Văn hóa người lao động ngành than: Kỷ luật, đồng tâm là tư tưởng xuyên suốt

09:49 | 18/07/2013

1,344 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo trước đây và cả sau này, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Đoàn Văn Kiển rất trăn trở với văn hóa và truyền thống của ngành. Ông lý giải, do đặc thù vất vả, thợ mỏ làm việc trong điều kiện sự sống cái chết cận kề, khiến người lao động ngành than luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Một cái “phông” văn hóa rất riêng cũng từ đó mà thành…

Văn hóa dựa trên truyền thống

“Kỷ luật - đồng tâm - thành công”, hàng triệu thợ lò đã quá thân thuộc với khẩu hiệu này. Cuộc đình công của hơn ba vạn thợ mỏ Quảng Ninh diễn ra vào ngày 12/11/1936 phản kháng chế độ thực dân Pháp đã làm rung chuyển cả một vùng Ðông Bắc. Trong thời đại mới, đem câu hỏi “kỷ luật - đồng tâm liệu có còn hợp trong thời hiện tại?” đến ông Đoàn Văn Kiển, PV PetroTimes nhận được những lời gan ruột từ vị thủ lĩnh kỳ cựu: “Nhắc đến văn hóa ngành than, chúng ta phải trở về với ngày truyền thống vẻ vang của công nhân vùng mỏ, truyền thống ngành than”, ông Kiển nói: “Kỷ luật - đồng tâm mãi mãi là tư tưởng xuyên suốt của ngành, điều đó không thể lay chuyển. Năm 1995, khi nhận công tác ở Tổng Công ty Than, tôi đã chủ trương cho anh em thợ lò được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày truyền thống này”.

Niềm vui tan ca của thợ mỏ

Ông Kiển kể, dạo trước khi còn làm trực tiếp dưới mỏ, đời làm than của ông thật hạnh phúc khi được chứng kiến biết bao hình ảnh cảm động, được trải qua những thời khắc đồng cam cộng khổ cùng anh em công nhân. “Tôi nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế suy thoái, lạm phát khiến than làm ra khó bán được, tồn kho cao, sản xuất bị thu hẹp. Nhưng đến bữa nhìn cảnh anh em công ty than nội địa đưa con theo lên công trường ăn chung bát cơm giữa ca, mà mình phải quay mặt. Cuộc sống hằng ngày là vậy, còn ở tầm vĩ mô, dù phải hạch toán độc lập, các đơn vị vẫn âm thầm giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Tôi nhớ mãi Than Cẩm Phả dành than của mình cho các công ty khác xuất khẩu để được hưởng chênh lệch giá (giá xuất khẩu cao gấp 4 lần giá trong nước) ngay cả khi trong két của mình chẳng còn đồng tiền mặt nào”.

Đến hôm nay đời sống đã khá lên, nhưng các công ty vùng than Cẩm Phả rồi vùng than Hòn Gai, Uông Bí - Đông Triều vẫn tự nguyện gắn bó khăng khít với nhau, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động. Thợ lò luôn là đối tượng lao động gian khổ nhất trong ngành và cũng được chăm sóc chu đáo nhất. Nhớ mãi hình ảnh những người phụ nữ hậu cần lo cơm dẻo canh ngọt, chăm sóc cho thợ lò từ cái tăm đến đôi đũa, các chị hằng ngày lo hàng vạn suất cơm đều 3 bữa, cho đến ngày về hưu ông Kiển vẫn chưa thấy có vụ ngộ độc nào xảy ra. Đơn giản họ là những người mẹ, người vợ, người chị, người em của thợ lò... họ nấu không chỉ vì đồng lương mà còn vì tình yêu thương, ruột rà, máu mủ thấm đẫm trong bữa cơm ấy. Văn hóa người lao động ngành than nằm cả ở đây!

“Một điều nữa, thợ lò, công nhân than phải lao động nặng nhọc, độc hại, nhiều rủi ro, tất cả đã nhào nặn nên bản lĩnh gai góc như những người lính xung trận, luôn rèn ý chí sẵn sàng đối mặt giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Đã có không ít tấm gương hy sinh cứu lấy nhau như cuối năm 1976, anh Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng) lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 6 đi kiểm tra lò thượng trong vỉa than dốc 55 (độ) đã ghé vai giúp người thợ lò nâng xà thép, không may sàn thao tác trượt làm anh ngã gãy chân. Năm 1980, anh Bùi Huy Tân, thợ lò bậc 6/6 Xí nghiệp Xây lắp 6 đã đẩy và nằm đè lên trên một đồng nghiệp để cứu bạn khỏi đá sập. Anh Trần Văn Thản thì hy sinh khi cứu đồng nghiệp ở mỏ than Khe Chàm trong vụ nổ khí metal ngày 8/12/2008…”, ông Đoàn Văn Kiển bùi ngùi nhớ lại.

Với ông, trong gần 20 năm làm Tổng giám đốc, rồi Chủ tịch Tập đoàn, trừ lúc đi công tác nước ngoài, dù sự cố xảy ra ở bất cứ đâu ông cũng tìm mọi cách đến ngay hiện trường. Sinh mạng anh em ngàn cân treo sợi tóc, cái tâm người lãnh đạo không thể yên nếu không về trực tiếp lo cho anh em. Người lao động ngành than chắc chưa quên những chuyến xe tốc hành Hà Nội - Quảng Ninh nửa đêm đưa đoàn cán bộ cấp cao Vinacomin đến hiện trường mỗi khi mỏ xảy ra sự cố lao động. Tất cả đều bắt nguồn từ sự gắn bó, yêu thương ấy. Lao động trong hầm mỏ với cường độ cao, tính chất căng thẳng, không kể thời gian, điều kiện môi trường, khí hậu, những người thợ ở đây phải luôn tập trung ý chí, tư tưởng cao nhất để sẵn sàng nhận và thực hiện mọi nhiệm vụ, họ không sợ gian khổ, hy sinh trong mọi hoàn cảnh.

Doanh nghiệp hiện đại, có văn hóa và trách nhiệm

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều lãnh đạo các đơn vị thành viên thuộc Vinacomin xác định, về thực chất, Văn hóa doanh nghiệp chính là tìm cách từ bỏ một thói quen cũ, chưa tốt để tạo lập một thói quen mới, tốt hơn, chuẩn mực hơn. Từ bỏ một thói quen này để hình thành một thói quen khác không hề đơn giản, nhưng người lao động ngành than coi đó là một phần trong “kỷ luật - đồng tâm”.

Đơn cử như ở Công ty Than Hòn Gai, đơn vị mở đầu chương trình “Nâng cấp bộ mặt công sở” bằng cách phát động toàn công ty thực hiện chương trình “Xây dựng văn minh công sở”. Sau một thời gian thực hiện quyết liệt, các văn phòng từ công ty đến các xí nghiệp đều đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp; trang thiết bị, đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp; tài liệu được sắp xếp khoa học, đẹp, đảm bảo sự tiện ích khi cần sử dụng. Tác phong công nghiệp của toàn thể cán bộ, công nhân phát triển lên tầm mới, mỗi cá nhân đều ý thức xây dựng cho mình tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát. Các thói quen tốt ngày càng nhiều hơn, thói quen xấu ngày càng giảm đi; sự thân ái, phát huy tính tự chủ cao trong công việc được nâng lên rõ rệt.

Sau thành công ban đầu, từ tháng 3/2010, công ty tiếp tục triển khai chương trình “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp”. Chương trình này tập trung chủ yếu vào các nội dung: Nếp sống văn hóa; Công tác môi trường; Kỷ luật, đồng tâm; Giỏi nghề, thạo việc, làm việc khoa học và cải thiện đời sống cán bộ, công nhân về mọi mặt. Về kỷ luật đồng tâm, xây dựng được ý thức kỷ luật tốt: đúng giờ, đúng kế hoạch, bố trí thời gian, công việc hợp lý, thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá. Người lao động chấp hành tốt mọi nội quy, quy trình, quy phạm. Kỷ luật lao động được giữ vững, tập thể cán bộ, công nhân đoàn kết, yên tâm công tác, đồng sức, đồng lòng xây dựng đơn vị. Về giỏi nghề, thạo việc, làm việc khoa học, đã quan tâm và làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại...

Báo chí và các doanh nghiệp đã dành nhiều thời gian để bàn về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nhưng xây dựng ở đâu, nếu không phải là bắt đầu từ những hành vi ứng xử của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đó? Từ ý thức tự chủ, ý thức tự giác của mỗi cá nhân? Và bằng những việc làm nhỏ nhất!? Mỗi một cá nhân người lao động từ các công trường, phân xưởng, nhất là những phòng ban giúp việc chính là những nhân tố làm lên văn hóa người lao động ngành than trong thời đại mới.

L.T