Vì sao có người phương Tây theo IS?

07:56 | 17/09/2014

5,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lúc giới lãnh đạo phương Tây đang đau đầu tìm kế sách diệt trừ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) thì đã có hàng nghìn công dân từ nước họ đã và đang tìm cách đến Syria, Iraq để tham gia vào cái gọi là “hoạt động thánh chiến” tại đây. Vì sao vậy?

Năng lượng Mới số 356

Những sự thực bất ngờ

Đã có nhiều người rất ngạc nhiên khi biết rằng tay đao phủ đã hành quyết nhà báo Mỹ James Foley cách đây vài tuần là một người nói giọng Anh không lẫn vào đâu được. Nhưng theo BBC, tên chiến binh IS được báo chí Anh đặt biệt danh là “John thánh chiến” chỉ là 1 trong hàng nghìn người Anh đã cam kết trung thành với IS và là 1 trong số hơn 500 tín đồ Hồi giáo người Anh đã tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Barnard Cazeneuve vừa cho biết, “hơn 900 người Pháp hoặc người nước ngoài định cư thường xuyên tại Pháp hiện đang can dự vào hoạt động thánh chiến tại Syria và Iraq”. Điều đáng nói là một số người tự nhận đã tham gia thánh chiến và nói rằng sẵn sàng lại ra đi. Còn một số khác bị chấn động, rã rời vì bạo lực và các hành vi phũ phàng mà họ đã làm hoặc chứng kiến thì nói rằng không muốn lao vào con đường này nữa.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ - nước đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố IS cũng đang dò tìm tới 300 người Mỹ được cho là đang chiến đấu cho tổ chức Hồi giáo cực đoan dã man đến độ Al-Qaeda cũng phải chào thua. Trước đó, Washington cũng đã xác nhận công dân Mỹ Douglas McAuthur McCain 33 tuổi đã tham gia chiến đấu bên phe IS và bị tiêu diệt hồi cuối tháng 8 ở Syria. Canada - láng giềng của Mỹ cũng tuyên bố có ít nhất 130 công dân nước mình đã gia nhập IS.

Vì sao có người phương Tây theo IS?

Tên đao phủ sát hại nhà báo Mỹ James Foley là một người Anh

Thực tế, cho đến nay không ai biết chính xác IS tập hợp bao nhiêu chiến binh. Ngay cả Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vẫn mù mờ về những kẻ lãnh đạo và thực lực của phiến quân IS. Ước tính quân số của IS dao động 10.000-40.000 người. Đa phần họ là người Trung Đông, chủ yếu là Iraq và Syria - địa bàn hoạt động chính của IS.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ sơ cũng có đến 2.300 tay súng thánh chiến là người nước ngoài, mang nhiều quốc tịch, có cả Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nhất là từ các nước Âu - Mỹ. Theo Giáo sư Max Abrahms thuộc Đại học Northeastern chuyên nghiên cứu về các nhóm thánh chiến, hầu hết các tân binh phương Tây là thanh thiếu niên và không có kết nối nào liên quan tới Syria và “thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến thăm” đất nước này. Chúng vẫn cất giữ hộ chiếu của mình để dễ dàng quay trở lại quê nhà truyền bá lý tưởng “thánh chiến”.

Những kẻ điên rồ?

Liệu những người rời bỏ gia đình, công việc, bạn bè và một xã hội văn minh như xã hội phương Tây kia để đi tới những vùng đất mà bom rơi, đạn lạc có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, chiến đấu cho một tổ chức đang bị cả thế giới lên án và chung tay tiêu diệt kia, có phải là những kẻ điên rồ hay không?

Lý giải về hiện tượng này, Giáo sư John Horgan thuộc Đại học Massachusetts Lowell - một nhà tâm lý học, đã có 20 năm nghiên cứu về bọn khủng bố cho rằng, động cơ khiến những người Hồi giáo nước ngoài tham gia IS cần phải được xem xét theo tâm lý học của khủng bố. Việc cố gắng diễn giải chủ nghĩa khủng bố là một bệnh lý tâm thần là một sai lạc.

Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều người Hồi giáo luôn mang nặng khát khao và cho rằng mình có bổn phận phổ cập đạo mình cho khắp thế giới. Hồi giáo nguyên gốc muốn áp dụng Luật Hồi giáo gắn chặt với Kinh Koran như sơ khởi của đạo này ở thế kỷ thứ VII và không chấp nhận một tôn giáo nào khác cùng tồn tại.

Giáo sư Horgan cho biết, nhiều tay súng nước ngoài nói mình gia nhập IS để “được thuộc về một cái gì đặc biệt” và “họ muốn tìm một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống của họ”. IS giúp họ thực hiện khát vọng xây dựng một vương quốc Hồi giáo không biên giới và tiêu diệt những kẻ ngoại đạo. Hồi tháng 8-2014, trong một cuộc phỏng vấn của Vice Media, nhiều trẻ em Iraq và Syria nói chúng muốn gia nhập IS để được giết hết “bọn tà giáo”.

Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền của IS hoạt động khá tích cực và hiệu quả. IS đã đặc biệt thành công trong việc tuyển dụng chiến binh thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, ở phạm vi toàn cầu. Có những người thậm chí đã cải sang đạo Hồi và đi theo IS - Andre Poulin là một ví dụ. Ngay cả gia đình của người đàn ông Canada này cũng không hiểu lý do vì sao anh ta tới Syria và tham gia thánh chiến chống lại lực lượng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong một đoạn băng video được IS sử dụng như một công cụ tuyên truyền trên các mạng xã hội, Poulin đã giải thích lý do tham gia vào nhóm khủng bố dòng Sunni như sau: “Trước khi tôi tới Syria, tôi có tiền, có gia đình và những người bạn tốt. Tôi không giống như một người vô chính phủ hay một kẻ nào đó muốn hủy hoại cả thế giới và giết tất cả mọi người. Tôi là một người bình thường”.  Sau đó, Poulin - người sau này tự xưng là Abu Muslim kêu gọi: “Chúng tôi cần các kỹ sư, bác sĩ và các chuyên gia. Tất cả mọi người đều có thể đóng góp gì đó cho Nhà nước Hồi giáo”. IS trong thông điệp của Poulin cho thấy, chúng là một tổ chức bình đẳng về cơ hội và dành cho tất cả mọi người, từ những kẻ cuồng tín tàn tạo, cho đến những người bình thường.

Bên cạnh đó, nhiều người Hồi giáo từ Mỹ và châu Âu gia nhập IS nói rằng, không phải do họ quá sùng tín đạo Hồi, mà chủ yếu là muốn có được một sự đồng nhất xã hội mạnh mẽ. Ước tính có khoảng 70% các chiến binh thánh chiến hoạt động bên ngoài đất nước của họ, có lẽ để trốn thoát một cuộc khủng hoảng cá nhân.

Cuộc sống của họ ở Mỹ và châu Âu thiếu một mục đích sống mạnh mẽ. Họ bị khủng hoảng niềm tin vào cuộc sống trong bối cảnh tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ và các nước châu Âu. Họ phẫn nộ với những tệ nạn xã hội bị coi là tội lỗi theo giáo lý đạo Hồi, bất mãn với sự phân biệt đối xử và nghi kỵ của xã hội đối với người Hồi giáo - đặc biệt sau cuộc tấn công của khủng bố Hồi giáo vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Tất cả đã khiến một số người Hồi giáo ở Mỹ và châu Âu căng thẳng và rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Trong khi đó, những hứa hẹn vinh quang, trật tự trong một nhà nước Hồi giáo lý tưởng của IS lại có vẻ rất hấp dẫn.

Theo giới nghiên cứu, người Hồi giáo ở Mỹ ít có khuynh hướng cực đoan hơn ở châu Âu. Xã hội Mỹ dù sao cũng thoáng hơn và dễ hội nhập hơn, trong khi ở châu Âu, các cộng đồng Hồi giáo thường bị cô lập giữa những xã hội già nua, bảo thủ. Vậy là những tổ chức cực đoan Hồi giáo ở nước ngoài trở thành cứu cánh cho những phần tử này.

Dù không có IS thì châu Âu cũng phải chiến đấu với vấn đề nhức nhối đó trong xã hội của mình. Đó là lý do mà Mỹ và các nước châu Âu cần thiết phải có những cải cách kinh tế và chính sách xã hội phù hợp để giúp cộng đồng Hồi giáo ở nước mình có thể an tâm và hội nhập. Nói như Tiến sĩ John Esposito của Đại học Georgetown là: Mỹ và châu Âu cần phải là một nơi tốt hơn để sống cho những người Hồi giáo trẻ và không cho họ một lý do để có thể cực đoan.

Linh Phương (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc