Việt Nam phân bổ nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu

10:46 | 13/03/2022

598 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hơn 70% ngân sách cho biến đổi khí hậu (BĐKH) được dành cho chi tiêu thích ứng với BĐKH ở Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2020, theo Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH tại Việt Nam (CPEIR) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố ngày 11/3.
Việt Nam phân bổ nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội thảo

Báo cáo CPEIR chỉ ra rằng hơn 70% ngân sách cho BĐKH của các bộ và hơn 90% ngân sách khí hậu ở các tỉnh là dành cho chi tiêu thích ứng với BĐKH, phù hợp với các ưu tiên chính sách của chính phủ về chi tiêu công trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông Vận tải chiếm 80% tổng ngân sách cho BĐKH với các khoản chi tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như thủy lợi và giao thông.

CPEIR đánh giá chi ngân sách nhà nước cho BĐKH của 6 bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, và Bộ Khoa học và Công nghệ), 28 tỉnh và thành phố Cần Thơ, bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) trong giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo cho thấy Việt Nam đã phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH. Tổng chi ngân sách cho BĐKH của 6 bộ và 29 tỉnh, thành phố là gần 6,5 tỷ USD, tức bình quân 1,3 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Ở cấp tỉnh, ngân sách bình quân cho BĐKH của 28 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương cũng tăng đều khoảng 53%, từ khoảng 700 triệu USD năm 2016 lên gần 1,1 tỷ USD năm 2020. Ngân sách cho BĐKH chiếm tỷ trọng tương đối ổn định, dao động trong khoảng 16-21% trong tổng ngân sách cấp tỉnh.

Trong khi phân bổ ngân sách trong nước ổn định thì nguồn vốn ODA có xu hướng gia tăng. Chi tiêu cho BĐKH của các tỉnh thường tập trung chủ yếu vào các can thiệp cụ thể, ví dụ như lương thực, thực phẩm và nước, nước biển dâng và phát triển rừng.

Báo cáo cũng đánh giá mối liên hệ giữa ngân sách cho BĐKH và các chính sách liên quan đến BĐKH, bao gồm Chiến lược quốc gia về BĐKH 2011-2020 (NCCS), Chiến lược tăng trưởng xanh (GGS) và Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris (PIPA) cũng như các kế hoạch hành động cấp tỉnh liên quan.

Các bộ và các tỉnh có thể sử dụng báo cáo này như một công cụ để đánh giá chi thường xuyên và là cơ sở để đầu tư cho các ưu tiên về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh nhằm cải thiện chính sách và phân bổ nguồn lực cho BĐKH.

Theo báo cáo, cũng có các cơ hội để điều chỉnh tốt hơn ngân sách cho BĐKH phù hợp với các chính sách, giải pháp và hành động về tăng trưởng xanh và BĐKH. Vì không phải tất cả các khoản chi cho BĐKH thực tế đều có thể liên quan đến các chính sách này. Ví dụ, 77% ngân sách đầu tư của bộ có thể được phân bổ cho các hành động Chiến lược quốc gia về BĐKH. Trong khi đó, hơn 50% ngân sách BĐKH cho Chiến lược quốc gia về BĐKH tập trung vào lương thực, thực phẩm và nước.

Việt Nam phân bổ nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu
Toàn cảnh hội thảo

Một số khuyến nghị chính được báo cáo đưa ra, trong đó nhấn mạnh các chiến lược và kế hoạch hành động về BĐKH và tăng trưởng xanh cần được phản ánh trong các mục tiêu và chỉ tiêu của các chính sách ngành cũng như Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Hiệu quả nhất là loại bỏ các báo cáo rà soát hồi cứu và chuyển sang theo dõi chi tiêu khí hậu có hệ thống được tích hợp vào hệ thống lập kế hoạch và lập ngân sách. Để làm được như vậy, cần xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo toàn diện để cải thiện việc lập ngân sách, giám sát, báo cáo và thông tin về chính sách và kế hoạch về BĐKH.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ về các nguồn tài chính cho khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thức sâu sắc việc xây dựng và lập kế hoạch ngân sách để triển khai, hiện thực hóa các chiến lược, chương trình, mục tiêu nhằm ứng phó với BĐKH là vô cùng quan trọng. Các kết quả đánh giá của Báo cáo CPEIR vì vậy sẽ rất hữu ích trong việc tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống quản lý tài chính công, thúc đẩy sự chuyển đổi từ ngân sách dựa trên đầu vào sang ngân sách dựa trên đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các can thiệp liên quan đến khí hậu của các bộ, địa phương.

“Điều này góp phần vào việc thực hiện thành công các cam kết quốc tế ứng phó với BĐKH của Việt Nam cũng như xác định nhu cầu về đầu tư cho BĐKH, nâng cao hiệu quả, thiết lập cơ sở để huy động và đa dạng hóa các nguồn lực trong nước và quốc tế cho BĐKH”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Theo Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen nhấn mạnh, các phân tích trong báo cáo CPEIR có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho việc xây dựng và điều chỉnh chính sách nhằm huy động vốn từ các nguồn khác nhau và thúc đẩy các can thiệp liên quan đến khí hậu. “UNDP đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và người dân đã và đang tăng cường phân bổ nguồn lực và chi tiêu ngày càng tăng cho thích ứng với BĐKH. Tuy vậy, điều này mới chỉ đáp ứng được một phần và cần có sự hỗ trợ của quốc tế và khối tư nhân. Do nguồn lực hạn hẹp nên việc lập kế hoạch và sử dụng sẽ phải gắn chặt với những ưu tiên đã được xác định để đảm bảo đạt được các kết quả tốt nhất trong ứng phó với BĐKH”, bà Caitlin chia sẻ.

Phú Văn

Năng lượng xanh, sạch là chìa khóa giảm tác động biến đổi khí hậuNăng lượng xanh, sạch là chìa khóa giảm tác động biến đổi khí hậu
Giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngượcGiảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược
Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26
Giảm năng suất lao động do biến đổi khí hậu gây thiệt hại 1,6 ngàn tỉ USD/nămGiảm năng suất lao động do biến đổi khí hậu gây thiệt hại 1,6 ngàn tỉ USD/năm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan