Tự vệ thương mại: Cuộc chiến giữa hàng trong nước và ngoại nhập

11:00 | 09/04/2013

1,217 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tự vệ thương mại là một trong những biện pháp bảo vệ mặt hàng được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong cơ chế mở cửa thị trường, hội nhập WTO. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp trong nước, vấn đề này vẫn là một công cụ còn mới lạ trong hoạt động kinh doanh và không dễ áp dụng.

Cuộc chiến tự vệ của ngành dầu ăn Việt

Sau nhiều lần điều tra, nghiên cứu thị trường, mới đây Tổng công ty Công nghiệp dầu thự vật Việt Nam-Công ty TNHH MTV (Vocarimex) cùng bảy doanh nghiệp (DN) khác cùng kinh doanh trong ngành dầu ăn đã có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ tương đương với thuế suất 2% tính trên giá trị nhập khẩu của lô hàng đối với 2 dòng sản phẩm là dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện.

Theo đó, hiện nay trên thị trường nội địa, dầu ăn Vocarimex đang chiếm 28,27% thị phần, đủ tiêu chuẩn để khởi kiện (tiêu chuẩn này chỉ cần đạt 25%). Ngoài ra, Vocarimex còn được sự đồng thuận của một số DN khác như: Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè… ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của nguyên đơn. Vì vậy việc Vocarimex xin áp dụng biện pháp tự vệ là hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện theo luật quy định.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/thanhngoc/042013/09/09/IMG__1666.jpg

Ngành dầu ăn trong nước đang thực hiện biện pháp tự vệ để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo Vocarimex, dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam (VN) tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến cho thị phần của Vocarimex và các DN trong nước liên tục bị giảm sút.  Đặc biệt là năm 2012, sau khi thuế nhập khẩu dầu ăn giảm còn 0%, nhiều loại dầu thực vật nhập khẩu đã ồ ạt tràn vào thị trường VN, gây điêu đứng cho nhiều DN trong trước. Cụ thể, trong năm 2012, lượng dầu nhập khẩu vào VN ước đạt trên 604.375 tấn, tăng gấp đôi so với lượng nhập khẩu năm 2011 và 2010. Chính điều này đã khiến doanh thu và lợi nhuận của Vocarimex trong năm 2012 giảm một cách đột biến so với các năm trước. Tính đến hết năm 2012, doanh thu của DN này giảm 66% và lợi nhuận ròng giảm 197% so với năm 2011.

Trong đơn yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) áp dụng biện pháp tự vệ, Vocarimex cho rằng việc mặt hàng dầu ăn nhâp khẩu tràn lan đã đẩy DN trong nước phải hạ giá thành sản phẩm để có sức cạnh tranh trong khi chi phí sản xuất luôn tăng cao. Tình trạng này đã khiến hoạt động sản xuất của các DN sản xuất dầu ăn vốn đã căng thẳng nay lại càng khó khăn hơn. Đây là lý do để Vocarimex yêu cầu biện pháp tự vệ đối với mặt hàng này.

Không dễ áp dụng

Việc Vocarimex yêu cầu biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu nhập khẩu không phải là trương hợp đầu tiên, bởi trước đó cũng đã từng có DN thực hiện điều này. Tuy nhiên, con số DN trong nước sử dụng công cụ này đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo các chuyên gia, lý do là theo luật quy định biện pháp tự vệ chỉ là việc hạn chế tạm thời đối với một hoặc một số mặt hàng khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh và đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, nước nhập khẩu chỉ có thể ngăn chặn tạm thời luồng nhập khẩu để tránh được những đổ vỡ cho ngành sản xuất nội địa trong một số trường hợp đặc biệt khó khăn với khoảng thời gian đủ để DN trong nước tìm phương án ứng phó với tình hình mới.

Mặt khác, theo quy định một nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện như : hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng; ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng và có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên. Tuy nhiên, hầu hết DN Việt không thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên nên có rất ít đơn vị sử dụng công cụ này trong hoạt động kinh doanh.

Chính vì những điều kiện khắt khe trên, nên tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hai vụ việc các DN trong nước đệ đơn lên Cục quản lý cạnh tranh (Bộ công thương) yêu cầu can thiệp bằng biện pháp tự vệ thương mại.

Theo ông Lê Danh Vĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù đây là biện pháp được nhiều nước tham gia WTO xem như là “phao cứu sinh” trong trường hợp khẩn cấp, tuy nhiên ở VN nó vẫn được cho là công cụ “cũ người mới ta”. Bởi hiện nay, DN trong nước còn thiếu hiểu biết về các thủ tục cũng như phương pháp và kỹ năng cần thiết để sử dụng công cụ này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết: Việc xem xét có nên áp dụng biện pháp tự vệ thương mại cho một mặt hàng nào đó hay không đòi hỏi phải trải qua quá trình điều tra kỹ lưỡng, xét trên nhiều khía cạnh. Bởi nếu áp dụng biện pháp này thì Chính phủ phải bồi thường thương mại cho các nước có hàng hoá bị áp dụng biện pháp tự vệ với những điều kiện nhất định. Nếu nước này không tuân thủ, WTO cho phép các nước liên quan được áp dụng các biện pháp trả đũa.

“Vì vậy với vụ việc Vocarimex, Cục Cạnh tranh đã và đang tiến hành điều tra và sẽ công bố quyết định cuối cùng trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm doanh nghiệp có đơn yêu cầu”- ông Mừng nói.

Trước đó, năm 2009, Công ty Kính nổi Viglacera và Cty TNHH Kính nổi VN cho rằng, mặt hàng kính nổi nhập khẩu tăng nhanh về số lượng, giá lại thấp hơn kính nội địa nên ngành kính nội địa có thể phải ngừng sản xuất. Do đó, hai DN này yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách đánh thuế đối với kính nhập khẩu trong vòng bốn năm với mức áp thuế 0,6 USD/m2 kính. Sau quá trình điều tra, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương kết luận sự gia tăng hàng nhập khẩu cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác cùng tác động đến kính nổi trong nước. Đặc biệt, vào thời điểm điều tra thì ngành sản xuất trong nước đang có dấu hiệu hồi phục. Vì vậy cơ quan này quyết định không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi.

Thùy Trang