Vì sao khỉ tấn công du khách ở Đà Nẵng?

07:10 | 22/10/2015

1,307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu năm đến nay, một số du khách tham quan bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị một cá thể khỉ đuôi lợn tấn công gây thương tích. Phải chăng sống cô đơn, không bầy đàn, sinh cảnh sống không phù hợp, việc kiếm ăn trở nên khó khăn, cộng thêm việc du khách trêu ghẹo... là nguyên nhân khiến con khỉ này tấn công khách du lịch?

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cho biết: “Một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải cho việc cá thể khỉ đuôi lợn này tấn công du khách là do con người chọc ghẹo, thậm chí đánh nó khi cho ăn”.

vi sao khi tan cong du khach o da nang

Cá thể khỉ đuôi lợn tại bán đảo Sơn Trà được thả về tự nhiên từ môi trường nuôi nhốt.

Đồng tình với quan điểm trên, anh Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học - Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) chia sẻ, anh từng chứng kiến du khách chọc ghẹo, lấy chân đạp lên người con khỉ, nhiều người nhử con khỉ bằng thức ăn, chụp ảnh xong rồi nhưng lại không cho khỉ ăn. Điều này lặp lại nhiều lần khiến con khi bị ức chế, sinh ra hung tợn khi tiếp xúc với con người.

Anh Tuấn cũng cho rằng: “Quy trình thả khỉ về môi trường tự nhiên bị sai, điều này cũng là nguyên nhân gây ra sự hung tợn của con khỉ này. Hiện tại ở đây chưa ghi nhận lãnh địa của loài khỉ đuôi lợn, nên thả về là sai đầu tiên. Thứ hai là khi tiếp nhận cá thế nuôi nhốt như thú cưng ở trong nhà, ăn thức ăn con người cho, nên sức khỏe không đảm bảo, các kỹ năng kiếm ăn không còn. Việc kiểm lâm tiếp nhận không kiểm tra sức khỏe, quan sát hành vi mà đã thả về rừng là rất nguy hiểm”.

Theo anh Tuấn, để giải quyết được vấn đề động vật hoang dã tấn công du khách thì phải thực hiện đúng quy trình thả; phải giữ lại hạt kiểm lâm, có đội thú y kiểm tra sức khỏe, có nhóm chuyên quan sát cho nó tái hòa nhập cộng đồng sau một thời gian nuôi nhốt và phụ thuộc nguồn thức ăn con người. Trước khi thả thì cần có nghiên cứu về nguồn gốc loài, khi thả ra quần thể tự nhiên thì hòa nhập thì sẽ hòa nhập nhanh, còn khi cô lập, tìm kiếm bạn tình, giao phối, sẽ khó thích nghi.

Trước đó, ngày 17/10, một nữ du khách đã bị khỉ tấn công gây chảy máu vùng mặt, phải đến bệnh viện khâu 6 mũi và tiêm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng.

Tháng 3/2015, cá thể khỉ đuôi lợn này cũng đã tấn công 2 du khách người nước ngoài, khiến 2 người này phải đi cấp cứu. Sau khi phối hợp tổ chức vây bắt, các cơ quan chức năng đã thả nó về lại rừng.

Để hạn chế việc khỉ tấn công du khách, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Hiện tượng khỉ tấn công du khách tại đây chưa xảy ra nhiều nên cũng chưa gây lo ngại nhiều trong du khách. Chúng tôi khuyến cáo du khách không nên cho khỉ ăn hay chọc ghẹo chúng để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Theo ghi nhận từ Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Đà Nẵng, đến chiều ngày 21/10, cá thể khỉ đuôi lợn này đã vào rừng sâu và hiện chưa có phương án để giải quyết dứt điểm việc khỉ tấn công du khách tham quan bán đảo Sơn Trà. 

Thanh Hiếu