Về Mường Lò học cách làm đẹp của các cô gái Thái

16:47 | 11/02/2012

4,567 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu ca xưa "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò" luôn gọi mời khách thập phương đến với đến với các bản văn hóa của người Thái, người Mường, người Tày... để được hòa mình vào các lễ hội "Gầu tào", "Hoa ban", "Hội Lồng tồng", lễ "Tăm khảu mảu", lễ "Đón lúa mẹ", "Tết nhảy"...

Cô gái Thái bên suối.

Người xưa kể lại, vào cuối thế kỷ thứ X có một tộc người Thái Đen do Lò Lạng Trượng dẫn từ phương Bắc đi qua châu Mai Sơn, châu Phù Yên và dừng chân bên hồ Nậm Thia khai phá miền đất rộng lớn này, rồi lập mường của họ nên nơi đây mới có tên là Mường Lò (mường của họ Lò). Rồi Mường Lò ngày thêm đông đúc. Ngoài người Thái còn có thêm người Tày, người Nùng, người Mông, người Khơ Mú, người Dao. Mường Lò – cánh đồng rộng lớn thứ hai Tây Bắc sau Mường Thanh Điện Biên

Câu ca xưa "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò” luôn gọi mời khách thập phương đến với đến với các bản văn hóa của người Thái, người Mường, người Tày… để được hòa mình vào các lễ hội "Gầu tào”, "Hoa ban”, "Hội Lồng tồng”, lễ "Tăm khảu mảu”, lễ "Đón lúa mẹ”, "Tết nhảy”… bao đời nay của người Thái Mường Lò, thể hiện lòng mến khách mộc mạc, chân thành. Sự mến khách của người Thái Mường Lò không chỉ thể hiện qua cách mời rượu mà đón khách quen đến nhà cũng nồng nàn như men rượu. Các thiếu nữ đến khắp, đến xòe trong âm hưởng rộn ràng của khèn bè, pí, sáo… Trong vòng xòe, các cô gái Thái đẹp như "tranh vẽ” chúc những chén rượu thơm nồng. Không biết các vị khách đến đây đã say cảnh, say tình hay say vẻ đẹp của người con gái Thái nên đã đặt tên Mường Lò là miền gái đẹp.

Hỏi thăm rất nhiều người, tôi tìm đến nhà bà Điêu Thị Xiêng – người được mệnh danh nghệ nhân dân ca Thái ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. Khi nghe tôi hỏi về cách làm đẹp của các cô gái Thái bà Xiêng thừa nhận là có và quả quyết rằng người Thái có bí quyết làm đẹp bền vững hơn cả. Các bà mẹ Thái Mường Lò lặng lẽ truyền lại cho con gái mình các câu thành ngữ Kinh cổm nỗm tẳng (mình thon vú dựng); Eo kíu meng day (thắt đáy lưng con tò vò); Kinh dao khao lụa (người thon dong dỏng)…

Nghe bà Xiêng nói vậy tôi chợt nghĩ hình dáng như vậy thì cô gái nào cũng thích, mà bí quyết chắc là họ phải giữ kín lắm. Ở dưới xuôi nhiều người giàu chỉ muốn làm đẹp một cái mi mắt cũng mất cả bạc triệu chứ ít gì. Chắc bí quyết làm đẹp của người Thái họ giữ kín lắm chắc gì mình biết được! Nói vậy nhưng tôi vẫn một lần thử hỏi, biết đâu họ mách nước một chút. Mà một chút làm đẹp được mà mang về xuôi cũng đủ để làm cho nhiều cô gái phát thèm rồi!

Có lẽ không có ai như tôi là được ngồi bên bếp lửa nhà sàn cùng mấy cô gái Thái xinh như người ta "đồn” và được bà Điêu thị Xiêng kể cái bí quyết làm đẹp của cô gái Thái một cách tỉ mỉ. Tôi cố gắng ghi lại chi tiết biết đâu giúp cho nhiều cô gái biết làm đẹp lên được một chút thôi cũng được

Bà Xiêng kể – Để có được Kinh cổm nỗm tẳng, Eo kíu meng day thì ngay từ khi mười một, mười hai tuổi, các cô gái Thái đã quấn xài ẻo (thắt lưng) bằng khăn dải – một loại khăn được dệt bằng vải tơ mềm mại bền chắc, thời trẻ thắt lưng xanh, khi vào tuổi trung niên thì thắt khăn tím. Trang phục Thái làm tôn tạo vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái. Chiếc áo cỏm trắng (áo ngắn đến thắt lưng) với vòng cổ cườm (co lưởi) và hàng khuy bạc hình cánh bướm, hình con nhện (mắk pém) chiết hai bên nách bó sát thân hình làm cho cánh tay, vồng ngực và các eo nổi lên mịn màng, tròn trịa. Dải thắt khăn xanh có gài xà tích (những sợi dây bạc) quấn chặt cạp trên nhưng thả lỏng cạp váy dưới, váy phải là màu đen, gấu thêu bằng chỉ trắng viền vải đỏ bên trong mỗi khi các cô gái nhẹ nhàng bước đi, cạp váy chuyển như sóng lúa đồng. Xài ẻo có tác dụng thắt gọn để giữ váy, nó còn làm cho các chàng trai Thái chú ý hơn tới cái eo và dáng uyển chuyển của người con gái Thái. Cùng với khăn piêu, vòng cổ tay, các trang phục khác trên mình đã làm cho người con gái Thái nổi hẳn lên một vẻ đẹp đầy đặn, nền nã, dịu dàng và xuân sắc.

Các cô gái Thái được dạy múa xòe.

Ngoài ra, phụ nữ Thái rất coi trọng mái tóc, nếu trời phú cho ai có mái tóc dày, dài và đen thì đó là một diễm phúc với họ. Từ nhỏ họ thường xuyên gội đầu bằng nước vo gạo đặc với bồ kết, gội nước vo gạo tóc mềm, mượt và thơm, để cho tóc khô búi ra phía sau, nếu đã có chồng thì búi tằng cẩu dựng đứng. Khi đội khăn piêu bộ tóc được cuốn giấu trong đuôi khăn, con gái Thái không đội khăn suốt ngày đêm như một vài dân tộc khác, vì như vậy tóc dễ bị cứng và rụng. Khi đội khăn – chiếc khăn piêu nổi tiếng không bị gấp nhiều nếp, càng không bị buộc mà chỉ vắt lên vừa đủ làm nổi khuôn mặt trắng hồng và thân cổ ban ngấn. Bởi vậy chỉ khi tiếp khách, đi hội hay có công việc vui khăn piêu mới thường được đem ra trưng diện.

Trước đây phụ nữ Thái có tục nhuộm răng đen như dân tộc Kinh. Ngày nay các cô gái thích để răng trắng, đẹp. Khi còn tuổi răng sữa, chiếc răng mới nhú, người mẹ luôn chú ý nắn chân răng để khi răng phát triển không bị vênh hay chìa ra. Các cô gái thường dùng cỏ nhả xay (một loại cỏ mềm) hoặc miếng cau tươi để đánh răng, đánh răng bằng cau hay lá cỏ nhả xay, răng vừa trắng, thơm, lại chắc chân lợi và không hại men. Bà mẹ còn khuyên các em bé gái tập thói quen không nên xỉa răng, vì xỉa răng, lớn lên chân răng sẽ nhiều khe hở, rất xấu và răng chóng hỏng.

Để cho mình luôn đẹp, ngoài việc ăn uống các sản phẩm miền rừng và ngủ có điều độ, các cô gái Thái biết giữ làn da theo kiểu riêng của mình. Cuộc sống lao động chân tay giúp cho cơ thể phát triển đều, nhưng cũng làm cho làn da dễ rám nắng hoặc bắt bùn. Bởi thế mùa nóng hay mùa lạnh, họ đều dành thời gian ngâm mình hoặc chân tay trong nước, ngâm nước kết hợp với xoa da, tuyệt nhiên không lấy đá ráp kỳ lên da như một số dân tộc khác. Ngay khi tắm cũng vậy, các cô gái để khăn áo trên bờ, nâng váy cao dần theo mực nước suối, nước đến đâu, váy lẩn đến đó, và cuối cùng được gấp trên đầu, cho dù có người đi qua họ vẫn kỳ cọ một cách tự nhiên, thoải mái dưới suối nước trong xanh. Tục ngữ Thái có câu “me pạ ló co lưởi” (người đàn bà đúc thành khuôn) là có phần nói về cái đẹp khi tắm suối của các “tòa thiên nhiên” con gái Thái ấy.

Nghe Bà Điêu Xiêng kể về cách làm đẹp tôi luôn nghĩ tất cả các cô gái không chỉ dân tộc Thái mà các dân tộc khác mà ngay từ lúc nhỏ, người mẹ đã tập cho con cái đi đứng nhẹ nhàng nói năng mềm mại. Khi lớn, cái nhẹ nhàng mềm mại thậm chí có phần e lệ ấy sẽ rất hợp với khuôn trang đầy đặn thon thả, tạo nên vẻ hài hòa giữa hình thể và tâm hồn.

Bà Điêu Xiêng còn cho biết, trong một gia đình người Thái, lao động nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa xã hội, lo toan công việc nội trợ được sắp xếp một cách hợp lý; việc đồng áng được coi là việc nặng nên hầu hết do năm giới gánh vác, phụ nữ thường là đi cấy, làm cỏ, gặt hái và trồng bông, họ dành nhiều thời gian cho vá may, dệt vải, thêu thùa. Thế nhưng hàng ngày vẫn không xa rời việc tiếp xúc với nước suối, le sao mứa pay sỏn, nghĩa là, muốn biết người con gái đẹp hay không phải nhìn lúc xúc cá về.

Nghe kể về các làm đẹp của các cô gái Thái, tôi không hy vọng gì lắm bởi ở dưới các thành phố cuộc sống tấp nập, các cô gái sau khi đi làm, đi học về là rủ nhau đi shopping, đi nhà hàng, bố mẹ thì bận không quản lý giờ giấc. Không như các em gái Thái đã được các mẹ, các chị dạy dỗ thật chu đáo, dạy từ cách đi đứng, nói năng, hát múa, dệt thổ cẩm, thêu thùa, gieo trồng cấy hái, cách nấu ăn – kiểu mẹ truyền con nối, là bản sắc văn hoá làm nên cái đẹp, nét riêng, rất bền chặt của tộc người Thái. Khó phát hiện và nói hết được những bí quyết giữ gìn sắc đẹp tự nhiên của các cô gái dân tộc Thái. Dường như nó diễn ra theo tập quán, theo truyền thống đã có, lặng lẽ, hãnh diện, kín đáo và thuần khiết như bông hoa ban đầu mùa.

Nguyễn Nhật Thanh