Vào TPP: Chăn nuôi gặp “bão”

21:42 | 28/06/2015

1,784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự đoán sẽ được ký kết vào cuối năm 2015. Việt Nam, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn với tình trạng nền kinh tế như hiện nay. Bên cạnh những ngành xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày… thì nông nghiệp đã và đang dành được sự chú ý đặc biệt trong “bước ngoặt” hội nhập này. Vậy thực trạng của chúng ta hiện nay ra sao?  

Nông nghiệp: Nhật Bản cũng lo

Có lẽ chúng ta cũng không phải là thành viên duy nhất trong TPP có vấn đề về sản xuất nông nghiệp. Nhật Bản, đã và đang là người khổng lồ ở châu Á về sản xuất công nghiệp, công nghệ cao cũng có những nỗi lo của riêng mình. Chính sách trợ giá nông nghiệp đến… cực đoan của Nhật khiến có nhiều đồn đại rằng nước này không dám đưa 5 mặt hàng nhạy cảm là lúa gạo, lúa mì, đường, thịt bò và sản phẩm từ sữa vào đàm phán. Nông nghiệp ở Nhật đóng góp khoảng 1,4% vào tổng sản phẩm quốc dân nhưng nhận được trợ cấp lên tương đương 1,3% GDP, bên cạnh những chính sách của Chính phủ để hạn chế sản lượng và đẩy giá nông sản lên cao. TPP hy vọng sẽ là chất xúc tác để nước này phát triển ngành nông nghiệp đầy tiềm năng.

Vào TPP: Chăn nuôi gặp “bão”

Chăn nuôi theo hộ gia đình

Ngoài Nhật Bản, Canada cũng là nước đang khá căng thẳng với chính sách hỗ trợ ngành sản xuất sữa.

Ở hướng ngược lại, Mỹ, Australia và New Zealand đang hồ hởi chuẩn bị nhằm mang thịt lợn, thịt bò… đi chiếm lĩnh thị trường các thành viên khác.

Nông nghiệp Việt Nam được cho là “5 ăn 5 thua” nếu TPP được ký kết. “5 ăn” vì mặt hàng gạo xuất khẩu của chúng ta sẽ có lợi thế rất lớn trước Thái Lan và Ấn Độ nhằm thâm nhập sâu hơn vào các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ… Ngược lại, ngành chăn nuôi, mía đường đang đứng trước nguy cơ bị “thổi bay” ngay trên sân nhà. Có thể lấy ví dụ cụ thể ở mặt hàng thịt bò: Trong các siêu thị, thịt bò Úc và Việt Nam cùng loại chỉ chênh nhau khoảng 10-20 ngàn, trong khi mặt hàng từ Úc chịu rất nhiều các loại chi phí, thuế nhập khẩu. Thịt lợn từ Mỹ thậm chí còn cạnh tranh mạnh hơn: Giá thịt lợn trung bình tại nước này chỉ bằng khoảng 40% so với ở Việt Nam, “nếu thuế về 0% thì người Mỹ sẽ chiếm lĩnh thị trường ngay” - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang chia sẻ.

Xin nói thêm, chưa tính đến TPP, chỉ riêng cộng đồng kinh tế ASEAN thôi thì chúng ta cũng “đại bại” trong ngành chăn nuôi. Thái Lan, Indonesia, Malaysia giờ đang cạnh tranh để xuất khẩu gia cầm đi các nước châu Âu và châu Mỹ với giá thành rất rẻ. Ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam từng khẳng định: Các nhà máy giết mổ ở Thái Lan có công suất 2.000 con/giờ trở lên, có thể đưa gà vào giết mổ lúc 6 giờ chiều, đến 9-10 giờ đêm là xong, đến khoảng 4 giờ sáng là gà Thái đã có mặt ở khắp các chợ tại TP HCM.

Việt Nam: Gấp rút… “chữa cháy”

Nhiều nhận định cho rằng, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ nông dân hiện nay là một hình thức đã quá lạc hậu: Số lượng chăn thả quá ít, dễ dịch bệnh, chi phí giết mổ cao… dẫn đến những ngành hỗ trợ như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vi lượng, thiết bị chuồng trại không phát triển và đi nhập khẩu toàn bộ. Đó là lý do tại sao dù là nước nông nghiệp nhưng giá thực phẩm của Việt Nam lại không thể cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài.

Một khi gia nhập TPP, hay Cộng đồng kinh tế ASEAN hoặc thấp hơn là các hiệp định thương mại song phương, Việt Nam sẽ phải chấp nhận việc loại bỏ các hàng rào thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật như an toàn vệ sinh thực phẩm thì chúng ta… đi sau nước ngoài rất xa, đừng nói đến việc áp dụng để bảo hộ trong nước.

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Chúng ta đang tích cực đàm phán để các nước hạn chế các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm - nhiều khi cao quá mức cần thiết, từ đó mở đường cho nông sản, thực phẩm của ta xuất khẩu; đồng thời thực sự áp dụng cơ chế thị trường, cái gì không có lợi thế thì chúng ta chấp nhận nhập khẩu.

Sơn Nguyễn

Năng lượng Mới số 422