USD tiếp tục đà tăng giá sau cuộc họp của Fed
![]() |
Ảnh minh họa. |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/3/2016, chỉ số ICE Dollar ICE, theo dõi sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,4% lên 96,044 điểm, cao nhất kể từ ngày 16/3/2016. Tương tự, chỉ số WSJ Dollar, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,6% lên 87,80 điểm, ghi nhận ngày tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể là, euro giảm nhẹ xuống 1,1175 USD, sau khi đạt mức giá cao nhất 1,1342 USD trong tuần lễ trước đó (từ ngày 14-18/3); bảng Anh giảm xuống 1,4109 USD do lo ngại các cuộc tấn công khủng bố tại thủ đô Brussels có thể gây áp lực lên nền kinh tế châu Âu và làm tăng khả năng Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU).
Riêng đà tăng của USD so với yên Nhật đã ổn định trở lại sau một tuần tăng giá do thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm và các nhà đầu tư tìm kiếm đồng tiền trú ẩn an toàn hơn. USD cũng tăng so với nhiều đồng tiền mới nổi do giá dầu và giá kim loại đồng loạt giảm. Theo đó, USD tăng 2,7% so với real Brazil lên 3,6782 BRL và tăng 1,5% so với peso Mexico lên 17,5924 MXN.
Trên thị trường chứng khoán phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,45% xuống 17.502,59 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,64% xuống 2.036,71 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq composite giảm tới 1,1% xuống 4.768,86 điểm.
USD tăng giá cũng đẩy giá cả nhiều mặt hàng giảm sâu, từ dầu thô đến vàng, đồng, v.v. Do lượng dầu lưu kho tại Mỹ tăng gấp 3 lần so với tuần trước, dầu ngọt WTI giảm 22 cent xuống 39,57 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 12 cent xuống 40,35 USD/thùng. Giá vàng giao ngay giảm 2,25% xuống 1.219,97 USD/oz, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua; giá vàng giao sau có lúc giảm tới 2% xuống 1.224 USD/oz, trước khi đóng cửa tại mức giá 1.220,50 USD/oz.
Trên thực tế, đà tăng của USD bắt đầu từ ngày 16/3/2016, sau cuộc họp của các quan chức Fed. Tại cuộc họp này, các quan chức Fed nhận định, các hoạt động kinh tế đã có dấu hiệu tích cực mặc dù kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Trong đó, chi tiêu của các hộ gia đình tăng nhẹ, thị trường nhà ở tiếp tục cải thiện, riêng đầu tư vào tài sản cố định và xuất khẩu ròng giảm nhẹ. Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy, thị trường lao động đã cải thiện, lạm phát tiếp tục tăng, mặc dù vẫn thấp hơn mục tiêu tăng 2% trong dài hạn. Nguyên nhân khiến lạm phát tăng thấp một phần là do giá năng lượng và giá hàng hóa nhập khẩu phi năng lượng giảm.
Với nhận định trên đây, chủ trương của Fed là tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ thị trường lao động và ổn định giá cả. Các quan chức Fed kỳ vọng, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhẹ, các chỉ số trên thị trường lao động tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, lạm phát tại Mỹ sẽ tăng chậm trong ngắn hạn, nhưng sẽ tăng lên 2% trong giai đoạn trung hạn do tác động trễ của giá dầu và các loại hàng hóa giảm bắt đầu phát huy tác dụng. Mặc dù vậy, Fed sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát và có biện pháp chính sách thích hợp.
Động thái quá thận trọng của Fed đôi khi bị các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư chỉ trích, nhưng được thị trường thừa nhận là bước đi phù hợp trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro như kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng chậm, nhu cầu chi tiêu và đầu tư yếu ớt, bất ổn địa chính trị tiếp tục bùng phát. Vì thế, mặc dù một số quan chức Fed bình luận về khả năng Fed có thể sẽ tăng lãi suất ngay trong năm nay, nhưng lãi suất có tăng hay không còn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế cụ thể.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới èo uột, GDP tại hầu hết các nền kinh tế lớn khác đều giảm tốc, diễn biến tại nền kinh tế Mỹ vẫn là thước đo cơ bản để các nhà đầu tư sử dụng khi đưa ra các quyết định định đầu tư và kinh doanh tiền tệ.
Xuân Thanh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025