Việt Nam đang cần giải pháp của các giải pháp lớn

10:42 | 10/07/2018

264 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, IFC đã đề xuất 8 giải pháp đột phá để Việt Nam có một chiến lược và định hướng thu hút FDI như kỳ vọng. Tuy nhiên, điều Việt Nam đang cần phải là giải pháp của những giải pháp lớn này.
viet nam dang can giai phap cua cac giai phap lon
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đó là khẳng định của TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên lề chương trình “Công bố báo cáo các Khuyến nghị về chiến lược và định hướng FDI thế hệ mới 2020 - 2030 của Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Khi đứng ở góc độ bên ngoài, các ý kiến, khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế sẽ khách quan, sự cần thiết của chiến lược này đã là hiển nhiên, tuy nhiên theo ông Phan Hữu Thắng cho biết: “Nội bộ Việt Nam hiểu hơn ai hết Việt Nam cần gì? 8 khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế rất tốt, tuy nhiên, Việt Nam phải nghiên cứu, bổ sung, hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam gắn với bối cảnh Quốc tế trong giai đoạn phát triển sắp tới”.

Liên quan đến những khuyến nghị về các giải pháp tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội cũng như tăng cường thu hút các dòng vốn công nghệ cao… theo ông Phan Hữu Thắng, những giải pháp như này Việt Nam đã nói nhiều rồi, điều Việt Nam cần hiện nay đó là tổ chức thực hiện các giải pháp này ra sao? Có lẽ Việt Nam đang cần phải là giải pháp của các giải pháp lớn này.

Cụ thể, các khuyến nghị của tổ chức quốc tế có nhắc tới 5 lĩnh vực và 30 lĩnh vực ngành nghề nhỏ hơn… Đây là những ngành, lĩnh vực Việt Nam đã thu hút đầu tư từ trước tới nay, tuy nhiên, hiệu quả lan toả và giá trị gia tăng mang lại vẫn chưa như kỳ vọng, vậy vấn đề ở đây là gì? Chính là các giải pháp, các kế hoạch cụ thể hướng hoạt động thu hút đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam cần. Ngoài ra, bên cạnh đó chính là có quy hoạch cho từng ngành, lĩnh vực một cách chi tiết và cụ thể.

Ông Thắng dẫn chứng, ví dụ như khi xây dựng các đặc khu kinh tế, đối với mỗi khu kinh tế, sẽ ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau sao cho phù hợp với điều kiện địa phương, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng… điều này cũng lý giải, có tỉnh thu hút đầu tư được nhiều, có tỉnh ít.

Ngoài ra, ông Thắng cũng đặt câu hỏi: “Tại sao báo cáo chưa đề cập đến những mặt trái của FDI mà Việt Nam phải gánh chịu trong suốt thời gian vừa qua? Bởi mục tiêu của chiến lược thu hút FDI này là hướng đến một chiến lược thu hút FDI bền vững trong thời gian tới. Sẽ hợp lý hơn nếu chiến lược đi từ nguyên nhân, những thất bại của Việt Nam để từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại vốn có”.

Tuy nhiên điều đặc biệt quan trọng hơn mà chuyên gia này lưu ý đó là, mọi chiến lược dù có hay đến đâu, nếu vẫn chỉ nằm “trên giấy”, không hành động, triển khai sẽ không có kết quả nào được diễn ra trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi liên quan đến phân tích số liệu của báo cáo. Cụ thể, báo cáo phân tích và đánh giá dựa trên số vốn đăng ký hay số vốn thực hiện? Việc lấy một trong hai con số này sẽ đem lại kết quả rất khác nhau. Tuy nhiên theo đề xuất của ông Thắng, báo cáo phân tích dựa trên số vốn thực hiện mới đánh giá đầy đủ và sát với hiện trạng Việt Nam hơn cả.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp