Vẫn còn một Đà Lạt bình yên

07:42 | 18/03/2021

844 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều người than phiền rằng, đô thị hóa đang phá nát thành phố sương mù, làm mất đi vẻ mộng mơ vốn có của nó. Có thể ở đâu đó như vậy thật, nhưng từ sâu thẳm bên trong, Đà Lạt vẫn là nơi bình yên vô cùng, đẹp vô cùng.
Vẫn còn một Đà Lạt bình yên
“Con đường Hàn Quốc” mùa hoa bơ nở rộ

Lang thang quanh Đà Lạt mùa này, du khách dễ say lòng với hoa bơ. Hoa bơ năm nay nở muộn hơn nhưng lại đẹp hơn so với năm ngoái. Sắc vàng nhẹ nhàng trong ánh nắng khiến loài hoa của dòng cây ăn trái được phái đẹp rất ưa chuộng trở nên quyến rũ lạ thường. Phải nói rằng, năm nay, thiên nhiên khéo sắp đặt khi mai anh đào vừa mãn khai, hoa bơ lại rộn ràng khoe sắc.

Ở Đà Lạt, Lâm Đồng có vô số vườn bơ. Nhưng đẹp nhất, quyến rũ nhất có lẽ chỉ có ở Mộc Trà Farm (Trường An, Xuân Trường, Đà Lạt) bởi duy nhất nơi đây hoa bơ kết hợp với một lối đi được thiết kế bằng gỗ trên cao giữa lưng chừng đồi tạo thành “con đường Hàn Quốc” đặc sắc. Bây giờ, hoa bơ đang nở khắp con đường tạo thành một khung cảnh vô cùng lãng mạn, không khác gì những con đường trong phim tình cảm xứ Hàn.

“Con đường Hàn Quốc” quá nổi tiếng rồi. Nhưng cô chủ của con đường ấy, chị Võ Thị Thanh Phương, còn một sản phẩm khác độc đáo: Hồng treo gió mang tên Mộc Trà Farm. Có người gọi chị là “Nữ hoàng hồng treo gió”. Thế nhưng, có một điều lạ là khi đến Mộc Trà Farm, du khách không thấy bất kỳ bảng hiệu nào liên quan đến trái hồng treo gió dù quy mô canh tác vườn hồng trái lên đến gần 10 ha. Chị Phương nói, chị thích làm mọi thứ một cách yên bình, lặng lẽ, không ồn ào, khoa trương. Với chị, “bán niềm tin chứ không bán sản phẩm” nên không cần quảng cáo.

Vẫn còn một Đà Lạt bình yên
Chị Võ Thị Thanh Phương với sản phầm hồng treo gió Mộc Trà Farm

Chị Phương kể, gia đình chị có vườn hồng bán trái tươi, nhưng khoảng 5-7 năm gần đây, năm nào chị cũng chứng kiến hồng trái bị rớt giá thê thảm phải bỏ đi. Trái chín rụng đầy vườn vì hái mà không bán được hoặc bán giá quá thấp thì lỗ vốn. Bao lần chị nhìn vườn hồng của gia đình mà xót xa, trăn trở. Từ đó, chị bắt đầu tìm hiểu về công nghệ làm hồng treo gió.

Nói về công nghệ làm hồng treo gió thì Nhật Bản, Hàn Quốc là số 1. Chị Phương tự mày mò tham khảo các tài liệu của họ về cách làm hồng treo gió hoàn toàn bằng thủ công, không dùng máy móc, không dùng bất cứ hóa chất nào. Bởi với chị, làm hồng treo gió không chỉ để thương mại mà tất cả là vì tình yêu với trái hồng. Nên sản phẩm phải tuyệt đối sạch và đẹp nhất. Chị làm và... thất bại. Nguyên nhân là vì đặc tính trái hồng của Đà Lạt khác với hồng ở Nhật Bản, trái nhỏ nhưng nhiều nước, cộng với khí hậu ẩm, mưa nhiều nên hồng treo lên bị mốc, hư, phải bỏ đi. Sau nhiều lần thất bại, chị thử dùng quạt hút ẩm và... thành công. Dù làm hồng treo gió hoàn toàn thủ công năng suất thấp hơn nhiều so với cách làm công nghiệp nhưng bù lại sẽ cho ra những mẻ hồng treo gió ngon nhất. Trái hồng màu tươi thắm tự nhiên, dẻo ngọt từ ngoài vào trong, thơm và vẫn giữ được hương vị của hồng tươi, trong đó, đặc biệt nhất là loại hồng treo gió không hạt.

Nghề làm hồng treo gió bây giờ rất phổ biến ở Đà Lạt nhưng chưa thấy ai yêu trái hồng như chị Phương. Chị gọi đó là “những đứa con” bởi mỗi trái hồng cầm trên tay đều có công sức, tâm huyết và tình yêu của chị trong đó. Đặc biệt là khâu lựa chọn để đóng gói thành phẩm thì chị tự mình làm mà không giao cho ai chỉ vì muốn bảo đảm từng trái hồng chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Và, khi bán hàng, nếu vì vấn đề gì đó trong lúc giao, hàng đến nơi bị hư hỏng dù ít thì chị cũng đều nhận lại và đổi phần khác cho khách. “Tôi chịu thiệt về mình chứ nhất quyết không để những đứa con của mình bị vứt lăn lóc ngoài đường”, chị Phương nói.

Vẫn còn một Đà Lạt bình yên

Hiện tại lượng hồng treo gió của chị Phương tại Đà Lạt khoảng 3-4 tấn hồng khô mỗi năm, để được như vậy phải cần đến 20-30 tấn hồng tươi. Sản phẩm hồng treo gió của chị Phương làm ra vẫn không đủ giao hằng ngày. Chị không bán theo kiểu ôm lô quá nhiều vì sợ người ta trữ hàng rồi giao hàng cũ, chị luôn ưu tiên cho khách lẻ với mong muốn hương vị trái hồng treo gió của Mộc Trà Farm đến tay người dùng vẫn ngon nhất.

Tôi hỏi: “Sao chị không PR để nhiều người biết đến sản phẩm, thương hiệu của mình?”. Chị Phương cười và bảo: “Không cần thiết bởi tôi muốn sản phẩm được lan tỏa từ những giá trị thật chứ không qua những lời có cánh”. Và hơn hết, chị hạnh phúc khi làm việc mình yêu thích chứ không mong cầu danh tiếng hay giàu có trên thương trường. Với chị, bình yên là đủ!

Vẫn còn một Đà Lạt bình yên
Vẫn còn một Đà Lạt bình yên

Tôi có quen vài người làm nghề trồng hoa ở quanh Đà Lạt. Nhiều lần lên đây, tôi đều ghé trò chuyện với họ. Ở họ có một đặc điểm chung lớn nhất đó là rất yêu nghề, họ đều làm việc cần mẫn và lặng lẽ. Cũng giống như chị Phương, sản phẩm hoa của họ được đánh giá đẹp hơn cả nước ngoài. Tất cả họ đều là người làm vườn chân chất, bình yên nhất.

Phải chăng, khi tâm hồn người ta đủ tĩnh lặng, khi có đủ tình yêu và cái tâm với công việc thì người ta sẽ tạo ra những sản phẩm giá trị nhất? Chị Phương hay một số người tôi quen biết ở Đà Lạt đã khẳng định điều đó. Họ cũng cho thấy rằng, có thể đâu đó trong thành phố sương mù đang bị đô thị hóa làm mất đi vẻ mộng mơ nhưng từ sâu thẳm bên trong, Đà Lạt vẫn là nơi bình yên vô cùng, đẹp vô cùng.

Dù làm hồng treo gió hoàn toàn thủ công năng suất thấp hơn nhiều so với cách làm công nghiệp nhưng bù lại sẽ cho ra những mẻ hồng treo gió ngon nhất. Trái hồng màu tươi thắm tự nhiên, dẻo ngọt từ ngoài vào trong, thơm và vẫn giữ được hương vị của hồng tươi, trong đó, đặc biệt nhất là loại hồng treo gió không hạt.

H.Lâm