Vẫn còn dư địa để hạ lãi suất?

15:59 | 14/07/2020

288 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất ngân hàng trong thời gian tới không những không có áp lực để tăng mà còn có áp lực giảm để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 7/2020, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã giảm tới 2 lần, với mức giảm trung bình 0,5-1%/năm.

Cụ thể, từ ngày 9/7, Techcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 0,25%/năm. Mức lãi suất mới áp dụng là 3%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và kỳ hạn 2 tháng là 3,1%. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng áp dụng mức lãi suất 3,2%/năm. Với các kỳ hạn trung và dài hạn ngân hàng này áp dụng mức lãi suất dao động từ 4,8% tới 5,7%/năm.

van con du dia de ha lai suat
Trong thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ 1-1,5% ở cả đầu huy động và cho vay?

Trước đó, Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đều có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm kể từ tháng 6. Agribank điều chỉnh giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn trong khoảng 0,1-0,45%/năm. Biểu lãi suất tiết kiệm ngân hàng Agribank nằm trong khoảng từ 4% đến 6,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Ngân hàng Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 đến 0,45% so với tháng 5/2020. Chẳng hạn, kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Từ 6 tháng trở lên đến 9 tháng giảm về mức 4,9%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm.

Còn tại Vietcombank, điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng, còn 4,25%/năm, giảm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4%/năm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn khác giữ nguyên.

Tương tự, BIDV chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 9 tháng ở mức 5,1%/năm, các kỳ hạn còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm so với tháng trước.

Nói về nguyên nhân và dự báo xu hướng lãi suất thời gian tới, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng có quá nhiều dư địa để giảm lãi suất. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, lãi suất ngân hàng trong thời gian tới không những không có áp lực để tăng mà còn có áp lực giảm để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục giảm 1-1,5% ở cả đầu huy động và cho vay.

Về khả năng lãi suất ngân hàng có tiếp tục giảm trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, mới đây cũng đã đưa ra nhận định, mức lãi suất cho vay thương mại, thậm chí lãi suất cho vay ưu đãi đối với một số đối tượng của các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng hiện nay còn cao so với tỷ suất lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp và so với lãi suất cho vay ở một số nước trong khu vực. Nhưng để hạ được lãi suất cho vay thì không chỉ thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như vấn đề ổn định vĩ mô, tỷ lệ lạm phát, lãi suất huy động vốn của nền kinh tế, tỷ giá hối đoái, niềm tin của người dân…

“Trong bối cảnh hiện nay, tình hình vĩ mô khá ổn định, lạm phát được kiểm soát, niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo điều hành nền kinh tế của Chính phủ cao, trong khi sức cầu của nền kinh tế rất yếu, các ngân hàng thương mại có tiền nhưng cũng khó cho vay… Tôi cho rằng đây vừa là tiền đề, vừa là cơ hội để NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trên thị trường mở) để hỗ trợ các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay” - PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cho hay.

P.V

van con du dia de ha lai suatVietinBank giảm tiếp lãi suất từ 0,2 - 0,5%/năm các gói tín dụng ưu đãi
van con du dia de ha lai suatCác ngân hàng Mỹ đang “bơi trong tiền” giữa Covid-19
van con du dia de ha lai suatHỗ trợ khách hàng vượt qua hạn mặn với gói vay vốn lãi suất thấp chỉ từ 7,3%/năm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps