Liệu Việt Nam có giảm mua vũ khí của Nga?

10:01 | 24/05/2016

3,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, Việt Nam mua hơn 90% hàng hóa quân sự ở Nga. Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí với Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ Nga-Việt?
viet nam se giam mua vu khi cua nga
Một trong số những tàu ngầm Việt Nam mua của Nga

Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam của Mỹ đã được lan truyền khắp thế giới. Theo hãng tin Tass của Nga ngày 23/5, dù Mỹ có gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam thì điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến quan hệ đối tác giữa hai nước Nga – Việt trong lĩnh vực quân sự.

Phát biểu với Tass, Anatoly Punchuk - Phó chủ tịch Cơ quan phụ trách công tác Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự thuộc Liên bang Nga nói: "Quan hệ của chúng tôi (Nga) với Việt Nam là có đặc trưng chiến lược và sự phát triển mạnh hơn nữa quan hệ với Nga phụ thuộc vào hàng ngũ lãnh đạo của Việt Nam. Tôi cho rằng, lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ cho Việt Nam được gỡ bỏ sẽ không ảnh hưởng đến việc Nga xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam".

Theo tuần báo Defence News, chuyên về các vấn đề quân sự, tình hình đang dần thay đổi, những thỏa thuận mới có khả năng dẫn đến việc Mỹ sẽ cung cấp các hệ thống vũ khí cho Hà Nội và Việt Nam sẽ giảm mua các thiết bị quân sự của Nga. "Hiện nay, Việt Nam mua hơn 90% hàng hóa quân sự ở Nga. Tuy nhiên, với sự thỏa thuận mới, Mỹ có thể mở rộng phạm vi hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng của mình và đồng thời làm giảm mức ảnh hưởng của Nga lên lực lượng vũ trang của nước khác, và Việt Nam sẽ có được một số nhà cung cấp thiết bị quân sự thay vì chỉ một", Defence News bình luận.

Cũng trong ngày hôm qua, Trung Quốc đã có phản ứng dè dặt trước quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí với Việt Nam của Mỹ. Trả lời Yonhap, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Là một nước láng giềng thân cận với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ hợp tác bình thường giữa Việt Nam và các nước khác, và chúng tôi hy vọng chắc rằng một diễn biến như thế trong bang giao song phương là thuận lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Bà Hoa Xuân Oánh không bình luận về lý do khiến Hà Nội muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, mà chỉ nói rằng: “Có thể quý vị nên hỏi Việt Nam. Lệnh cấm vận vũ khí là sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh. Lẽ ra lệnh này không nên tồn tại. Chúng tôi đặt hy vọng vào một mối quan hệ bình thường giữa Mỹ và Việt Nam”.

Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí với Việt Nam của Mỹ đã được các hãng tin quốc tế đồng loạt hoan nghênh. Hãng tin Pháp AFP cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một sự thay đổi mang tính biểu tượng cao theo sau những thay đổi trong văn hóa và thương mại giữa hai quốc gia. Ngoài ra hãng tin này cũng cho rằng Mỹ đang tăng cường thắt chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình thay đổi chiến lược để khai thác tiềm năng kinh tế trong khu vực và như một bức tường thành ngăn sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này.

BBC cho rằng chuyến đi này của ông Obama nhằm làm ấm lại mối quan hệ với Việt Nam cũng như nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. Hãng tin Anh cũng nhận định rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ cho phép Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng trong bối cảnh những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên biển Đông.

Hãng tin AP cho rằng Tổng thống Obama muốn thỏa thuận hợp tác với Việt Nam vì đây là quốc gia có vai trò chiến lược ở một trong những khu vực nóng nhất thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Th.Long

Tass, RIA,