Văn hóa Hà Nội

08:17 | 04/01/2012

967 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bây giờ người ta hay than phiền về văn hóa xuống cấp của Hà Nội và tìm nhiều lý do để biện minh hay đổ thừa. Những lý do ấy chỉ đúng một phần, và không phải phần căn cốt.

Tôi còn nhớ một bài thơ của nhà thơ Trúc Thông viết về Hà Nội từ hơn 40 năm trước, ngay trong những tháng ngày Hà Nội đánh máy bay Mỹ trên bầu trời của mình, bài thơ có đoạn: "Hà Nội ơi/ Tôi yêu dưới đáy hồ lưỡi kiếm/ Những thế hệ cầm soi không thẹn với cha ông/ Yêu một sớm mưa người đi thưa thớt/ Nhìn cây xanh thành phố bỗng đông hơn/ …Thành phố ta giặc trút mấy lần bom/ Mà chị ơi sách Kim Đồng chạy nhất/ Người lớn né cho em vào mua trước/ Được cảm thấy mình che chở những mầm non”. Đoạn thơ không chỉ nói về hùng khí của thủ đô hay lòng yêu nước của người Hà Nội. Nó còn lấp lánh những gì khác nữa.

Hà Nội ngày đó dân sơ tán nhiều, nên hàng vạn hàng vạn cây xanh bỗng như “đông hơn” trên phố xá một ngày mưa. Những “công dân xanh” của thủ đô là nét đẹp thiết tha nhất của thành phố, có một vẻ đẹp đặc trưng của người Hà Nội thời đánh Mỹ: đó là thói quen đọc sách, ham sách, trân trọng sách. Dù ngày ấy sách không nhiều, người thủ đô cũng không dư giả gì, nhưng một phần thu nhập hàng tháng vẫn được họ chắt chiu giành ra để mua sách. Hồi ấy cũng chưa có “phố sách Đinh Lễ” như bây giờ, nhưng có một dãy người xếp hàng mua sách, bên cạnh những dãy người xếp hàng mua nhu yếu phẩm. Sách đã là nhu yếu phẩm tinh thần của người Hà Nội trong những năm tháng ấy.

Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ...

Cội nguồn của văn hóa là lòng nhân ái. Câu thơ đã nói lên được cùng lúc cả lòng nhân ái và ứng xử văn hóa của người Hà Nội. Người ta nói “Thăng Long phi chiến địa” cũng chỉ là một cách nói, thực ra, Hà Nội đã bao phen xung trận, bao phen những công – dân – người và công – dân – cây của thành phố đã xả thân để bảo vệ từng góc đường, khu chợ, từng con ngõ nhỏ. Và bảo vệ những em bé thơ – tương lai của thành phố. Trong cử chỉ “né cho em vào mua trước” đã hàm nghĩa nhường nhịn, yêu thương và che chở. Hà Nội ngày ấy thật nghèo. Cả thành phố không có lấy một chiếc tivi. Ôtô con quá ít. Chỉ toàn xe đạp là xe đạp. Và rất, rất nhiều người đi bộ. Vỉa hè thông thoáng, phố xá sạch làu vì người dân không vứt rác ra phố. Kham khổ, nghèo cực nhưng lành sạch. Rồi chúng ta sẽ còn cảm thấy hết giá trị của sự lành sạch khi những bẩn tưởi tràn ngập khắp nơi, len lỏi vào cả những nơi sâu kín của đời sống tinh thần hay tình cảm. Sự ô nhiễm đáng sợ nhất là ô nhiễm tâm hồn, là rác rưởi trong những mối quan hệ, trong ứng xử giữa người với người.

Hà Nội ngày ấy chưa biết tới cái gọi là “văn hóa phong bì”, nhưng đã có biết bao phẩm chất văn hóa thầm lặng khác, những phẩm chất văn hóa đích thực trong cách sống của mỗi người dân bình thường. Nơi lịch sử đi qua còn để lại bao dấu tích, nơi con người Hà Nội hào hoa phong nhã từng sống, yêu thương, sáng tạo, đắm đuối với từng chiếc lá thu, từng cơn mưa rây nhẹ trên những mặt hồ, từng mái ngói lô xô một chiều nắng nhạt. Có biết bao người không sinh đẻ ở Hà Nội, thậm chí chỉ ghé qua Hà Nội một lần trước khi đi về những chiến trường khốc liệt, nhưng hình ảnh Hà Nội đã ăn sâu vào tâm khảm họ. Hơn cả một thủ đô, Hà Nội là nơi bắt đầu của những bắt đầu.

Giàu có hơn chưa hẳn đã văn hóa hơn, dù không ai muốn sống mãi trong cảnh nghèo nàn. So về của cải vật chất hay đời sống người dân, thì Hà Nội hôm nay đã vạn lần hơn Hà Nội những năm chiến tranh chống Mỹ. Nhưng vì sao, những người từng sống ở Hà Nội trong bom đạn và sơ tán như chúng tôi vẫn giữ trong ký ức của mình những gì thật đẹp đẽ và cảm động của Hà Nội và người Hà Nội ngày ấy? Tôi nghĩ, cái còn lại lâu nhất chính là tình người, là lòng nhân ái, là vẻ đẹp lấp lánh của văn hóa Hà Nội. Cái còn lại lâu nhất không phải những ấn tượng của sự giàu sang hay của cải vật chất, mà chính là những giá trị tinh thần.

Chợ tết xưa

Bây giờ người ta hay than phiền về văn hóa xuống cấp của Hà Nội và tìm nhiều lý do để biện minh hay đổ thừa. Những lý do ấy chỉ đúng một phần, và không phải phần căn cốt. Bắt đầu từ những sự rạn nứt đạo đức và tâm lý từ sau chiến tranh, những biểu hiện phi văn hóa hay thậm chí phản văn hóa ở ngay trong lòng Hà Nội đã được nhân lên khi Hà Nội từ thời bao cấp khốn khó bước thẳng vào kinh tế thị trường, một mô hình kinh tế thị trường ở tầm thấp. Phải bình tĩnh quan sát trong nhiều năm mới thấy sự xuống cấp văn hóa không chỉ có ở những năm gần đây, mà có từ khá lâu rồi. Nhưng trong những năm gần đây nó mới có điều kiện bộc lộ một cách manh động. Đừng trách người dân, bởi người dân luôn phải thích ứng với những điều kiện sống, với môi trường xã hội. Không ai thích đưa phong bì, nhưng rồi cứ phải đưa. Chẳng ai muốn chạy chọt việc này việc kia, nhưng rồi bắt buộc phải chạy. Nhiều khi giao thông trên đường, không phải ai cũng muốn chen lấn hay gây gổ, nhưng khi hầu hết đều chen lấn, thì mình biết làm sao? Và đang không tự nhiên có người gây gổ với mình, lúc ấy thật khó để kiềm chế, nếu mình không có một nền tảng vững vàng của văn hóa và hiểu biết. Cứ thế, những phản ứng tiêu cực dây chuyền dắt díu nhau đã kéo ngày càng nhiều người vào một ma trận mà ở đó văn hóa không còn chỗ đứng, mà sự tử tế bị coi là ngớ ngẩn hay lạc hậu, mà sự khôn vặt theo kiểu “lanh mưu” lên ngôi.

Sự phân biệt, hố sâu ngăn cách giàu nghèo cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người Hà Nội bây giờ không còn sự an tĩnh tự tại – một giá trị tinh thần từ bao đời của “kẻ sĩ Bắc hà” để có thể ứng xử với tầm văn hóa cao như xưa “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tôi còn nhớ, vào năm 1983, thời cao điểm khốn khó của chế độ bao cấp, khi ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn lần thứ 3, xúc động trước tình cảm bạn bè anh em, lâng lâng với một Hà Nội tôi đã phải cách xa tới 6 năm giờ gặp lại, tôi đã viết bài thơ khá dài “Hà Nội nhìn từ phía tôi”. Có một đoạn thơ trong bài thơ ấy như thế này:

"Sáu lần mở mắt ngạc nhiên
Hà Nội trong cặp lồng cơm ít ỏi của em
Hà Nội trong bàn tay phồng rộp đen điu vì nắm than của bạn
Hà Nội trong chuyến tàu điện thở rít lên
Hà Nội trong tách cà phê pha nghiêm túc
Hà Nội phiêu du qua trang sách dưới đèn mờ giờ mở tivi
Hà Nội của những thi sĩ cuồng thơ của những người yêu thơ thầm lặng”

Xin nhắc lại một chút: Hồi ấy điện Hà Nội rất yếu, Vậy mà người Hà Nội vẫn say mê đọc sách dưới ánh sáng đèn tù mù ấy. Và dù mỗi bữa đi làm người Hà Nội mang theo cặp lồng cơm tằn tiện của mình, nhưng các quán cà phê vẫn pha những tách cà phê “nghiêm túc”, uống vào là biết ngay.

Văn hóa Hà Nội là ở đó, chứ đâu xa!

Thanh Thảo

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...