trả lời: “Vết mực ạ”. Đó, bà còn biện hộ nữa không? Cả một đời người, dù có tốt, chỉ một lần lầm lỗi, đã đủ để xã hội nhìn nhận là người xấu rồi.

Huống chi, khi báo chí vào cuộc, chẳng những cô giáo Thủy tát học sinh một lần mà đã nhiều lần như thế. Con số cái tát đếm được không phải dừng lại 231, tăng lên đến 901 cái. Hai nạn nhân là học trò khác của của cô giáo Thủy bị bạo hành trước đó, đã được bà “dàn xếp”, ém nhẹm. Còn sự gian dối nào hơn?

hieu truong va co giao bao hanh hoc sinh o ngoi truong 231 cai tat nen nghi viec
Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng trường PTCS Duy Ninh

Do đó, lần này, bà không thể vì sĩ diện, vì khao khát ngồi ghế hiệu trưởng của một ngôi trường “chuẩn” mà phát biểu một câu vô trách nhiệm, vô cảm như vậy. Có lẽ, do cậu học sinh N., nạn nhân của 231 cú tát không phải con của bà nên bà không biết đau, không biết xót. Và vì cái danh hiệu trường “chuẩn”, bà mờ hết lý trí, không nhận ra sự việc “231 cú tát” là vết đen cho cả ngành giáo dục, ảnh hưởng trầm trọng đến tất cả những nhà giáo chân chính đang hằng ngày đứng trên bục giảng truyền kiến thức, đạo đức cho học trò.

Bà không thể “đóng cửa trường” để dạy dỗ giáo viên dưới quyền, chỉ có bà và nội bộ đồng nghiệp ở trường của bà biết, kiểu “xấu che, tốt khoe” được. Thuộc cấp của bà đã tệ, bà còn tệ hơn khi xử lý như vậy, hãy nhìn sự phẫn nộ của dư luận thì bà sẽ rõ.

Sẵn đây, xin thưa với bà Phạm Thị Lệ Anh rằng: Bây giờ, nhắc đến vụ việc 231 cái tát, cả nước đều biết đến đang nói đến ngôi trường do bà đang làm hiệu trưởng. Ngôi trường của bà đã nổi tiếng lắm rồi, tên gọi gắn liền con số “231”, bà ạ! Nếu không tin, bà chịu khó tìm kiếm google con số “thần thánh” đó, sẽ hiện ra ngay ngôi trường do bà đang làm lãnh đạo cao nhất.

Làm giáo viên, ngoài truyền đạt kiến thức, người giáo viên còn là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo, để làm nền tảng nhân cách sau này. Trước tiên, đó là sự trung thực. Chính vì vậy, khi một học sinh sử dụng tài liệu trong giờ kiểm tra, bị giáo viên bắt được là cho ngay con zero điểm vì tội gian dối. Chắc bà Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh hiểu? Cả bà và tác giả 231 cú tát đều nên nghỉ, không nên đứng trong đội ngũ ngành giáo dục cần sự liêm khiết, trung thực nữa.

hieu truong va co giao bao hanh hoc sinh o ngoi truong 231 cai tat nen nghi viec
Chắc chắn em N. sẽ bị chấn động tâm lý cả cuộc đời

Cuối cùng, việc bà Hiệu trưởng trường “231 cái tát” yêu cầu báo chí đừng lên tiếng, xuất phát từ đâu? Xin thưa, từ căn bệnh thành tích, thích sống ảo.

Bệnh thành tích vốn tồn tại quá lâu trong ngành giáo dục. Bao năm nay, nhiều trường yêu chuộng những con số điểm đẹp, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao, trường mình được công nhận “đạt chuẩn”… đã phải lấp liếm, che giấu nhiều ung nhọt tồn tại.

Năng lực kém, muốn khoác lên mình chiếc áo đẹp thì buộc phải gian dối. Điểm nâng lên, giáo viên coi thi lơi lỏng cho học sinh “thuận lợi” làm bài. Bạo lực học đường, sai phạm của giáo viên được xử lý nội bộ, đóng cửa dạy nhau. Nhìn vào, người ta thấy môi trường sư phạm yên bình, quá đỗi yên bình. Đến khi một vài vụ việc vỡ lở ra, người ta mới nhận ra sự phũ phàng: Sự yên bình chỉ là phù phiếm, giả tạo.

Đến hôm nay, sự việc vi phạm đạo đức nghề giáo trầm trọng của cô Nguyễn Thị Phương Thủy, dư luận vẫn không khỏi ngạc nhiên khi chưa thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lên tiếng. Báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực, nhân dân đồng loạt yêu cầu vị Tư lệnh ngành giáo dục có lời xin lỗi, trực tiếp chỉ đạo xử lý để làm trong sạch môi trường sư phạm. Công chúng vẫn đang chờ đợi Bộ trưởng…

Lê Ngọc Dương Cầm

hieu truong va co giao bao hanh hoc sinh o ngoi truong 231 cai tat nen nghi viecCô giáo bắt học sinh tát bạn 230 cái có thể bị khởi tố
hieu truong va co giao bao hanh hoc sinh o ngoi truong 231 cai tat nen nghi viecTừ chuyện 231 cái tát, nhớ những lần bị thầy phạt ngày xưa
hieu truong va co giao bao hanh hoc sinh o ngoi truong 231 cai tat nen nghi viecBộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý nghiêm việc cô giáo phạt tát học sinh 231 cái ở Quảng Bình

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc