Về nơi đất khô, người khát

07:00 | 07/08/2019

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xưa nay, xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông) được biết đến là một trong những “rốn lũ” ở miền Tây Nghệ An, đường sá cách trở, đời sống đồng bào Thái và Đan Lai còn lắm khó khăn, nhọc nhằn. Những ngày nắng nóng, Thạch Ngàn lại là một vùng “đất khát”, người dân phải ra đào giếng cạnh bờ suối để tìm nước.

Cuộc sống ở xứ “ngàn đá”

Vào những ngày tháng 7, chúng tôi lên xã Thạch Ngàn để chứng kiến cuộc sống của người dân xứ “ngàn đá” trong những ngày nắng lửa. Nhiệt độ ở đây hầu như ngày nào cũng xấp xỉ 40 độ C, thậm chí có những ngày lên đến 43 độ C. Nắng như đổ lửa, khe suối đang cạn dần, giếng nước cũng bắt đầu trơ đáy, nguồn nước sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng, cuộc sống của người dân bị đảo lộn bởi nắng nóng và khô hạn.

ve noi dat kho nguoi khat
Thạch Ngàn được huyện Con Cuông hỗ trợ đào 10 giếng dọc suối để nhân dân có nước sinh hoạt

Con đường từ cầu Cây Chanh (Anh Sơn) vào Thạch Ngàn ngập bụi đất, bụi phủ kín cây cối bên đường, hoa màu khô héo. Vừa đặt chân đến điểm đầu xứ “ngàn đá” trong cái nắng gay gắt, cảm giác bỏng rát càng nhân lên khi chúng tôi thấy cánh đồng phía trước không có lấy một giọt nước. Những gốc rạ mùa trước đã lụi tàn, chỉ còn trơ lại đất trắng nứt nẻ. Lúc này, anh Ngô Trí Đại - cán bộ nông nghiệp xã - vừa thăm đồng xong, mồ hôi ướt đẫm, ánh mắt hiện rõ vẻ lo âu.

Anh Đại cho biết: “Hơn 240ha ruộng của các bản đều ở tình trạng chung, gần 2 tháng nay không có mưa nên không thể gieo cấy. Nếu sắp tới không có mưa thì phải thực hiện phương án chuyển sang trồng hoa màu, nhưng lúc ấy sợ đất cứng không thể cày, cuốc để sản xuất. Với kiểu thời tiết khắc nghiệt này, chắc chắn năm nay bà con sẽ thiếu đói”.

Dọc đường về các bản, mỗi lần qua khe suối, chúng tôi lại nhận thấy lượng nước đã vơi đi rất nhiều, thậm chí một số nơi nước chỉ còn chảy le re, lòng suối trơ bùn đất. Những điểm còn khá nhiều nước, bà con tập trung ra tắm, giặt và lấy nước phục vụ sinh hoạt.

Chị Vi Thị Hải ở bản Đồng Thắng cho hay: “Giếng nước của gia đình tôi đã cạn gần 1 tháng nay, sáng nay chỉ chắt được một ít nước trong để nấu cơm, canh và nước uống, còn các nhu cầu khác phải dùng nước ngoài khe. Trời tiếp tục nắng nóng, giếng sẽ cạn hẳn, khe suối chắc cũng hết nước, chưa biết phải lấy nước ở đâu để dùng”.

Tương tự, chị Lô Thị Hằng ở bản Tổng Xan chia sẻ: “Nắng nóng làm cây cối, hoa màu chết héo đã đành, còn làm cho người dân trong bản khốn khổ vì thiếu nước. Hầu hết giếng trong bản đã cạn tận đáy, bơm lên nước đục ngầu, phải lắng cả ngày mới có thể dùng để nấu ăn, còn tắm giặt phải ra khe, mà khe cũng sắp hết nước rồi”...

ve noi dat kho nguoi khat
Người dân Thạch Ngàn phải ra suối tắm, giặt và lấy nước sinh hoạt

Đào giếng tìm nước bên suối

Trong số 13 bản ở Thạch Ngàn, Đồng Tâm là bản thiếu nước nghiêm trọng nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 70% số hộ trong bản thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do bản ở trên triền đồi, xung quanh ít khe, suối nên giếng nước của các gia đình đã khô cạn khi nắng nóng kéo dài. Bà con trong bản khắc phục bằng cách ra các khe chở nước ở suối lớn về lắng để phục vụ nhu cầu ăn uống, còn các sinh hoạt khác đều phải ra tận suối. Một số hộ dân đã bỏ tiền thuê người đào giếng, lắp ống cống bê tông ven suối để lấy nguồn nước thẩm thấu phục vụ sinh hoạt hằng ngày nhưng không phải lúc nào cũng được như ý. Đào giếng bên suối không phải vị trí nào cũng có nước trong, có những điểm nước đục ngầu hoặc đỏ quạch vì nhiễm phèn không thể dùng được.

Điển hình như ông Lô Thanh Bình đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng thuê đào giếng, mua cống, lắp máy bơm và ống dẫn, nhưng vẫn không có nguồn nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ông Bình cho biết: “Tôi đã thuê người đào 3 cái giếng nhưng không có cái nào sử dụng được. Không phải do không có nước mà nước bị nhiễm phèn nặng nên đỏ quạch, lắng cả ngày cũng không trong, đến nỗi con trâu, con bò cũng không chịu uống, chỉ có thể dùng để tắm cho đàn lợn”. Không chỉ gia đình ông Bình mà các hộ ở gần cũng rơi vào cảnh tương tự khi đào giếng bên suối nhưng không dùng được.

ve noi dat kho nguoi khat
Ông Lô Thanh Bình đầu tư đào 3 giếng nhưng nước đều bị nhiễm phèn, không sử dụng được

Chúng tôi đi theo chiếc máy múc về địa bàn bản Tổng Xan, một trong những bản thiếu nước nghiêm trọng. Chiếc máy múc rẽ xuống mấy thửa ruộng khô cháy rồi tiến ra phía con suối đã cạn nước. Người điều khiển máy múc chọn một vị trí bằng phẳng bên mép suối để đào giếng, chừng 15 phút sau, nước bắt đầu ùn lên nhưng dòng nước đục ngầu. Mọi người quyết định san lấp, tìm vị trí khác cách đó khoảng 10m. Lần đào thứ hai, tất cả lại thất vọng khi nước ùn lên vẫn đục ngầu, lại san lấp và tìm vị trí mới. Lần thứ ba, ai nấy đều hồi hộp chờ đợi, rồi cùng reo lên khi thấy mạch nước trong bất đầu dâng lên từ đáy giếng. Không ai bảo ai, bà con Tổng Xan hè nhau chuyển cống bê tông ra lát giếng, rồi thay phiên nhau lấy đất nén chặt xung quanh để bảo đảm an toàn. Nước mỗi lúc một nhiều thêm nhưng còn rất nhiều váng, bà con phải chờ đến cuối buổi chiều để múc hết nước trong giếng ra ngoài, chờ 2-3 ngày sau nước thực sự trong mới lấy về dùng.

Ông Võ Đình Thành - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn - cho biết: Đến thời điểm hiện nay có 11/13 bản của xã bị thiếu nước sinh hoạt, tính ra tỷ lệ số hộ thiếu nước tới gần 60%. Trong đó, trầm trọng nhất là bản Đồng Thắng (trên 70%), Đồng Tâm (gần 70%), Kẻ Da (65%), Thạch Sơn (60%)…

Trước tình trạng hạn hán gây thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, chính quyền huyện Con Cuông đã hỗ trợ phương tiện cơ giới và cống bê tông để đào 10 giếng nước (trị giá 68 triệu đồng), giúp bà con Thạch Ngàn có nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Hiện tại, việc đào giếng cơ bản đã được hoàn thành, người dân các bản đã có nguồn nước ở gần bản, không phải đến khe suối ở xa để chờ nước về. Nhưng nếu tiếp tục nắng hạn, khe suối cạn kiệt, chắc chắn những giếng nước này sẽ cạn theo, người dân nơi đây chưa biết sẽ khắc phục bằng cách nào.

Rời xứ “ngàn đá” khi mặt trời còn chói gắt, cỏ cây rũ rượi dưới nắng nóng và gió Lào, chúng tôi cảm nhận được mảnh đất và con người nơi đây đang cháy bỏng một niềm mong ước, đó là những trận mưa đưa nước xuống đồng ruộng để kịp gieo cấy, để người dân các bản làng thỏa cơn “khát” từ mấy tháng nay, để cỏ cây và rừng núi sớm hồi sinh…

Trần Công Kiên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps