Vì sao Mỹ cản trở Nord Stream-2?

07:00 | 27/05/2018

4,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nhận xét của giới quan sát quốc tế, Dự án tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream-2 càng được đẩy nhanh tiến độ thì Mỹ càng tỏ thái độ phản đối thẳng thừng hơn. Washington liên tục gửi các thông điệp “cảnh báo” đến tất cả những ai ủng hộ dự án này ở châu Âu.  

“Miếng mồi” LNG của Mỹ

Ngay trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Nga, giới truyền thông châu Âu và Mỹ đã đăng tải một loạt tin bài về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng chắc chắn rằng Đức sẽ ngừng ủng hộ Nord Stream-2, cũng như những thông tin về sự đổi trao “đôi bên cùng có lợi”: Mỹ sẽ giảm thuế đối với thép của EU nhập khẩu vào Mỹ nếu EU đồng ý nhập khẩu LNG của Mỹ.

Tạp chí Spiegel của Đức đã đăng lời tuyên bố của bà Sandra Oudkirk, Phó chủ tịch Ủy ban Các vấn đề năng lượng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, về ý định của Washington nhằm ngăn chặn việc thực hiện Nord Stream-2. “Chúng tôi sẽ rất vui nếu Dự án Nord Stream-2 không thành hiện thực”. Ngoài ra, bà Oudkirk còn nói rằng, trong trường hợp Nord Stream-2 tiếp tục được thực hiện thì Washington có thể sẽ xem xét các biện pháp trả đũa trong khuôn khổ của pháp luật, đặc biệt với điều luật về “Các biện pháp trừng phạt đối với các đối thủ của nước Mỹ”.

vi sao my can tro nord stream 2
Đường ống cho phần trên bộ của Nord Stream-2

Ủy ban châu Âu (EC) đang tiếp tục bàn về việc tăng nguồn LNG từ Mỹ qua châu Âu và việc mở rộng cơ sở hạ tầng tương ứng, đồng thời hy vọng có được các khoản vay từ Mỹ cho việc hiện đại hóa các cảng nhập khẩu LNG.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức ở Đức, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo rằng, ông Donald Trump tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng trước đã yêu cầu Đức ngừng hỗ trợ việc xây dựng Nord Stream-2 để đổi lấy cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới giữa EU và Mỹ.

Tuy nhiên, Đức hoài nghi về ý tưởng nhập khẩu LNG của Mỹ và không còn ngại ngùng thể hiện sự hoài nghi này một cách công khai. Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, Peter Altmeier, trên kênh truyền hình ARD nói rằng, giả dụ Berlin có từ bỏ Nord Stream-2 thì điều đó cũng không bảo đảm sự gia tăng nhập khẩu LNG đắt tiền từ Mỹ. “Mỹ đang tìm kiếm thị trường. Chúng tôi thông cảm với điều này và sẵn sàng tạo mọi điều kiện dễ dàng để LNG đến được với người dân Đức. Nhưng hiện nay nó vẫn còn quá đắt so với khí được cung cấp thông qua đường ống” - Bộ trưởng Peter Altmeier nói. Theo ông, nếu Washington đặt lợi ích kinh tế của Mỹ lên trên hết thì người Mỹ phải hiểu rằng người châu Âu cũng chẳng dại gì mà buông rơi lợi ích kinh tế của mình.

Có một vấn đề cần xem xét: Liệu các doanh nghiệp Mỹ có mong muốn cung cấp nhiều LNG cho châu Âu hay không? Câu hỏi ấy vẫn còn được để ngỏ.

Do giá dầu mỏ tăng, chi phí khí đốt ở EU có tăng nhẹ, nhưng giá khí đốt ở các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APR) đã tăng rất mạnh, cao hơn so với EU. Như vậy, các doanh nghiệp LNG Mỹ chắc chắn sẽ phải cân nhắc hướng xuất khẩu sản phẩm của mình sang EU hay APR có lợi hơn?

Khí đốt Mỹ cần thị trường tiêu thụ

Giáo sư Alexei Gromov, Giám đốc bộ phận năng lượng của Viện Năng lượng và Tài chính Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo giới: Trong 2 năm 2015 và 2016, giá khí đốt ở EU tương đối thấp, do đó việc xuất khẩu LNG của Mỹ không có nhiều triển vọng. Nhưng với sự tăng giá dầu và khí đốt, tình hình xuất khẩu LNG của Mỹ đang có nhiều chiều hướng thuận lợi hơn. Lợi ích kinh tế của Mỹ là rõ ràng: Phải duy trì mức giá tương đối cao đối với “vàng đen”, vì mức giá đó không chỉ cung cấp động lực cho sự phát triển khai thác dầu đá phiến của Mỹ, mà còn tăng nguồn cung LNG của Mỹ cho thị trường nước ngoài.

Tiến sĩ Dmitry Zhuravlev, Giám đốc Viện Các vấn đề khu vực, cho rằng với việc tìm mọi cách cản trở Nord Stream-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Nga và quan trọng nhất là tăng hy vọng mở rộng xuất khẩu khí đốt của Mỹ, nhằm thực hiện lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử của mình là tạo thêm việc làm trong nước. Nếu không quyết thực hiện bằng được lời hứa đó, ngay từ bây giờ, trong kỳ bầu cử tiếp theo, nguy cơ thất bại của ông Trump sẽ rất cao. Tiến sĩ Dmitry Zhuravlev cũng chỉ nhận xét: Việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp ở Mỹ là vô lý, bởi vì với mức tiền lương hiện tại ở Mỹ, tất cả các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp dầu khí, đều sẽ không có lợi nhuận nếu mở rộng sản xuất.

Đức sẽ giữ được lợi ích kinh tế

Các chuyên gia chưa thể dự đoán chính xác động thái tiếp theo của Đức trước các chính sách có vẻ “ngây thơ” như vậy của nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng họ tin chắc rằng, trong bối cảnh hiện nay, thay Nord Stream-2 bằng LNG giá cao của Mỹ rõ ràng là không có lợi.

“Tổng thống Donald Trump đang sử dụng tất cả các khả năng kinh tế để gây sức ép lên các đối tác châu Âu nhằm quảng bá khí đá phiến của Mỹ cho thị trường cựu lục địa. Một trong số những biện pháp gây sức ép là đề nghị Đức ngăn chặn Nord Stream-2 để đổi lấy một số nhượng bộ kinh tế, bao gồm việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với nhập khẩu thép và nhôm của EU vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để khẳng định EU có đáp ứng đề nghị này của Mỹ hay không. Ít nhất, động thái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran của Mỹ đã gây ra một phản ứng tiêu cực cho EU. Sự căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Mỹ đang gia tăng. Do đó, Đức sẽ không thể hiện phản ứng rõ ràng đối với đề xuất của Mỹ về việc ngăn chặn Nord Stream-2. Tuy vậy, các cuộc thương lượng về kinh tế vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành. Nếu Mỹ đề cao các lợi ích kinh tế của mình thì Đức cũng chẳng dại gì hạ thấp quyền lợi của bản thân” - Giáo sư Alexei Gromov nhận định.

Tiến sĩ Dmitry Zhuravlev giải thích: Trước khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ thì đối với EU, khối đoàn kết hai bên bờ Đại Tây Dương về cơ bản là rất quan trọng. “Hiện nay, khi xuất hiện mối bất hòa ngấm ngầm giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức, ý tưởng về lợi ích kinh tế có thể sẽ mạnh hơn ý tưởng đoàn kết Đại Tây Dương. Ngoài ra, Ba Lan sẽ hưởng lợi rất nhiều nếu Mỹ gia tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu, trong khi đó, Warsaw và Berlin hiện đang có cuộc đối đầu ngầm. Do đó, hiện tại LNG của Mỹ là một trong những yếu tố gây bất lợi về mặt kinh tế và chính trị đối với Đức” - ông Dmitry Zhuravlev khẳng định.

Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu khí đốt quá cảnh Ukraine?

Sau cuộc hội đàm ngày 18-5 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, trong đó có nói việc vận chuyển khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu theo đường quá cảnh Ukraine vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện sau khi Nord Stream-2 đi vào hoạt động. Điều đó đã gián tiếp xác nhận Đức ủng hộ ý định xây dựng đường ống dẫn khí này. Tuy nhiên, chừng ấy cũng chưa đủ làm cho Mỹ nhụt chí trong những nỗ lực ngăn chặn dòng chảy của khí đốt Nga sang EU.

Tổng thống Donald Trump đề nghị Đức ngăn chặn Nord Stream-2 để đổi lấy một số nhượng bộ kinh tế, bao gồm việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với nhập khẩu thép và nhôm của EU vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để khẳng định EU có đáp ứng đề nghị này của Mỹ hay không.

S.Phương