Tỷ phú… không nhà

10:11 | 09/11/2017

4,691 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi biết Đặng Thọ Dũng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy Dũng chừng 17, 18 tuổi chi đó, nổi tiếng nghịch. Giờ gặp lại đã là một cán bộ Dầu khí năng nổ, một nhà thiện nguyện giàu lòng nhân ái…

Thủ lĩnh từ tuổi… trẻ trâu

Đại tá nhà báo quân đội, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Thọ Truật, là chú ruột Đặng Thọ Dũng kể với tôi rằng, ngay từ hồi còn “quần đùi, áo cộc” làm bạn với lưng trâu, Đặng Thọ Dũng đã sớm bộc lộ vai trò “thủ lĩnh”.

Lũ trẻ trâu ở quê, đứa ít tuổi hay nhiều tuổi hơn đều “một phép” trước Dũng. Ông bảo “thằng này thuộc dạng rạch giời rơi xuống”. Mục đồng vốn có tiếng là nghịch như “quỷ sứ”, nhưng so với Dũng thì còn “thua xa”. Chỉ cắt đuôi trâu cắm vào đất nứt là hắn chưa làm, còn lại tất tần tật hắn “mần tuốt”.

ty phu khong nha
Các em học sinh được nhận học bổng từ Quỹ Ước mơ nhỏ tháng 9-2017

Nghịch, nhưng học cũng vào loại “siêu”. Toán, Văn, Lịch sử… môn nào cũng giỏi. Hắn “mần” thầy phụ đạo cho lũ trẻ trâu học hành “amato”, thế mà nhiều đứa sau này thành chủ doanh nghiệp có tiếng vượt “biên giới” Nghệ An ra các tỉnh lân cận.

Tiếng là “rạch giời rơi xuống”, nhưng những trò nghịch ngợm của hắn chẳng qua cũng vì lũ bạn nghèo. Ngay cả khi hắn đang đói meo thì cũng nghĩ ra cách kiếm cho bạn củ khoai, củ sắn. Đứa ốm yếu, gầy còm, hắn tìm cách kiếm cho bát cơm, bát cháo.

Nhà Dũng không phải dư dả gì, cũng bữa cơm, bữa khoai, nhưng so với mặt bằng chung của thôn xóm thời ấy, như vậy là thuộc diện “no đủ”. Thế mới có chuyện hắn vét sạch nồi cơm của cả nhà mang cho lũ trẻ trâu. Đến bữa, mâm bát dọn ra, nhưng khi mang nồi cơm lên thì cả nhà… chưng hửng. Mặt hắn tỉnh bơ, miệng như “kẹo kéo”: Con đói quá, nên ăn hết rồi. Nói rồi hắn vạch cho cả nhà xem cái bụng căng tròn như quả bí.

Chuyện chỉ “lộ” ra sau đó chừng một tiếng đồng hồ, hắn quên béng chuyện trộm cơm cho bạn. Thấy bà nội lụi hụi dưới bếp, hắn “van” đói như sắp chết đến nơi. Khi bị bà nội truy cái bụng tròn, hắn phải thú nhận, do hắn “nín hơi” để bụng căng ra cho mọi người tin.

Tỷ phú… không nhà

Đại tá Truật kể: Dũng bây giờ là “ông chủ” của Quỹ Ước mơ nhỏ, 9 năm qua đã chi nhiều tỉ đồng, giúp được nhiều mảnh đời bất hạnh có cơ hội được đến trường, nhiều cháu tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Nhưng hắn vẫn là “tỷ phú…không nhà”.

Hỏi, tại sao vậy, ông Truật bảo: Thì vẫn cái tính ấy, có gì trong tay hắn bán hết. Có một thời hắn giàu lắm. Là tay chơi “xe máy”, “đồng hồ” có tiếng. Hắn có cả một bộ sưu tập các loại xe gắn máy, đặc biệt là xe phân khối lớn. Đồng hồ cũng vậy, các nhãn hàng nổi tiếng hắn đều xài qua. Giờ thì hắn bán hết chẳng còn thứ gì, hai cổ tay giờ đây đeo hàng chuỗi dây “xanh xanh, đỏ đỏ”.

Ông kể về cháu mình nhiều chuyện và rút ra một điều: “Thằng này có tâm nhà Phật”. Hắn thương người còn hơn cả thương thân mình. Ông nhớ lại: Khi Dũng lên cấp 3 (trung học phổ thông bây giờ), anh trai ông vì công tác xa, gửi Dũng vào ở với vợ chồng ông tại Sài Gòn. Nhà chật, ông phải xin với Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân phía Nam, lúc ấy ở 63 Lý Tự Trọng cho Dũng ở lại cơ quan.

Ông bảo, những năm cuối thập niên 80, kinh tế còn khó khăn lắm. Phương tiện đi làm, đi công tác là cái xe đạp, thương cháu lóc cóc đi bộ đến trường, ông đã nhường hẳn cái xe đạp của mình cho cháu đi, ai dè được vài tháng không thấy xe đạp đâu nữa. Ông hỏi, hắn tỉnh rụi “cháu làm mất rồi”.

Sự kiện Dũng làm mất xe đạp thời ấy chả khác nào thời nay mất ôtô. Nhiều người nhìn cái đầu đinh và bộ mặt nhơn nhơn của hắn thì lắc đầu cho rằng: Thằng này lại bán xe của chú để ăn chơi rồi. Riêng ông Truật thì không nghĩ như vậy, ông không tra hỏi hắn ngay, chờ cho dư luận lắng xuống. Ông dành hẳn một buổi sáng Chủ nhật tâm sự với cháu.

ty phu khong nha
Ông Cái Trọng Anh Tuấn, Giám đốc PVOIL Thừa Thiên - Huế, nhà tài trợ trao học bổng của Quỹ Ước mơ nhỏ cho các em học sinh

Khi hai chú cháu cùng mở lòng, Dũng mới thú thật là mang cái xe của chú cho bạn. Hắn nói với chú: Cháu không cho nó cái xe ấy thì bố nó đánh nó chết, đời nó coi như là bỏ. Chả là bạn học cùng lớp với Dũng không may làm mất cái xe. Nó sợ đến nỗi không dám về, định bỏ nhà đi “bụi”. Thương bạn, Dũng đã làm như vậy và giao kèo “tao cho mày cái xe, nhưng mày phải hứa với tao là không được bỏ học, phải học cho giỏi”. Ông Truật hỏi cháu: “Vậy cháu không sợ chú đánh sao!”. Mặt tỉnh queo “Sợ chứ chú, nhưng cháu nghĩ cháu sẽ chịu được, mà chú có đánh, chắc cũng không đánh đau”.

Ông bảo: Tính nó là như vậy, tôi thì không nghĩ nó là đứa “bán trời không văn tự”. Nhưng cứ “bốc” như vậy, nếu suy nghĩ không chín chắn dễ sinh ra làm liều… nhưng cũng may, nó là đứa biết suy nghĩ, biết cách kiếm ra tiền một cách chính đáng. Đồng tiền ấy hắn đều dùng đúng mục đích, phần thì mua sách vở, phần thì giúp cho bạn bè khó khăn…

Khi đang học Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, hắn mày mò thế nào mà gửi hồ sơ sang tận nước Úc, nhận được học bổng 75%, vậy là hắn bỏ cái rẹt trường sư phạm, rẽ sang ngả mới với ngành Dầu khí bây giờ.

Giờ đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên - Huế (PVOIL Thừa Thiên - Huế). Chỉ 4 năm nữa là bước sang tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” mà vẫn còn “lênh đênh” lắm. Ông Truật bảo: Thằng này tình duyên trắc trở, “gà trống” nuôi con, nhưng hiếm có được ông bố nào như Dũng.

Ý tưởng từ một cuộc câu cá

Dũng bảo với tôi rằng, hắn là đứa ham chơi. Thấy người ta câu cá, hắn cũng tấp tểnh đi theo, cũng sắm cần câu “xịn”, không biết câu thì nhờ “chuyên gia”. Do ham, nên hắn trở thành một “cần thủ” có tiếng trong giới câu cá ở thành phố Hồ Chí Minh một thời.

Nướng thời gian rảnh rỗi vào những thú vui như vậy. Đến một ngày sau buổi câu, khi nhìn cảnh câu lạc bộ câu cá trao giải của một cuộc vui, Dũng chợt nghĩ, tại sao mình lại tốn tiền vào những cuộc vui dư dả. Số tiền này nếu được trao cho học sinh nghèo thì tốt biết bao…

Nghĩ là làm, hắn nói với ông Việt Hòa, người vừa là “thầy” dạy hắn câu, vừa là bạn vong niên: “Em sẽ dần chuyển những chi phí cuộc chơi giải trí của mình sang cho các em học sinh nghèo…”. Ông Việt Hòa như không tin ở tai mình, ông thách hắn: “Mày mà làm được gì đó thật vô tư cho học sinh nghèo thì tao tình nguyện đi làm nhân viên giúp việc!”.

ty phu khong nha
Chủ tịch HĐQT PVOIL Thừa Thiên - Huế Đặng Thọ Dũng, người sáng lập và điều hành Quỹ Ước mơ nhỏ

Và ông trở thành chân giúp việc “không lương” cho Dũng thật. Chỉ sau đó không lâu, 3 xuất học bổng đầu tiên được Dũng trao cho học sinh nghèo. Từ một kẻ sống lãng tử, ham vui, ham chơi, hắn “tu” và từ bỏ tất cả. Từ đấy, một già, một trẻ bên nhau, nhiều lúc ông Việt Hòa phải thay hắn để đến những vùng khó khăn ở tận Tây Ninh trao học bổng cho học sinh nghèo.

Không chỉ vậy, ông còn là quản trị trang web uocmonho.com, hằng ngày cập nhật những việc làm thiện nguyện của Quỹ Ước mơ nhỏ. Giờ thì Quỹ Ước mơ nhỏ đi vào hoạt động nền nếp. Ông Việt Hòa nhiều lúc ngồi một mình bên chén trà miên man suy nghĩ, ông không hiểu tại sao một thằng đam mê xe hơi, tennis, câu cá, đồng hồ, xe máy phân khối lớn… cùng một lúc lại “quẳng” ráo những thú chơi ấy vào dĩ vãng.

Sống là cho…

Mới đây tôi cùng Đặng Thọ Dũng và anh Cái Trọng Anh Tuấn, Giám đốc PVOIL Thừa Thiên - Huế, đi trao học bổng cho học sinh nghèo ở Thừa Thiên - Huế.

Dũng đang theo học lớp chính trị tại thành phố Hồ Chí Minh, tranh thủ ngày nghỉ bay ra Huế để làm việc thiện. Trong đợt trao học bổng nhân dịp năm học mới 2017-2018 tại chùa Huyền Không, Quỹ Ước mơ nhỏ đã trao 38 suất học bổng trị giá hơn 50 triệu đồng cho các em học sinh, sinh viên đang theo học tại một số trường học tại Huế.

“…Từ trong sâu thẳm của mình, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc! Bỏ làm sao được khi “sản nghiệp” của tôi và của các nhà thiện nguyện 9 năm qua theo năm tháng cứ lớn dần lên, âm thầm góp phần đóng góp cho xã hội những thành quả. Những em học sinh vào đại học, cao đẳng, trường dạy nghề. Những em mang vốn văn hóa vào cuộc đời. Đó là những sản phẩm ích nước, lợi nhà…” - Đặng Thọ Dũng

Dũng bảo với tôi, sau đợt này, Quỹ Ước mơ nhỏ còn tổ chức nhiều đợt nữa ở khắp các vùng miền trong cả nước. Hắn nói: “Cháu (biết tôi là bạn với chú ruột là Đặng Thọ Truật, nên hắn xưng hô với tôi như vậy) đang bận học, không thể đi hết được, đành phải nhờ anh em và các cộng tác viên chú ạ.Thú thật với chú, cái quỹ này duy trì đến nay đã được 9 năm, cứ năm sau danh sách dài hơn năm trước, mức học bổng cũng phải tăng dần… đều là nhờ anh em bạn bè và các nhà hảo tâm giúp đỡ. Mình cháu thì không xoay sở nổi, có gì cháu bán hết rồi, giờ thì nhờ vào nguồn tài trợ. Cũng may, danh sách các nhà hảo tâm cũng tỷ lệ thuận với danh sách học bổng, nên lúc nào quỹ cũng có tiền để làm việc thiện”.

Cái cách trao học bổng của Quỹ Ước mơ nhỏ cũng khác với các tổ chức thiện nguyện khác. Để đồng tiền giầu ý nghĩa nhân văn này đến đúng địa chỉ, quỹ không “ỉ lại” cho bất cứ tổ chức nào ở các trường học và địa phương, mà các thành viên của ban điều hành quỹ xuống từng gia đình xác minh từng hoàn cảnh.

Bây giờ quỹ mở rộng việc trao học bổng ra nhiều tỉnh thành. Hỏi lấy đâu ra nhân lực để đi xác minh, thì Dũng cho hay: Phần lớn dựa vào các cộng tác viên, cộng tác viên ấy chính là những học sinh, sinh viên được quỹ giúp đỡ lâu nay tìm và giới thiệu cho quỹ những hoàn cảnh khó khăn ở chính địa phương mình.

Với cách làm như vậy, tất cả các học sinh, sinh viên được quỹ trao học bổng đều là “đối tượng” hết sức khó khăn, đáng được giúp đỡ. Việc trao học bổng, hay nói đúng hơn những học sinh, sinh viên được quỹ giúp đỡ kinh phí, không phải trong 1 năm, mà kéo dài nhiều năm cho đến khi tốt nghiệp đại học, hoặc tốt nghiệp trường nghề thì mới thôi. Có nghĩa là, nếu quỹ giúp cho một em từ lớp 1, thì phải kéo dài ít nhất là 16, 17 năm, cho đến khi em đó tốt nghiệp đại học ra trường.

Người ta gọi Dũng là kẻ “bao đồng”, nhưng với ông Việt Hòa và với cả tôi và nhiều người nữa, những việc làm của Đặng Thọ Dũng thật trân quý biết bao. Chính Dũng, “cha đẻ” của Quỹ Ước mơ nhỏ này đã chắp cánh cho nhiều mảnh đời bất hạnh, thực hiện ước mơ lớn của cuộc đời…

Quỹ Ước mơ nhỏ, do ông Đặng Thọ Dũng, Chủ tịch HĐQT PVOIL Thừa Thiên - Huế, sáng lập năm 2008. Mỗi năm, quỹ cấp học bổng cho khoảng 180 học sinh, sinh viên, với số tiền khoảng 600 triệu đồng. Sau 9 năm quỹ đã chi hơn 4 tỉ đồng cho chương trình thiện nguyện này.

Ngoài ra mỗi tháng quỹ tài trợ cho Trung tâm Anh ngữ chùa Huyền Không (Huế) khoảng 20 triệu đồng. Đã có 12 em sinh viên tốt nghiệp đại học. Một số em đang học năm cuối tại các trường Y Dược Huế, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Kinh tế Đà Nẵng, Đại học khoa học Huế.

9 năm qua quỹ đã tổ chức trao học bổng tại 4 khu vực gồm: Khu vực Thừa Thiên - Huế; khu vực tỉnh Quảng Trị; khu vực hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ.

Đặng Trung Hội