Vòng xoay đầy "tử khí" một thời ở TPHCM trước đề xuất xây cầu vượt thép

07:37 | 15/10/2023

113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vòng xoay Dân Chủ trước khi trở thành nút giao kẹt xe, được quy hoạch xây cầu vượt, là một vùng đất gắn với lịch sử hình thành TPHCM.
Vòng xoay đầy "tử khí" một thời ở TPHCM trước đề xuất xây cầu vượt thép

Khoảng 200 năm trước, ngã 6 Công trường Dân Chủ (quận 3, quận 10) là một vùng đất trống trải gắn liền với các sự kiện binh biến trong quá trình hình thành Sài Gòn (TPHCM).

Khoảng 20 năm trước, nơi này là một giao lộ lọt thỏm trong những khu phố chật hẹp xung quanh, thường xuyên xảy ra kẹt xe.

Ngã 6 này hiện vẫn là khu vực sầm uất tại thành phố với nhà cao tầng san sát, xe cộ tấp nập.

Từ đồng mả hoang vu đến khu dân cư bít bùng nhà cửa

Vào thế kỷ 19, nội đô Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (TPHCM ngày nay) tập trung ở ven dòng chảy sông Sài Gòn (phần lớn thuộc quận 1 và 5). Khu vực ngã 6 Công trường Dân Chủ ngày ấy nằm trong vùng đất hoang vu, được gọi tên là: Đồng Tập Trận, Mô Súng, Mả Ngụy hay Mả Biền Tru.

Theo tư liệu lịch sử ghi lại, cánh đồng Tập Trận rộng hàng nghìn hecta, từng là nơi tập luyện và diễu binh của binh lính nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19. Nơi đây cũng được gọi là Mô Súng vì có nhiều mô đất cao để gác các nòng đại bác.

Năm 1835, nhà Nguyễn đánh dẹp cuộc nổi dậy chống triều đình của Lê Văn Khôi (con nuôi tướng Lê Văn Duyệt). Gần 2.000 người bị xử tử chôn cùng một chỗ ngay khu vực này, được gọi là Mả Ngụy hay Mả Biền Tru, khiến người dân bấy giờ sợ hãi trong thời gian dài, không ai dám bén mảng tới, từ bãi đất trống trở thành Đồng Mồ Mả rộng lớn, hoang hóa.

Mả Ngụy tồn tại hơn 100 năm rồi biến mất trong quá trình đô thị hóa. Ngày nay, những mộ phần dưới đất chưa được xác định chính xác vị trí, nằm khuất trong các khu dân cư.

Vòng xoay đầy tử khí một thời ở TPHCM trước đề xuất xây cầu vượt thép - 1
Một góc Đồng Mồ Mả được chụp năm 1867 với những ngôi mộ rải rác gần nhau (Ảnh: John Thomson/Bản quyền: Thư viện Wellcome London nước Anh/Sưu tầm: manhhai).

Theo các soạn giả lịch sử, tuy có nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, nhìn chung họ xác định Mả Ngụy nằm quanh quẩn các con đường Cách Mạng Tháng 8, Ba Tháng Hai và Điện Biên Phủ, trong đó có khu vực ngã 6 Công trường Dân Chủ.

Trong bản đồ Gia Định - Sài Gòn - Bến Nghé năm 1815 (vẽ bởi Trần Văn Học - võ tướng nhà Nguyễn), một con đường thẳng tắp xuyên trục nối từ trung tâm đô thị được ghi là đường thiên lý đi Nam Vang (Campuchia ngày nay), là tuyến huyết mạch của đoàn sứ thần, thương nhân qua lại, vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.

Thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng Hòa, nhiều cơ quan công quyền, cơ sở thương mại quan trọng được xây dọc tuyến đường này. Con đường cũng được đổi tên nhiều lần: Thuận Kiều, Verdun, Lê Văn Duyệt...

Sau năm 1975, trục đường này gồm các đường: Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng 8, Trường Chinh, vẫn giữ vai trò tuyến giao thông huyết mạch từ quá khứ đến ngày nay. Với sự đô thị hóa, nhiều tuyến đường được mở ra sau này đã kết nối vào đó, tạo thành các giao lộ quan trọng như ngã 6 Phù Đổng (quận 1), vòng xoay Dân Chủ (quận 3, 10), ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình)...

Người dân đổ về cất nhà xây cửa ngày càng nhiều, khiến con đường bị thu hẹp. Cộng với lượng phương tiện tăng theo nhu cầu của người dân, tuyến đường không tránh khỏi kẹt xe.

Vòng xoay đầy
Vòng xoay đầy "tử khí" một thời ở TPHCM trước đề xuất xây cầu vượt thép
Vòng xoay đầy
Hình ảnh con đường thiên lý đi Nam Vang - Cao Miên năm 1815, nay là trục đường Cách Mạng Tháng 8 đi xuyên nội đô nối trung tâm thành phố với phía bắc thành phố, vẫn giữ vai trò giao thông huyết mạch qua nhiều thế kỷ (Ảnh trên: Tư liệu - Ảnh dưới: Hải Long).

Kẹt xe từ 20 năm trước

Chiếc xe buýt có lộ trình đi thẳng đường Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng 8, khi đến vòng xoay Dân Chủ, bỗng rẽ ngoặt sang bên phải "đâm đầu" vào phía đường Võ Thị Sáu, đường Lý Chính Thắng, thay vì ôm cua tròn sát vòng xoay theo cách lái xe thông dụng.

"Nếu ôm sát bùng binh, dòng xe từ các ngả đường còn lại sẽ bo sát thân xe buýt phía bên phải, vô tình chặn lối rẽ thoát khỏi bùng binh, thì xe lớn như buýt cũng bó tay chôn chân tại chỗ thôi", tài xế xe buýt số 65 giải thích với phóng viên.

Ngã 6 Công trường Dân chủ là nơi giao nhau giữa các tuyến đường lớn: Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng 8, Ba Tháng Hai, Lý Chính Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thượng Hiền, Điện Biên Phủ.

Đây là nút giao ở trung tâm thành phố có mật độ phương tiện lớn nên thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm.

Ông Phùng Hải (62 tuổi) là công chức nghỉ hưu, sinh ra và lớn lên ở thành phố. Ký ức về vòng xoay Dân Chủ của ông có hai hình ảnh.

"Hồi nhỏ đi ngang qua đây, thấy bùng binh vắng teo. Tôi nhớ mang máng trước đây ở giữa bùng binh có một tượng gì đó. Ngày trước, mỗi bùng binh ở Sài Gòn đều có tượng", ông Hải kể với phóng viên thời ông còn thiếu niên.

Khoảng năm 2001-2003, ông Hải (khi đó ngụ quận 5) đi học ở một trường trên đường Võ Thị Sáu (quận 3). Một tuần học 3 ngày, ông qua lại vòng xoay Dân Chủ thường xuyên.

"11h trưa về tới chỗ đó là đã thấy ùn ứ. Cả cung đường này sợ nhất bùng binh đó, đang chạy bon bon từ ngả nào thì tới bùng binh đó cũng phải thở dài. 20 năm trước tôi đi honda (xe máy), từ đường Võ Thị Sáu ra đến Ba Tháng Hai (cách vài chục mét) có khi mất 5-7 phút", ông Hải nhớ lại.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào buổi sáng 7h-9h, buổi chiều 16h30-19h.

"Sau này tôi chuyển nhà đến đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), cũng phải đi qua giao lộ này. Tất nhiên, ngày trước thì mới gọi là ùn ứ di chuyển chậm, còn bây giờ mới đúng nghĩa kẹt xe, kẹt cứng", ông Phùng Hải nói thêm.

Vòng xoay đầy "tử khí" một thời ở TPHCM trước đề xuất xây cầu vượt thép
Dòng xe từ các ngả đường đan xen nhau tại vòng xoay Dân Chủ, khiến lưu thông ùn ứ (Ảnh: Nam Anh).

Cần cầu vượt giảm kẹt xe

Tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) đã có báo cáo kèm đề xuất 5 phương án xây dựng cầu vượt thép tại ngã 6 Công trường Dân chủ (tiếp giáp quận 3 và quận 10).

Phương án một, cầu vượt sẽ được bắc từ đường Võ Thị Sáu qua đường Ba Tháng Hai, dài 260m, cho 2 làn xe. Bên dưới cầu tổ chức giao thông vẫn theo dạng vòng xoay. Tổng kinh phí dự kiến hơn 287 tỷ đồng.

Cách này được chủ đầu tư đánh giá khả thi nhất do phù hợp với hướng tuyến quy hoạch, hạn chế ảnh hưởng công trình xung quanh. Kinh phí thực hiện cũng ít hơn các phương án khác...

Có 3 phương án làm cầu vượt thép có hình chữ Y ba nhánh. Cách thứ nhất, một nhánh nối xuống hướng đường Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai; nhánh còn lại theo đường Nguyễn Phúc Nguyên - Ba Tháng Hai. Cách thứ hai, một nhánh theo hướng đường Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai và Lý Chính Thắng - Ba Tháng Hai.

Theo hai cách trên, công trình đều có tổng chiều dài 407m, kinh phí đầu tư lần lượt khoảng 749 tỷ đồng và 392 tỷ đồng.

Phương án ba nhánh nữa là theo đường Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai, Ba Tháng Hai - Lý Chính Thắng và Nguyễn Phúc Nguyên - Ba Tháng Hai. Cầu này dài hơn 720m, tổng vốn 938 tỷ đồng.

Phương án còn lại là cầu vượt hai nhánh: Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai và Ba Tháng Hai - Lý Chính Thắng, đồng thời tổ chức lại giao thông đường Nguyễn Phúc Nguyên thành một chiều theo hướng ra Nguyễn Thông. Cầu theo cách này dài 641m, kinh phí 938 tỷ đồng.

Vòng xoay đầy "tử khí" một thời ở TPHCM trước đề xuất xây cầu vượt thép
Vị trí dễ xảy ra ùn tắc nhất ở vòng xoay này ở giao lộ đường Võ Thị Sáu và đường Ba Tháng Hai. Cầu vượt thép cũng được đề xuất xây hai đầu nối các đường này (Ảnh: Nam Anh).

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cả 5 phương án do Ban Giao thông đưa ra đều chưa có giải pháp tối ưu để giải quyết ảnh hưởng đối với các công trình trên tuyến.

Sở cho rằng, việc xây cầu tại đây cần lập thêm mô phỏng, tính toán cụ thể sao cho không để giải quyết được ùn tắc tại nút giao này nhưng lại gây kẹt xe ở khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, nút giao này nằm ở trung tâm thành phố, do đó vấn đề mỹ quan cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trước đây, TPHCM từng quy hoạch hầm chui nối đường Võ Thị Sáu qua Ba Tháng Hai, song không khả thi vì phía dưới sẽ được xây ga ngầm tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Năm 2017, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho triển khai dự án cầu vượt thép tại đây nhằm giải quyết ùn tắc giao thông tại ngã 6 Công trường Dân chủ và các trục đường chính trong khu vực.

Ngoài giải quyết ùn tắc, việc xây dựng cầu vượt thép ở vòng xoay Công trường Dân chủ còn đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng trong khu vực, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông vận tải của thành phố.

Vòng xoay đầy "tử khí" một thời ở TPHCM trước đề xuất xây cầu vượt thép
Tổ chức giao thông ở vòng xoay Dân Chủ hiện tại (Đồ họa: Tâm Linh).

***

Bài viết tham khảo các tài liệu sách:

1. Địa lý lịch sử thành phố - Địa chí văn hóa TPHCM (NXB TPHCM). Tác giả: Nguyễn Đình Đầu.

2. Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu (NXB Tổng hợp TPHCM). Tác giả: Trần Hữu Quang.

3. Sài Gòn năm xưa (NXB Tổng hợp TPHCM). Tác giả: Vương Hồng Sển.

4. Giới thiệu Sài Gòn xưa (NXB Trẻ). Tác giả: Sơn Nam.

Theo Dân trí

Đề xuất 480 tỷ xây nút giao phía Tây Bắc TP HCMĐề xuất 480 tỷ xây nút giao phía Tây Bắc TP HCM
Phương án xóa Phương án xóa "điểm đen" kẹt xe của TPHCM

dantri.com.vn