Vụ cháy chợ Phố Hiến: Quýt làm cam chịu!

07:00 | 05/08/2015

1,681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã hơn một năm trôi qua, vụ cháy chợ Phố Hiến (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, làm nhiều hộ tiểu thương khánh kiệt nhưng đến nay việc điều tra, xử lý vụ việc vẫn bùng nhùng, chưa có hồi kết. Trong khi có rất nhiều dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư chợ buông lỏng quản lý, lơ là công tác phòng cháy chữa cháy, cần làm rõ trách nhiệm của nhiều lực lượng chức năng thì kết quả xử lý vụ việc gần đây lại chỉ có duy nhất một người... làm thuê phải chịu trách nhiệm. Dư luận đặt câu hỏi phía sau vụ án này liệu có gì khuất tất, phải chăng đây là tình trạng “quýt làm cam chịu”...?  

Khởi tố Phó Ban quản lý chợ Phố Hiến

Khởi tố Phó Ban quản lý chợ Phố Hiến

Liên quan đến vụ cháy chợ Phố Hiến, ngày 17/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phó Ban quản lý chợ Đào Ngọc Hậu để làm rõ hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Buông lỏng phòng cháy, chữa cháy

Đầu năm 2014, dãy nhà 2 tầng được hoàn thiện với mức đầu tư gần 300 tỉ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 1/2014. Các tiểu thương đã buôn bán nhiều năm ở chợ Phố Hiến cũ được chủ đầu tư vận động chuyển từ chợ tạm vào chợ mới kinh doanh dù một số hạng mục chưa được hoàn thiện. Bà Nguyễn Thị Hà, một tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết: “Chúng tôi đã từng phản đối vào chợ, dù chợ được đầu tư nhiều tỉ đồng nhưng chúng tôi đã cảm thấy không an toàn. Hệ thống chữa cháy của chợ chưa đảm bảo để dập lửa nên khi xảy ra cháy, các cột nước xung quanh đều không hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng cứu hỏa”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ một hộ kinh doanh tại chợ cũng bức xúc nói: “Bà con chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ nguyên nhân cháy chợ; trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý chợ khi xảy ra cháy chợ; cần xem lại chất lượng xây dựng chợ, thực hiện các quy định về PCCC của chủ đầu tư”.

Vụ cháy chợ Phố Hiến: Quýt làm cam chịu!
Hình ảnh hiện trường vụ cháy chợ Phố Hiến

Thế nhưng, kết quả điều tra vụ án cho đến nay cho thấy còn nhiều điều bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do BQL chợ, trực tiếp là ông Đào Ngọc Hậu, Phó BQL chợ khi đó đã “tự ý” để máy bơm nước chạy thêm 3 tiếng mỗi ngày sau khi đóng cửa chợ để bơm nước dẫn đến nóng dây điện máy bơm gây cháy, bắt lửa ra xung quanh gây cháy chợ. Người duy nhất bị khởi tố và phải chịu trách nhiệm về vụ cháy cũng duy nhất là ông Hậu; Giám đốc công ty, Trưởng BQL chợ, cán bộ phụ trách điện, nước cùng các lực lượng PCCC khác đều... vô can trong vụ cháy này.

Còn ông Đào Ngọc Hậu thì cho rằng, chất lượng thi công và quản lý chợ chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ cháy. “Cái chợ của anh Kỳ xây lên chỉ trong 75 ngày đã hoàn thành. Tường nứt, trần nhà nứt mưa bị dột, gạch men bong tróc, điện nước thiếu thường xuyên. Anh Kỳ gom tiền của dân để xây chợ nhưng bớt xén dẫn đến công trình kém chất lượng, sau đó làm nhiều việc khuất tất để đổ tội cho tôi là người làm thuê. Vì công trình kém chất lượng nên khi xảy ra cháy không có đủ các cơ sở vật chất về PCCC, phương tiện để hỗ trợ cho việc dập lửa khi xảy ra cháy chợ. Điều này tại phiên tòa sơ thẩm đã được xem xét rất kỹ lưỡng và rõ ràng” - ông Hậu trình bày trong đơn gửi cơ quan chức năng.

Vụ cháy chợ Phố Hiến: Quýt làm cam chịu!
Sổ ghi nội dung cuộc họp BQL chợ ghi rõ việc ông Kỳ chỉ đạo xử lý khắc phục thiếu nước tại chợ

Theo Luật sư Nguyễn Thị Liên Hoa (Hà Nội), điều 5 Luật PCCC đã nêu rõ: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình”. Trong vụ án này, chủ doanh nghiệp khai thác chợ Phố Hiến đã có nhiều dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong tổ chức hoạt động và PCCC. Quy định về PCCC trong Điều 5 của bản nội quy chợ Phố Hiến về PCCC rất sơ sài. Đến ngày 5/1/2014, ông Bùi Hồng Kỳ mới ký thông báo thành lập BQL chợ và thông báo về việc thực hiện quản lý chợ Phố Hiến, phân công nhiệm vụ cho các thành viên BQL. Trong các thông báo này cũng nêu rõ BQL lập phương án PCCC trình Tổng giám đốc (tức ông Kỳ) phê duyệt. Thế nhưng, từ thời điểm đó cho đến khi xảy ra cháy chợ, không thấy có việc phê duyệt và tập dượt các phương án PCCC mà ông Kỳ cũng không tổ chức, kiểm tra, đôn đốc.

Không dừng ở trách nhiệm của phía Công ty TNHH Đầu tư Phát triển, theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM): Cũng cần xem xét trách nhiệm của Lực lượng Cảnh sát PCCC đã làm hết trách nhiệm của mình chưa, trong việc: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về PCCC; thực hiện các biện pháp phòng cháy; chữa cháy kịp thời khi có cháy xảy ra; Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Trước đó, khi xảy ra vụ cháy, ông Đặng Văn Thiện, một chủ gian hàng kinh doanh vải trong chợ, phản ánh: “Hơn 20 giờ tối 19/3, tôi nhận được tin chợ bị cháy. Khi ra đến nơi thì chưa có xe cứu hỏa nào đến. Tôi liền vội vàng chạy vào bên trong chợ, giật 2 bình cứu hỏa để xịt vào đám cháy nhưng không có gì. Đến khi chúng tôi chạy đến vòi nước dự trữ sát chợ để vặn nước cứu hỏa nhưng cũng không có nước”. Điều đó cho thấy công tác kiểm tra, thực hiện phương án PCCC không bảo đảm.

Đây cũng là vấn đề được Viện KSND thành phố Hưng Yên nêu rõ trong Quyết định số 02/QĐ-VKS ngày 5/6/2015 trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung nêu rõ: “Xác minh với Phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hưng Yên về nội dung nghiệm thu an toàn PCCC tại chợ Phố Hiến trước khi đưa vào sử dụng có nội dung nào nghiệm thu liên quan đến chiếc máy bơm nước bị cháy hay không, nội dung nghiệm thu gồm những gì?”. Thế nhưng, đến nay nội dung này vẫn chưa được làm rõ trong bản kết luận điều tra bổ sung mới đây.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thủy, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hưng Yên cho biết chỉ khởi tố thêm những cá nhân liên quan khi có kết quả điều tra bổ sung. Trong khi đó, theo một đại diện Công TP Hưng Yên, nếu khởi tố lãnh đạo Công ty Hoàng Phát “sẽ gặp khó khăn vì không có người bồi thường thiệt hại cho các tiểu thương(?!).

Đâu là nguyên nhân thực sự?

Trong đơn khiếu nại, ông Đào Ngọc Hậu trình bày, việc để máy bơm nước bơm thêm 3 tháng 1 ngày không phải do ông “tự ý” mà xuất phát từ thực tế chợ thiếu nước và đây là chủ trương, giải pháp chung, cá nhân ông cũng không phải là người trực tiếp vận hành máy bơm. Việc để điện bơm nước này đã thực hiện và duy trì từ đầu tháng 2 đến khi xảy ra cháy chợ. Vậy không thể nói tôi là người tự ý để điện”. Cơ quan chức năng đã viện dẫn bản nội quy chợ tại điều 6 để quy kết ông Hậu vi phạm quy định về PCCC quy định tại điều 240 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, như các lời khai tại bút lục và biên bản cuộc họp BQL chợ thì rõ ràng việc để máy bơm hoạt động thêm không phải là hành vi tự ý của ông Hậu mà là chủ trương chung để khắc phục tình trạng thiếu nước, đã được ông Kỳ, ông Long và BQL chợ thống nhất. Nếu xác định nguyên nhân cháy cho cháy dây điện từ máy bơm thì việc vi phạm nội quy chợ liên quan tới nhiều người, trong đó có cả Giám đốc công ty, Trưởng BQL chợ, không thể chỉ ông Hậu là người chịu trách nhiệm.

Mặt khác, theo Luật sư Nguyễn Thị Liên Hoa, tại Bản giám định số 825/C4-P2 xác định nguyên nhân cháy là do chập điện của đường dây dẫn điện máy bơm, làm cháy lớp vỏ cách điện và lan ra xung quanh là khiên cưỡng, không có cơ sở khoa học. Biên bản hiện trường cũng không chỉ rõ các đoạn dây điện là bao nhiêu đoạn? Dài bao nhiêu cm, màu gì, nằm ở vị trí nào, không có đoạn nào mô tả là các đoạn dây điện thu giữ tại (mẫu vật số 7) và máy bơm nước (mẫu vật số 6) là được đấu nối và có liên quan tới nhau. Các đoạn dây điện trên có thể là do dây điện chiếu sáng khi xảy ra cháy rơi xuống, hoặc của 1 đường dây khác rơi vào đó. Tại phiên tòa, bản ảnh của máy bơm nước cháy không có đoạn dây điện nào kết nối giữa máy bơm nước và dây ở gần nhau, chỉ trơ lại 1 cái máy bơm nước. Thực tế máy bơm nước không cháy, đầu ổ cắm đã có cầu dao tự động, khi xảy ra sự cố thì sẽ tự ngắt điện. Trên téc nước cũng đã lắp van tự động, khi bơm đầy nước van tự động cũng tự ngắt. Vậy không thể kết luận cháy là do chập điện.

Có hay không việc hợp thức hóa một số văn bản?

Xem xét, phân tích kỹ bản nội quy số 16/11/NQC-CPH ngày 10/11/2013 thì lại thấy không có mục nào đề cập trách nhiệm Phó BQL chợ. Còn tại bản thông báo số 01-14/TB-PH2 ngày 5/1/2014 về việc thực hiện quản lý chợ Phố Hiến do ông Bùi Hồng Kỳ ký không có phần nào nói đến trách nhiệm của ông Hậu trong công tác PCCC. Trong khi đó, cũng tại bản thông báo này, trách nhiệm của ông Trần Đức Kiên, Trưởng BQL chợ được ghi rõ: “Chịu trách nhiệm xây dựng đội tự quản, tổ công tác PCCC, thường xuyên mở sổ theo dõi và tập huấn cho cán bộ, công nhân viên thực tập PCCC và các điều kiện an toàn khác theo quy định”.

Theo ông Hậu, từ khi vào làm việc tại công ty, nội quy, quy định, phân công nhiệm vụ cho từng người làm việc đều không có văn bản, ông Bùi Hồng Kỳ, Giám đốc công ty toàn chỉ đạo bằng miệng. Khi xảy ra vụ cháy trên, 5 ngày sau (ngày 24/3), giám đốc mới làm bản mô tả phân công nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên thuộc BQL chợ ký để hợp thức hóa.

Ông Hậu cũng cung cấp và chỉ rõ nhiều dấu hiệu “hợp thức hóa” các nội quy, quy định được làm sau vụ cháy chợ để “đẩy” trách nhiệm cho ông như: Phần nội quy chỉ ghi trách nhiệm của Phó trưởng BQL chợ mà không ghi trách nhiệm của Trưởng BQL. Vô lý hơn, bản Hợp đồng lao động tuyển dụng ông Hậu tại Điều 2 lại ghi tên ông Nguyễn Quốc Phong là người hơn một năm sau mới được tuyển dụng vào công ty làm việc.

“Dấu hiệu làm quyết định sau để hợp thức như thế là rất rõ. Giải thích của lãnh đạo công ty do lỗi “đánh máy” là ngụy biện bởi nhân viên đánh máy không thể nghĩ ra tên một người mà hơn một năm sau mới vào làm việc. Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ tình tiết này” - ông Hậu kiến nghị.

Một điều đáng lưu ý khác, quyết định trả hồ sơ vụ án của Tòa án Nhân dân TP Hưng Yên yêu cầu phải điều tra, làm rõ 8 nội dung nhưng đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ điều tra làm rõ 3 điểm, còn tới 5 điểm quan trọng bị bỏ ngỏ, có thể làm sai lệch bản chất vụ án.

Thái Minh

Năng lượng Mới 445