Vấn nạn "quái xế": Không thể tiếp tục “giơ cao đánh khẽ”
Vừa qua, dư luận nhân dân thủ đô thêm một lần "dậy sóng" sau khi một nhóm quái xế gây tai nạn tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm một cô gái (tên Q.) tử vong. Mặc dù đám choai choai này ngay sau đó đã bị lực lượng công an bắt giữ xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhưng sự “hối hận”, và “sốc” của một nữ quái xế với phát ngôn gọn lỏn, xanh rờn xem ra vẫn còn “sượng” lắm. Bởi ở cái độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" khó mà các đối tượng này ý thức được hậu quả từ hành vi của mình gây ra. Có lẽ chúng cũng chưa thể hiểu được nỗi đau đớn tột cùng đã gây ra đối với gia đình nạn nhân!
Một phần của nhóm quái xế gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong rạng sáng ngày 3/11/2024. |
Nếu chúng nhận thức đầy đủ và được bố mẹ quan tâm sát sao thì sẽ không đời nào những thiếu niên kia dám vác xe ra đường đi đua như vậy. Bởi thế, sự hối hận và sốc đó có lẽ chỉ mang tính chất tạm thời. Nhưng thiết nghĩ những người có trách nhiệm cũng không thể cũng xử lý một cách "tạm thời" như đang làm hiện nay. Đừng xử lý theo vụ việc, hãy có chiến lược xử lý vấn nạn này một cách lâu dài, để "bình ổn" lại trật tự an toàn xã hội!
Cách đây chưa lâu, chúng tôi từng theo chân các "tổ 141" có mặt tại các chốt trực, xử lý vi phạm cả ngày và đêm ở Hà Nội. Mỗi lần “thộp” được đám choai choai, quái xế, anh em cảnh sát giao thông (CSGT), Cảnh sát hình sự (CSHS) cũng đau đầu không biết xử lý thế nào cho chúng sợ. Bởi phần lớn đám này đều đi xe mượn, xe của bố mẹ, xe của bạn, không giấy tờ, tiền phạt cũng không có. Chỉ có duy nhất cách giữ xe rồi gọi phụ huynh lên lập biên bản; cùng nhiều hình thức xử phạt khác. Nhưng nói chung là các hình thức xử lý đối với chúng nhẹ tựa... lông hồng!
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, chị Đặng Thị Dung sống tại Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, ngày trước đám quái xế này chỉ tụ tập làm ầm ĩ vào ban đêm, khoảng 11 giờ đổ ra. Nhưng gần đây chị thấy xuất hiện cả ban ngày. Các đối tượng phóng với tốc độ rất nhanh từ cầu vượt xuống gây nguy hiểm cho người đi bộ qua đường và những phương tiện khác.
Cùng chung nỗi lo sợ trên, anh Nguyễn Văn Dũng sống trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Bởi đặc thù công việc, tôi hay đi làm về lúc tối muộn. Mỗi lần nghe tiếng đoàn xe rú lên từ xa là tôi phải nhanh chóng dắt xe lên vỉa hè, dựng chân chống đợi đoàn xe đi qua mới dám đi tiếp… Thật sự tôi rất sợ hãi. Đám thiếu niên này không những đi đông mà còn phóng nhanh lạng lách, hú hét ầm ĩ…”.
Lại nhớ năm xưa, đám quái xế có trò nhổ nước bọt, hất mũ các đồng chí công an giao thông trên đường, rồi khi bị bắt, xử lý thì ai là người đầu tiên bao che cho đám thiếu niên đó?Chính là các bậc phụ huynh với câu nói nổi tiếng: “Con tôi đang đi chẳng sao, các ông giơ gậy ra nó mới ngã” hoặc “Cháu nó đang đi bình thường nhỡ va vào gậy của chú mới ngã đấy chứ!”…
Chính sự bao che đó đã cổ vũ thêm cho tính ngông cuồng sau này khi đám thiếu niên mới lớn còn thách thức, đua tốc độ với cảnh sát cơ động. Càng manh động hơn nữa chúng sẵn sàng chống đối với tuýp sắt gắn "phóng lợn" nhọn hoắt! Và đến lúc chúng phải cúi gằm mặt nghe tuyên án thì không hiểu các bậc làm cha làm mẹ sẽ nghĩ gì? Đương nhiên họ cũng sốc, cũng hối hận nhưng khi đó đã quá muộn!
Nhiều người thân của nhóm "quái xế" chờ bên ngoài trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. |
Một số gia đình đang rơi vào tình trạng bố mẹ chỉ lo kiếm tiền, con cái mặc kệ theo tinh thần “giời sinh voi giời sinh cỏ”, hoặc “lớn lên cho đời nó dạy”… Nhưng cái tinh thần đó của nhiều bậc cha mẹ bây giờ đã và đang nhận được hệ quả, đó là con của họ tụ tập, đàn đúm đua xe, "bắt pen hít dầu gió"… Và tận cùng của sự nuông chiều, xuề xòa là bao nhiêu vụ việc thương tâm ngay trong gia đình đã xảy ra.
Chúng coi việc bị xử phạt, "thông chốt" là một loại thành tích để khoe mẽ, "lấy le" với bạn gái! Với những thiếu niên đó, việc tụ tập, đi diễu võ giương oai, đua xe ngoài đường là thể hiện tính "yêng hùng".
Về khía cạnh này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ với PetroTimes: Giai đoạn tuổi trẻ, con người hay có xu hướng thể hiện bản thân mà theo chuyên môn gọi là động cơ tâm lý. Loại động cơ này chia là 2 hướng, hướng tích cực là những người thích thể hiện trong việc học tập, lao động, sản xuất… Và nhóm còn lại đi ngược lại, họ không có ý chí trong học tập, lao động, bản thân họ buông thả nên thay vì thể hiện tích cực họ đã chọn hình thức khác; đơn cử là những thiếu niên tụ tập, đua xe… Họ thấy rằng hành vi đó thể hiện cái mà người khác không dám làm, và một khi họ làm được thì họ đã có vị trí trong con mắt của người khác, gây sự chú ý…
Về chế tài xử lý các quái xế, theo TS. LS Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi đua xe trên đường phố, thực hiện các hành vi lạng lách, đánh võng, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Với hành vi điều khiển xe mô tô với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây tai nạn giao thông chết người của các đối tượng gây mất an ninh trật tự dẫn đến sự việc đau thương như vậy là rất đáng trách, đáng lên án và có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với sự việc đặc biệt nghiêm trọng vừa rồi thì ít nhất là cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố để xử lý đối tượng đã gây ra tai nạn giao thông về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu có tình tiết tăng nặng thì hình phạt là 03 năm đến 10 năm tù. Quá trình điều tra xác minh sự việc này nếu có căn cứ đã có hành vi tổ chức đua xe và đua xe trái phép thì sẽ xử lý hình sự về tội danh là tội tổ chức đua xe và tội đua xe trái phép theo quy định tại điều 265 và điều 266 Bộ luật Hình sự.
Dù đã có chế tài, quy định rõ ràng, dù lực lượng công an đã thường xuyên ra quân trấp áp, xử lý bằng nhiều biện pháp mang tính răn đe, rồi cả tuyên truyền từ gia đình đến nhà trường rồi cả xã hội nhưng tại sao nạn quái xế, báo thủ vẫn tồn tại? Phải chăng chúng ta còn “giơ cao đánh khẽ” với loại hình tội phạm này?
Chúng ta đều nhận thức được sự nguy hiểm của loại tội phạm này, chúng đe doạ đến sự an toàn của mỗi cá nhân, mỗi gia đình khi tham gia giao thông; không phải ở một khung giờ nhất định mà là thường trực. Vậy tại sao vẫn không thể xử lý quyết liệt? Bởi chính hành động yêu quá hoá chiều của nhiều bố mẹ, rồi chiều quá hoá hư đến lúc gây hậu quả thì hỏi được mấy gia đình chấp nhận sự thật con mình đã hỏng rồi?! Hay cố tình biện minh, né tránh sự thật và mong muốn cơ quan chức năng cho cháu một cơ hội! Vậy cơ hội nào cho cô gái đã bị đám quái xế tông chết vừa qua, cũng như rất nhiều nạn nhân khác? Ai sẽ cho họ cơ hội sống một lần nữa bên gia đình?! Đã đến lúc không thể giơ cao đánh khẽ đối với loại tội phạm này?
Chúng tôi cho rằng để xử lý triệt để vấn nạn này, lực lượng Công an thành phố là nòng cốt, từ chủ trương đến triển khai thực hiện nhưng “cánh tay phải” của cán bộ, chiến sĩ công an không phải là các công cụ hỗ trợ, mà chính là các bậc phụ huynh. Nếu có được sự đồng thuận và nhận thức đúng đắn, nghiêm khắc từ các bậc làm cha mẹ, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền các cấp, lực lượng công an... Tin rằng chỉ trong thời gian ngắn sự bình yên sẽ trở lại trên các con phố.
Thời gian vừa qua, lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã quyết liệt triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, truy quét các nhóm thanh, thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Trong đó, 15 tổ Cảnh sát 141, 10 tổ công tác đặc biệt và các đội Cảnh sát giao thông địa bàn thường xuyên triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tình hình tội phạm về trật tự xã hội nói chung và kiềm chế, đấu tranh, ngăn chặn với tội phạm đường phố, tội phạm do thanh, thiếu niên tụ tập, điều khiển xe máy chạy thành đoàn, lạng lách đánh võng, mang theo hung khí đuổi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng... nói riêng. Điển hình như đêm 1/11 và rạng sáng 2/11, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 đồng loạt triển khai nhiều tổ công tác hóa trang kết hợp công khai tiến hành tuần tra kiểm soát trên khắp các tuyến đường thuộc địa bàn đơn vị quản lý ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Kết quả, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với gần 40 trường hợp vi phạm TTATGT và tạm giữ hơn 25 phương tiện… |
Phong Sơn
-
Bộ trưởng Bộ Công an: Xử lý dứt điểm nạn đua xe
-
Bộ Công an chỉ đạo xử lý tình trạng thanh thiếu niên tổ chức đua xe
-
TP HCM: Tập trung lên phương án ngăn chặn đua xe trái phép dịp lễ 30/4-1/5
-
Truy tìm người cầm đầu nhóm hàng trăm "quái xế" chặn cao tốc đua xe
-
CSGT TP HCM ra quân chống đua xe trái phép
-
Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ hơn 1,2 nghìn tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai
-
Các di tích ở Hà Nội sẽ mở cửa xuyên Tết đón khách
-
Thi công “3 ca, 4 kíp” khu tái định cư Kho Vàng
-
UBND tỉnh Lào Cai họp bàn công tác chuẩn bị tổ chức lễ khánh thành 3 dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng
-
Hải Phòng chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Bảo đảm lợi ích tối đa cho người dân