Từ câu chuyện nông sản Hải Dương: Cần tính trước các kịch bản "giải cứu" hàng hóa

07:06 | 02/03/2021

127 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cần có những kịch bản sẵn cho những tình huống cần "giải cứu" hàng hóa lúc có dịch hay không có dịch ở các tỉnh thành phố ở nước ta, từ đó cứ theo kịch bản để thực hiện.

Gần 1 tháng nay rộ lên câu chuyện giải cứu hàng hóa nông sản ở tỉnh Hải Dương do bị ách tắc lưu thông thời có dịch Covid làm cho hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện giải cứu hàng nông sản ở Việt Nam là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đã diễn ra nhiều năm mà Việt Nam chưa khắc phục được một cách cơ bản.

hduakjf
Câu chuyện giải cứu hàng nông sản ở Việt Nam là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên đó là do sản xuất hàng hóa nông sản ở Việt Nam hiện nay ngày càng tăng trưởng và khối lượng rất lớn theo từng mùa vụ, nguồn cung cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất dồi dào nhưng hệ thống phân phối sự liên kết giữa các vùng miền hạ tầng vận chuyển, chi phí logistics đã gây thêm những khó khăn cho hàng nông sản Việt.

Một nguyên nhân nữa là chính những người đứng ra giải quyết việc ách tắc hàng hóa nông sản đã chưa coi nông sản là của gia đình mình, nhà mình làm ra mà là của bà con nông dân ấy mà.

Cùng với đó, hàng hóa sản xuất ra kể cả hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn mới chỉ có 10% vào được siêu thị mặc dù phải qua rất nhiều cửa ải khó khăn bao gồm chi phí chiết khấu nhập tịch đầu kệ…, ngoài ra họ còn bị ép giá, ép cấp khi muốn đứng chân thương hiệu của mình tại hệ thống phân phối hiện đại. Chính vì vậy mà rau sạch, rau an toàn phải dội ngược trở lại thị trường tự do, bán lẫn với rau không sạch với giá tương đương. Vì vậy việc khuyến khích trồng sản phẩm sạch chưa mấy hấp dẫn với người nông dân Việt Nam hiện nay. Rau sạch, rau an toàn có lẽ chủ yếu dành cho tầng lớp trung lưu trở lên mới dám bước chân vào siêu thị, 90% người nghèo, người thu nhập thấp mua rau quả ở chợ, hàng rong và vỉa hè.

hduwak
“Ngăn sông cấm chợ” giữa các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân gây cho hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gặp rất nhiều khó khăn.

Quay trở lại tình hình ở Hải Dương cho ta thấy hàng vạn tấn nông sản thực phẩm như cà chua, cà rốt, bắp cải, xu hào đã đến mùa thu hoạch để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, trong đó 70% qua cảng Hải Phòng để xuất khẩu đi các nước. Hải Dương phụ thuộc hoàn toàn vào đường vận chuyển ra biển. Câu chuyện nổi lên đó là do có dịch nên thành phố Hải Phòng đã quá "co cụm" lại, không cho xe vận tải hàng hóa vào cảng của mình. Lệnh đó chỉ được giải tỏa khi Chính phủ có ý kiến là xóa bỏ các trạm kiểm soát trên dọc đường, không “ngăn sông cấm chợ” .

Qua sự việc trên cho ta thấy mấy vấn đề như sau, thứ nhất, khi có chuyện ách tắc hàng hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì các bộ ngành và kể cả tỉnh Hải Dương chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ, tập trung vào giải quyết tại chỗ để khơi thông nguồn hàng mà trong một tuần chỉ có các công văn đi, công văn lại báo cáo cấp trên và ngang cấp với nhau mà thôi.

Thứ hai, ban đầu Hải Phòng còn áp dụng các biện pháp chống dịch Covid còn chưa đặt địa vị đây là hàng hóa của mình để giải quyết nên mới xảy ra tình trạng hàng chục ngày ứ đọng như vậy.

Kết thúc sự việc giải cứu nông sản ở Hải Dương cho ta thấy, cần có những kịch bản sẵn cho những tình huống cần "giải cứu" hàng hóa lúc có dịch hay không có dịch ở các tỉnh thành phố ở nước ta, từ đó cứ theo kịch bản để thực hiện, giảm bớt các công văn báo cáo không cần thiết, tốn thời gian chi phí mà đem lại những kết quả tức thời. Xu hào, cải bắp chỉ 1-2 ngày đã từ tươi xuống héo, nông sản không chờ những hành đông chậm trễ, thậm chí quan liêu, thiếu tính chia sẻ như thời gian vừa qua.

Ngược lại với những động thái và hình ảnh chưa được tích cực trọn vẹn trong giải cứu ở trên thì bà con, một số siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh lại mở rộng lòng đón hàng giải cứu của Hải Dương một cách tích cực và nhanh chóng, mặc dù vẫn chú ý đến yếu tố chống dịch trong quá trình giải cứu. Như vậy trên một đất nước này diễn ra song song hai hình ảnh trái ngược về giải cứu nông sản những lúc khó khăn của Hải Dương cũng như các tỉnh thành phố khác. Điều đó làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn cho quyền lợi của những người nông dân một sương hai nắng thường xuyên làm ra của cải vật chất cho xã hội thụ hưởng.

Rồi đây trong năm 2021 và những năm tiếp theo, không ai khẳng định là không còn chuyện giải cứu nông sản. Chính vì vậy, các Bộ ngành, các địa phương cần phải rút ra những bài học cho những chuyện giải cứu kế tiếp nếu có.

Theo Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Diễn đàn Doanh nghiệp