Tướng Philippines tiết lộ lý do chưa mua vũ khí Trung Quốc

06:55 | 12/10/2019

730 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines cho biết nước này vẫn đang cân nhắc việc mua vũ khí từ nhiều nước khác nhau, chứ không chỉ riêng Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông vẫn chưa hạ nhiệt.
Tướng Philippines tiết lộ lý do chưa mua vũ khí Trung Quốc
Trung tướng Noel Clement, người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines (Ảnh: EPA)

Trong cuộc gặp với các phóng viên nước ngoài hôm 10/10, Trung tướng Noel Clement, tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, phủ nhận thông tin nói rằng, quân đội Philippines phản đối việc mua vũ khí từ Trung Quốc trong bối cảnh hai nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

“Chúng tôi vẫn chưa quyết định loại thiết bị nào mà chúng tôi thực sự muốn mua từ họ”, ông Clement cho biết.

Khi được hỏi lý do khiến Philippines mất nhiều thời gian để ra quyết định như vậy, trong khi đề xuất mua vũ khí của Trung Quốc đã được đưa ra từ năm 2016, Tướng Clement khẳng định Trung Quốc không phải nước duy nhất mà lực lượng vũ trang Philippines có thể mua vũ khí.

“Chúng tôi phải quyết định loại thiết bị cụ thể, dù là mua từ Trung Quốc hay từ các nước khác cung cấp cùng loại thiết bị như vậy, sao cho phù hợp với yêu cầu của Lực lượng Vũ trang Philippines. Vì vậy, vấn đề không phải là chúng tôi bị ngăn cản mua thiết bị của Trung Quốc, mà là nhóm kỹ thuật của chúng tôi sẽ đề xuất mua gì cho chương trình hiện đại hóa của chúng tôi”, ông Clement nói thêm.

Mặc dù chần chừ trong việc đưa ra quyết định mua vũ khí của Trung Quốc, song Philippines gần đây đã ký một thỏa thuận với Mỹ về việc mua máy bay Gulfstream G280 mới, ước tính khoảng 2 tỷ peso (38 triệu USD), để sử dụng làm chuyên cơ chính thức của tổng thống. Thời gian bàn giao máy bay dự kiến vào năm sau. Mỹ và Philippines là hai đồng minh thân cận và từng ký một hiệp ước phòng vệ chung.

Kịch bản xung đột trên Biển Đông?

Philippines gần đây đã trao công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu tuần duyên Trung Quốc ở khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - khu vực hiện do Philippines chiếm đóng trái phép.

“Có một số thông tin về sự hiện diện không chỉ của các tàu cá, mà còn các tàu dân quân, thậm chí cả tàu tuần duyên Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây. Những gì chúng tôi đang làm là tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải thường kỳ để xác minh và kiểm tra những thông tin này. Sau khi xác định có sự hiện diện (của tàu Trung Quốc) tại các khu vực nghi ngờ, chúng tôi sẽ trình báo cáo lên đội đặc nhiệm phụ trách Biển Đông để đưa ra công hàm phản đối phù hợp”, Tướng Clement cho biết.

Theo ông Clement, các công hàm ngoại giao sẽ “đưa ra bức tranh tổng thể gồm các dữ liệu” về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Khi được hỏi quân đội Philippines có nhận thấy số lượng tàu Trung Quốc giảm đi sau lần trao công hàm phản đối tuần trước không, Tướng Clement nói rằng các tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực hàng ngày, tuy nhiên số lượng thường thay đổi do một vài yếu tố như điều kiện biển động, hay phụ thuộc vào “ý định của họ về lý do hiện diện trong khu vực”.

“Lực lượng Vũ trang Philippines có nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn lãnh thổ của chúng ta. Chúng tôi sẽ làm việc đó với mọi năng lực mà chúng tôi có”, ông Clement nói khi đề cập tới việc các tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền mà chưa được sự đồng ý của Philippines.

“Tôi không nói là chúng tôi sẽ đến đó và đối đầu với tất cả mọi người”, ông Clement nói thêm, đồng thời giải thích rằng Lực lượng Vũ trang Philippines trước tiên sẽ đi theo một quy trình hợp tác.

Đề cập tới khả năng xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đông, tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines cho biết: “Tôi không nghĩ sẽ tới mức xảy ra xung đột thực sự, hay một cuộc chiến tranh nổ súng. Tôi nghĩ có đủ cơ chế hiện hành để ngăn chặn chuyện đó xảy ra”.

Theo Dân trí

Nước cờ mạo hiểm của ông Duterte muốn kéo Nga thăm dò dầu khí ở Biển Đông
Tàu chiến Mỹ diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông
Trung Quốc cố tình làm sai để theo đuổi yêu sách phi lý ở Biển Đông
Học giả Nhật Bản lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc