Tưởng nhớ giáo sư Hoàng Xuân Nhị

19:50 | 17/05/2014

1,589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.Hoàng Xuân Nhị, hôm nay 17/5, đông đảo học trò của ông từ mọi miền tổ quốc đã tề tựu về trường Đại Học Tổng hợp (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội) để tưởng nhớ công lao của người thầy uyên bác và đức độ này.

Có lẽ, ít cuộc Hội thảo Khoa học nào về sự nghiệp của một con người lại chỉ toàn những lời khen. Vậy nhưng tại cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của GS.Hoàng Xuân Nhị lại có cả những phút trầm ngâm, những tiếng cười… và cả những giọt nước mắt đã rơi xuống.

Khuôn viên của Trường ĐH Tổng hợp hơn hai chục năm về trước (năm 1991) cũng được chọn là nơi tổ chức Lễ an táng của GS.Hoàng Xuân Nhị. Đó là ý tưởng của chính đồng nghiệp, học trò và gia đình GS với một mong muốn rằng: Cả cuộc đời ông đã sống, cống hiến cho ngôi trường này nên giây phút cuối cùng ông ra đi cũng là ở đây. Quả nhiên, ngày hôm nay vẫn thế, bao thế hệ học trò vẫn nhớ ngày sinh người thầy của mình để về tưởng nhớ đến ông.

Nhiều thế hệ học trò đã trở về để tưởng nhớ GS.Hoàng Xuân Nhị

GS.Hoàng Xuân Nhị, người đã gắn với trường ĐH Tổng hợp (Trường ĐH KHXH&NV ngày nay) 25 năm. Khoảng thời gian dài mà đương thời ông vẫn tếu táo mình là người giữ chức vụ trưởng khoa lâu nhất thế giới. Thế nên đối với lớp lớp sinh viên Văn khoa của trường ĐH Tổng hợp đều không thể quên hình ảnh về người thầy đức độ, tài năng này.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), GS.Hoàng Xuân Nhị là một người toàn đức, toàn tài. Khi nhắc đến ông, người đời không chỉ biết đến một nhà giáo đức độ mà còn là một nhà trí thức cách mạng yêu nước. Ông chính là một trong những gương mặt trí thức cùng thời Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch… hưởng ứng lời kêu gọi năm 1946 của Hồ Chủ tịch đã từ bỏ cuộc sống an nhàn, đầy đủ ở Pháp để trở về bắt đầu công cuộc kháng chiến kiến quốc. Vậy nên, ông được xem là gương mặt điển hình cho lớp trí thức đi lên từ truyền thống văn hóa Hán học, đến khoa học Nhân văn tiến bộ thế giới để rồi dám dấn thân mà trở về “cùng xương thịt với nhân dân”. Sau sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại, ông cũng là người đặt viên gạch đầu tiên để kiến tạo nền giáo dục đại học mới.

Trong suốt 25 năm làm chủ nghiệm khoa Văn, trường ĐH Tổng Hợp (1957-1982), GS đã dẫn dắt khoa đi qua nhiều thăng trầm, gian khổ. Tuy điều kiện thiếu thốn nhưng cả thầy và trò đều cố gắng. Đến nay, GS đã để lại rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học, về lý luận văn học, mỹ học, văn học Việt Nam hiện đại và đặc biệt cũng được coi là người thắp lửa, đặt nền móng cho nền giảng dạy văn học Nga tại Việt Nam. Và hơn tất cả, lớp học trò của người thầy vĩ đại này hiện đều là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu khoa học của nước nhà.

GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hải Hà bật khóc khi nhớ về người thầy của mình

Nhớ về người thầy của mình, GS. Nguyễn Kim Đính không khỏi xúc động bộc bạch: “Với tôi, những đóng góp của thầy cho nền giáo dục văn khoa vô cùng lớn lao. Thầy không chỉ là bậc trưởng lão đã xây dựng cơ sở đầu tiên cho việc giảng dạy văn học Nga, văn học Xô Viết ở bậc Đại học tại Việt Nam mà còn mở đường cho việc nghiên cứu sâu rộng lịch sử Nga, xã hội Nga, văn hóa- ngôn ngữ Nga… và cả con người Nga. Vậy mới nói, thầy là một trong những người có công xây dựng, phát triển nền văn hóa mới ở Việt Nam”.

Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu và phải ngồi trên xe lăn, nhưng GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hải Hà - một trong những học trò lứa đầu tiên đã không cầm nổi nước mắt khi nhớ về người thầy của mình. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ được thầy Nhị dìu dắt 2 năm từ năm 1957-1959, khi mới được giữ làm giảng viên của trường ĐH Tổng Hợp nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi ấy vẫn đủ để tôi hiểu và nhớ về người thầy đáng kính này. Từng chi tiết về thầy vẫn hiện lên mồn một trong tâm trí mà tôi sẽ chẳng thể quên. Trải qua hơn 60 năm được làm học trò của thầy, cuộc sống với bao nhiêu biến động để lại trong tôi những chiêm nghiệm, suy ngẫm và càng thấy thầy dạy đúng”.

GS.Hoàng Xuân Nhị với sinh viên Văn khoa

Tại buổi tưởng nhớ về GS.Hoàng Xuân Nhị hình ảnh về một người thầy tài cao, đức độ lại rất đỗi hiền từ, đôn hậu được tái hiện lại qua các câu chuyện mà học trò của ông kể lại. Tuy nhiên, họ vẫn còn mau đau đáu rằng, với cống hiến lớn lao của người thầy vĩ đại này thì những gì ông được ghi nhận vẫn còn quá khiêm tốn. GS.Phong Lê bùi ngùi: “Không biết vì lý do gì, từ sau khi về hưu GS.Hoàng Xuân Nhị bị lãng quên một thời gian khá lâu. Ít có sinh hoạt học thuật nào trong nghề nghiệp ở cả ba nơi: Đại học, viện nghiên cứu và Hội nhà văn có mặt hoặc nhắc đến tên ông. Trong Từ điển văn học bộ mới có nhắc đến những tác giả lớn cùng thời hoặc học trò của ông nhưng Hoàng Xuân Nhị thì không. Như vậy có bất công với ông không?".

Thừa nhận điều này nhưng đại diện gia đình TS.Hoàng Xuân Quốc, con trai GS.Hoàng Xuân Nhị bộc bạch: “Từ khi cha tôi mất đến nay, gia đình không chủ động đề nghị hay làm thủ tục gì để vinh danh thêm cho ông. Có thể đó là thiếu sót nhưng từ sâu trong tâm thức của gia đình chúng tôi là luôn tôn trọng sự khiêm nhường, giản dị, không màng đến chức tước, danh lợi mà đương thời ông vẫn hằng sống”.

Được biết, hiện tại ở TP.HCM (quận Tân Bình) đã có một đường phố mang tên Hoàng Xuân Nhị. Còn ở tận đất mũi Cà Mau, những cựu học sinh thời kháng chiến của ông đã cất công xây dựng mới một trường học mang tên chính người thầy của mình. Và hôm nay, khi chứng kiến bao thế hệ học trò trở về trường cũ để được cùng nhau tưởng nhớ về người thầy của mình, hơn cả là các bạn sinh viên văn khoa trẻ, thì chúng tôi hiểu, không cần quá khoa trương, cũng không cần danh vọng chức tước, người thầy này vẫn sống mãi trong lòng biết bao thế hệ học trò đi trước và cả sau này.

Huyền Anh