Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020)

Vận dụng những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

07:05 | 26/08/2020

1,624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Theo thỏa thuận của các nước đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng.

Ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngay sau khi phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Với tinh thần đó, từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền, với ba nguyên tắc là: Tập trung, thống nhất, kịp thời.

van dung nhung bai hoc kinh nghiem cua cach mang thang tam vao su nghiep doi moi xay dung va bao ve to quoc

23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân Tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng hai tuần cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Thắng lợi đó, còn do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân, không chịu sống kiếp nô lệ, một lòng theo Đảng và được Đảng lãnh đạo quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Đồng thời, được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định; chủ nghĩa phát xít bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển mạnh.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xu thế của thời đại.

Cách mạng Tháng Tám thành công còn là động lực cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đánh đổ chủ nghĩa thực dân, phong kiến, xây dựng xã hội mới bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời khẳng định rằng, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến, lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa lâu, đất nước ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vững tay chèo lái con thuyền cách mạng, lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai với phương châm vừa kiến quốc vừa kháng chiến, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đây cũng là cơ sở sức mạnh để nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trải qua 21 năm (1954-1975) chiến đấu anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, nhân dân ta lần lượt đối phó với các chiến lược chiến tranh tàn bạo, xảo quyệt của kẻ thù và đã giành thắng lợi vẻ vang, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

van dung nhung bai hoc kinh nghiem cua cach mang thang tam vao su nghiep doi moi xay dung va bao ve to quoc

Đất nước thu về một mối, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; chính trị, xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Các quan hệ đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, không khí dân chủ xã hội được phát huy, văn hóa xã hội phát triển. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình; đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một sự nghiệp thật sự sáng tạo của nhân dân ta; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị của Cách mạng Tháng Tám. Nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong vận dụng, phát triển những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc