Ứng xử với di sản văn hóa thời 4.0

09:00 | 10/02/2019

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sự biến đổi văn hóa diễn ra như một quy luật tất yếu đã đồng thời vừa mang lại những nét tích cực cho con người hướng đến một xã hội văn minh, nếp sống văn minh, vừa làm nảy sinh các nguy cơ xâm hại, xóa bỏ hoặc làm biến thái di sản văn hóa, giá trị của di sản văn hóa.

Về cơ bản, Việt Nam đang là quốc gia mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nghề nghiệp cư dân chủ yếu là thuần nông. Văn hóa Việt Nam chủ yếu vẫn giữ được cốt cách của văn hóa làng, quan hệ cộng đồng trên cơ sở của dòng họ và cùng chung nếp sống, sinh hoạt văn hóa truyền thống.

ung xu voi di san van hoa thoi 40
Sự biến đổi văn hóa diễn ra như một quy luật tất yếu đã đồng thời vừa mang lại những nét tích cực cho con người hướng đến một xã hội văn minh, nếp sống văn minh

Chính vì vậy, với sự hiện diện của công nghệ hiện đại, đa số người dân vẫn còn “bỡ ngỡ”, bởi trình độ dân trí vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực các dân tộc thiểu số. Mọi cung cách quản lý các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể do các thế hệ sáng tạo, truyền lưu qua các đời, chủ yếu vẫn theo nếp truyền thống.

Với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở hầu khắp các địa phương, những năm gần đây, sự biểu hiện của quá trình phân hóa xã hội càng ngày càng sâu sắc. Cũng vì thế, người dân của hầu hết các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc anh em đều trực diện với sự biến đổi về môi trường sinh thái cũng như môi trường văn hóa. Sự tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, hiện đại hóa ở các làng quê ngày càng hiện diện một cách sâu rộng. Tư duy mang tính “tiểu nông” của người dân chưa bắt kịp được với tư duy nếp sống hiện đại, phi nông nghiệp, với công nghệ và tri thức hiện đại.

ung xu voi di san van hoa thoi 40

Từng bước tiến hành mở rộng việc số hóa dữ liệu tại từng di tích lịch sử văn hóa

Do vậy, sự biến đổi văn hóa đã và đang diễn ra sâu rộng ở Việt Nam vốn xuất phát từ nguyên nhân của sự hiện diện những phát minh kỹ thuật, sự phát triển doanh nghiệp, sự quan tâm chủ yếu đến xây dựng môi trường vật chất, từ đó dẫn đến những thách thức cho cộng đồng trước nhu cầu kiểm soát điều kiện xã hội và văn hóa tinh thần, trước sức mạnh của phát triển kinh tế so lệch giữa các thành phần trong xã hội hiện tại, trước sự du nhập của văn hóa ngoại sinh và quá trình giao lưu hội nhập đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Một thách thức đã và đang hiện diện trong thực tiễn của ngành văn hóa cần được nhận diện, đó là trình độ am hiểu lý luận và thực tiễn của nguồn nhân lực quản lý văn hóa các cấp khi tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

2. Cho đến thời điểm hiện tại, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hầu như các bài báo khoa học, ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cùng đội ngũ các nhà hoạt động khoa học, hoạt động xã hội chủ yếu tập trung nghiên cứu, bàn luận về cuộc CMCN 4.0 từ góc nhìn của hoạt động sản xuất, thương mại, giao thông, dệt may, y tế, giáo dục và các lĩnh vực thuộc khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên nói chung. Dường như còn quá khan hiếm những bài báo khoa học quan tâm đến phạm vi khoa học xã hội - nhân văn, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

ung xu voi di san van hoa thoi 40

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên

Có thể nói, hiện tại, dường như các hệ thống văn bản liên quan đến cơ sở pháp lý (Luật Di sản văn hóa), chính sách (Chiến lược phát triển văn hóa, các nghị định, thông tư…) về phạm vi hoạt động văn hóa đã ban hành, hầu như chưa thể hiện được xu hướng tiếp cận, ứng dụng CMCN 4.0, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0” trong năm vừa qua, trong đó đã đề ra hệ thống giải pháp như phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới…

Một thách thức đã và đang hiện diện trong thực tiễn của ngành văn hóa cần được nhận diện, đó là trình độ am hiểu lý luận và thực tiễn của nguồn nhân lực quản lý văn hóa các cấp khi tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

ung xu voi di san van hoa thoi 40

Thực tiễn cho thấy, trong số nguồn nhân lực trực tiếp tham gia công tác quản lý văn hóa các cấp, ngoài số lượng lớn được đào tạo từ môi trường đào tạo chuyên ngành văn hóa theo phương thức đào tạo cũ, còn lại là nguồn đến từ các vị trí công tác và ngành nghề chuyên môn khác (khoa học tự nhiên, kinh tế, công tác xã hội…). Chính vì thế, trong hoạt động thực tiễn, sự nhận thức cũng như hoạt động quản lý của đội ngũ quản lý văn hóa luôn có sự so lệch nhau, thiếu đi sự am hiểu về đối tượng quản lý, nhiều khi mang lại hiệu quả kém thuyết phục trong quá trình điều hành, chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động sinh hoạt văn hóa trong môi trường văn hóa - xã hội nói chung và tại các không gian hiện tồn di sản nói riêng của các dân tộc trên phạm vi cả nước.

Cũng chính vì thế, cho đến thời điểm hiện tại, nguồn nhân lực tham gia quản lý văn hóa cũng như hoạt động văn hóa gần như chưa được tiếp nhận, bồi dưỡng, tập huấn một cách có hệ thống những tri thức về cuộc CMCN 4.0 là gì, ngành văn hóa cần những gì, thu nhận được gì và chuẩn bị cho năng lực tiếp cận thành tựu của cuộc cách mạng mới lạ này ra sao, nhằm ứng dụng cụ thể vào vị trí công tác theo yêu cầu phát triển của xã hội, hiện tại và lâu dài?

ung xu voi di san van hoa thoi 40

CMCN 4.0 sẽ tác động tới các làng nghề

3.Những năm trở lại đây, quá trình thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở các địa phương cho dù đã đạt được những thành tựu nhất định và đang đứng trước thời cơ mới, hứa hẹn mang lại nhiều năng lượng cho sự phát triển và hội nhập, nhưng cũng đã và đang lộ rõ không ít nguy cơ đối với “vận mệnh” của sự hiện tồn di sản văn hóa nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã gắn liền với sự xuất hiện của hàng trăm đô thị, thị tứ, tạo ra các khu vực phi nông nghiệp ngày càng nhiều. Thực tế đó cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đã trở thành nguyên nhân dẫn đến nguy cơ biến đổi văn hóa sâu sắc ở hầu khắp các địa phương. Sự xâm lấn không gian văn hóa - nơi tồn tại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang hiện hữu. Hàng loạt di tích lịch sử văn hóa bị xóa bỏ hoặc thu hẹp về không gian, biến thái về thực hành di sản, nhường chỗ cho phát triển doanh nghiệp và dịch vụ kinh tế.

Thực trạng đó cũng đồng thời tác động xấu đến quá trình bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vốn đã được sáng tạo, bảo vệ và trao truyền từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Cần từng bước tiến hành mở rộng việc số hóa dữ liệu tại từng di tích lịch sử văn hóa, tăng cường quảng bá giá trị di sản trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, thử nghiệm robot ứng dụng vào thuyết minh di sản, quản lý không gian văn hóa.

Chính vì thế, các chuẩn mực về lối sống, nhân cách, đạo đức của một bộ phận lớn trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, đã bị phá vỡ hoặc biến cải, góp phần ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh hoạt xã hội - nhân văn.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ với những phương tiện khoa học truyền thông hiện đại, thế hệ trẻ tại hầu khắp các làng quê đã và đang có cơ hội tiếp nhận tri thức khoa học tiên tiến, nâng cao trình độ và ứng dụng vào thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng vật chất, tinh thần của cá nhân.

Tuy nhiên, mặt trái của thực trạng xã hội đó đã hiện rõ nguy cơ một bộ phận lớn trong giới trẻ có tâm lý xa rời nguồn di sản quý báu của ông cha, lãnh đạm hoặc không quan tâm đến kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của chính quê hương mình, tâm trí và niềm hứng khởi, say mê dành chỗ cho các nhu cầu tiếp nhận văn hóa hiện đại, đặc biệt là các nguồn văn hóa ngoại sinh mới được trực tiếp du nhập hoặc thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Hàng loạt các hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian, các nghi lễ cùng nguồn tri thức dân gian bản địa đã bị giới trẻ xao nhãng, không quan tâm thực hành hoặc tiếp nhận. Sự gắn bó giữa giới trẻ với các phương tiện công nghệ hiện đại đã lấn át mối quan tâm đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng, quan hệ và giao lưu với cộng đồng, tạo cơ sở cho sự trỗi dậy của thói ích kỷ, cá nhân và thói quen vô cảm với xã hội.

Sự phát triển công nghiệp và hiện đại hóa lực lượng sản xuất hiện tại và dự báo sự lan tỏa của cuộc CMCN 4.0 với những phương tiện tự động hóa, lập trình sản xuất… sẽ ảnh hưởng đến sự “sinh tồn” của hàng nghìn làng nghề thủ công, nơi cung cấp nguồn hàng đáp ứng nhu cầu xã hội hàng trăm năm qua ở các địa phương. Với sự phát triển trong lĩnh vực dệt may, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều dân tộc thiểu số đã và đang mất dần trang phục dân tộc mình, sản phẩm vốn được tự cung, tự cấp trong nội tại tộc người, góp phần tác động xấu đến quá trình bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng không ít đến nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Hoạt động văn hóa và bảo vệ di sản văn hóa tộc người, dường như đã và đang được đẩy vào môi trường “xã hội hóa”, khoán cho cộng đồng “tự thân vận động” để duy trì và bảo vệ sức sống của di sản. Nhiều dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc biến mất của di tích tín ngưỡng, nhà truyền thống và tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Với điều kiện kinh tế eo hẹp, thậm chí nghèo nàn, cộng đồng không ít tộc người không đủ điều kiện kinh tế để tôn tạo di tích, mở các lớp dạy chữ, dạy tiếng dân tộc mình. Các thế hệ trẻ mới sinh ra từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây phần nhiều thông thạo tiếng phổ thông và một bộ phận không nhỏ rất ít hoặc không giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, từ đó xa rời với truyền thống văn hóa, dẫn đến những nguy cơ xuất hiện các hành vi đi ngược với giá trị văn hóa truyền thống cũng như tiếp nhận những tiêu cực trong xã hội đương đại.

4.

Soi vào môi trường quản lý, hoạt động văn hóa nói chung và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người nói riêng, để nhận diện một số nguy cơ đã và đang hiện hữu, có xu hướng tác động xấu đến đời sống văn hóa trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, chúng tôi bước đầu có một số nhận thức về hướng tiếp cận CMCN 4.0 từ giác độ hiện tồn của văn hóa dân tộc như sau:

Một là, triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0”, trên cơ sở đề xuất, thực hiện các đề án nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá chính xác tác động của CMCN 4.0 đến ngành văn hóa nói chung và các phạm vi phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo vệ di sản, phát triển du lịch nói riêng, từ đó xây dựng các căn cứ khoa học và thực tiễn, hướng đến giải quyết nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển tổng thể quốc gia về lĩnh vực văn hóa với mục tiêu hợp lý, hiệu quả cùng nguồn lực tương ứng.

Hai là, chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, khẩn trương biên soạn tài liệu phục vụ cho các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và tri thức cho nguồn nhân lực quản lý văn hóa các cấp và mở rộng đến nhận thức của cộng đồng - chủ thể văn hóa và nguồn lực trực tiếp thực hành văn hóa, trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa xã hội đương đại.

Ba là, song hành từng bước mở rộng quan hệ hội nhập quốc tế, triển khai nghiên cứu và học tập, kế thừa kinh nghiệm của quốc tế về ứng xử với văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng trong môi trường CMCN 4.0, trong đó ưu tiên quan tâm nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ các nước có đặc điểm văn hóa tương đồng với Việt Nam; có những tổng kết trong nước về tác động, ảnh hưởng của quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với văn hóa nói chung và di sản văn hóa các dân tộc nói riêng những năm qua, trên cơ sở chắt lọc thành tựu nghiên cứu của hàng trăm công trình, luận văn, luận án đã công bố và bảo vệ ở trong nước những năm gần đây.

Bốn là, luôn đặt ngành văn hóa trong bối cảnh quan hệ hợp tác đa dạng, sâu rộng với các ngành khoa học khác nhau, ưu tiên quan hệ với lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo ra cơ sở cho sự hỗ trợ và giúp sức cho ngành văn hóa đủ năng lực, chủ động trong quản lý và tổ chức hoạt động thực tiễn văn hóa, góp phần vào mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, khoa học, hiện đại và bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại, hiện tại và lâu dài.

Năm là, triển khai thử nghiệm việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình quản lý văn hóa. Cần từng bước tiến hành mở rộng việc số hóa dữ liệu tại từng di tích lịch sử văn hóa, tăng cường quảng bá giá trị di sản trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, thử nghiệm robot ứng dụng vào thuyết minh di sản, quản lý không gian văn hóa… theo quy định của pháp luật hiện hành.

GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam