Việt Nam thiếu 2 công cụ huy động vốn quan trọng trên thị trường chứng khoán
Cụ thể lợi ích của 2 công cụ này như thế nào, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu bên lề Hội thảo Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam vừa tổ chức sáng 8/5 tại Hà Nội.
Phóng viên: Vốn luôn luôn là vấn đề hàng đầu của doanh nghiệp. Thế nhưng tiếp cận thị trường vốn của doanh nghiệp hiện nay lại bị hạn chế. Với tư cách là một nhà nghiên cứu kinh tế, ông có thể giải thích việc này như thế nào?
Ông Phan Đức Hiếu: Với khuôn khổ nội dung của Hội thảo Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam hôm nay, tôi chỉ đề cập đến phương thức tiếp cận nguồn vốn hay công cụ có thể huy động vốn hiệu quả thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán mà không đánh giá về tất cả hạn chế, khó khăn của thị trường vốn. Thực tế, cho thấy, thị trường vốn hiện nay ở nước ta trong danh mục có nhiều sản phẩm rõ ràng đang được giao dịch ở các thị trường vốn khác như Thái Lan, Singapore, Philippines thế nhưng lại chưa giao dịch ở trong nước. Và như vậy rõ ràng thị trường vốn của chúng ta thiếu đi độ hấp dẫn do thiếu công cụ hay gọi là sản phẩm. Mà thiếu độ hấp dẫn sẽ ảnh hưởng đến các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán trong việc huy động vốn để đưa vào sản xuất kinh doanh.
![]() |
Ông Phan Đức Hiếu |
Vậy công cụ hay sản phẩm đó là gì? Theo các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo hôm nay sản phẩm mới mà thị trường vốn Việt Nam đang thiếu chính là Cổ phiếu không có quyền biểu quyết và Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết. Sản phẩm thứ hai thực ra mới chỉ là tạm gọi như vậy (tên tiếng Anh là NVDR) vì chưa bao giờ có ở Việt Nam nên cũng chưa biết gọi chính xác là gì. Với 2 sản phẩm trên, các chuyên gia và các tổ chức, công ty chứng khoán nước ngoài khuyến nghị nên đưa vào lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp hay Luật Chứng khoán lần này để được giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước nhằm đa dạng hóa và hấp dẫn thêm sự lựa chọn của nhà đầu tư từ đó thực sự giúp cho doanh nghiệp có được vốn phục vụ kinh doanh. Theo đánh giá của tôi và nhiều chuyên gia dựa trên thực tiễn từ các nước đã triển khai từ lâu như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan…, 2 công cụ này có rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Phóng viên: Thưa ông, cụ thể đó là những lợi ích gì?
Ông Phan Đức Hiếu: Ví dụ như về Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết, tôi sẽ nói đến vì sao phải có nó trước khi đề cập đến lợi ích. Trước hoàn cảnh các quốc gia nói chung hạn chế nhất định đối với nhà đầu tư có thể là cả trong nước chứ không chỉ nước ngoài như mọi người thường nghĩ về mức tiền đầu tư do lo ngại sự can thiệp của họ vào công tác điều hành, quản lý… Vì thông thường nếu nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu càng lớn thì quyền tham gia vào công tác điều hành quản lý càng nhiều, thậm chí là toàn quyền quyết định nếu sở hữu đa phần cổ phiếu. Như vậy thì dễ dẫn đến họ có thể can thiệp theo ý muốn vào nền kinh tế và trái với chủ trương của Chính phủ. Chính vì vậy, Chính phủ của nhiều quốc gia hạn chế cổ phần những nhà đầu tư đó được mua với mức chỉ là thiểu số chứ không được đa số.
Thế nhưng từ đó cũng phát sinh ra vấn đề có những nhà đầu tư thực sự họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, hoàn toàn không muốn can thiệp vào công tác điều hành, quản lý hay mâu thuẫn với lo lắng của Chính phủ. Tuy nhiên, theo quy định họ chỉ được sở hữu thiểu số cổ phần, chẳng hạn 49%. Như vậy, họ chỉ được đầu tư với giới hạn ấy, không thể được đầu tư vốn tăng nữa. Trong bối cảnh đó, các nước mới nghĩ ra công cụ hay sản phẩm được gọi là Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết (ở Mỹ ra đời sản phẩm này từ năm 1920). Với sản phẩm này các nhà đầu tư có thể rót thêm tiền vào doanh nghiệp họ muốn đầu tư mà không can thiệp vào công tác quản lý, điều hành.
![]() |
(Ảnh minh họa) |
Phóng viên: Vậy có thể hình dung lợi ích của Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết là vốn vẫn thu hút được mà công tác điều hành không bị can thiệp, các nhà đầu tư được lợi về kinh tế, đúng không thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Mỗi cổ phần có một Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết. Và nó chỉ bán cho các nhà đầu tư. Và giá trị chứng chỉ đó không thay thế cổ phần, nó chỉ là quy đổi tương đương về mặt lợi ích kinh tế. Có nghĩa là nếu như một nhà đầu tư nào đó, mua cổ phần mà không muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh, chỉ muốn lợi ích kinh tế thì mua chứng chỉ. Họ được hưởng đầy đủ lợi ích kinh tế của một cổ phần đó. Với hình thức này thì rõ ràng các nhà đầu tư có thể rót tiền vào mua cổ phần, tăng thêm vốn cho doanh nghiệp mà không bị hạn chế theo mục tiêu quản lý của Nhà nước. Và đó cũng chính là lợi ích của sản phẩm này đã mang lại cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thái Lan đã sử dụng hình thức này như một công cụ huy động vốn hiệu quả suốt thời gian qua.
Phóng viên: Nếu đưa vào thị trường chứng khoán 2 sản phẩm nói trên, theo ông chính sách, thể chế của Chính phủ có phải thay đổi hay bổ sung gì không?
Ông Phan Đức Hiếu: Để triển khai 2 sản phẩm trên vào thị trường vốn, việc đầu tiên chúng ta phải có là thể chế, chính sách. Ví dụ, nếu đưa Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết thì tổ chức phát hành là ai? Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh… sẽ là cơ quan lập ra tổ chức phát hành chứng chỉ đó? Bên cạnh đó, trong thời gian thử nghiệm, theo kinh nghiệm của các nước, cái phần tăng thêm mà nhà đầu tư có thể đầu tư so với quy định là bao nhiêu… Tất cả điều ấy, theo tôi luật pháp cần có những can thiệp nhất định để tạo ra một khung pháp lý để công cụ được đưa vào triển khai trên thực tế.
Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tú Anh
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 13/5: Thu nhập giảm tại các công ty dầu mỏ lớn
-
“Cởi trói” để doanh nghiệp nhà nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
-
Tin tức kinh tế ngày 12/5: Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thuế quan
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay bật tăng
-
Giá vàng hôm nay (12/5): Tiếp tục duy trì ở mức cao