Hôn nhân đồng giới:

Từ “cấm” sang “không thừa nhận” là bước tiến dài!

21:10 | 06/11/2013

812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bên lề Quốc hội, PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự và Kinh tế (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) trả lời về những vấn đề xung quanh người đồng tính, đặc biệt là vấn đề hôn nhân và hòa nhập cộng đồng.

Hiện tại, số liệu thống kê cho thấy cả nước có số lượng người "khác bình thường" tương đương 3-5% dân số. Họ là những người đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới và người song tính. Đây là một cộng đồng và việc “đối xử” với họ ra sao đang là thách thức với các cơ quan chức năng.

“Về mặt luật pháp, quyền lợi của bất kỳ một cá nhân nào đều cần phải được pháp luật bảo vệ chứ chưa nói đến con số hàng triệu người. Vì vậy hơn lúc nào hết, quyền và lợi ích hợp pháp của những người đồng giới cần phải được đưa lên bàn thảo luận và tìm ra hướng xử lý phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay”, TS Huệ cho biết.

TS Dương Đăng Huệ trả lời báo chí chiều nay (6/11)

Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII đã trở thành một trong những lần đầu tiên, những người làm luật thảo luận chính thức về quyền và nghĩa vụ của người đồng giới. Việc Việt Nam xem xét công nhận Hôn nhân đồng giới gây ngạc nhiên cho cộng đồng quốc tế. Chưa có nước nào chính thức đưa vấn đề này lên bàn nghị sự vì vậy đây là bước tiến lớn của Việt Nam.

Theo ông Dương Đăng Huệ, hôn nhân đồng giới là vấn đề của thực tiễn và Luật pháp không được né thực tiễn. Xét trên thực tiễn Việt Nam, “chúng tôi đánh giá Dự thảo luật lần này là một bước phát triển dài và phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Tuy nhiên, việc bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” và nay chuyển thành “không thừa nhận” khiến nhiều người trong cộng đồng Đồng tính, Song tính và Chuyển giới (LGBT) cho rằng, đây là một quy định nửa vời, không rõ ràng về luật pháp.

TS Dương Đăng Huệ khẳng định, hôn nhân của người đồng giới là một nhu cầu rất “thời sự” của xã hội hiện đại. “Người chuyển giới và người đồng tính khác nhau, họ có những nhu cầu pháp luật khác nhau”, TS Huệ nói. “Hiện tại pháp luật Việt Nam không cho phép người cùng giới kết hôn. Dự án luật lần này đã tính đến việc dịch chuyển, từ cấm sang không thừa nhận. Cá nhân tôi cho rằng đây đã là một cuộc cách mạng. Cấm là sâu xa, quyết liệt, còn không thừa nhận lại khác. Vì pháp luật tôn trọng cuộc sống của mọi người, thậm chí phản đối sự kỳ thị đối với người đồng tính, giúp họ hòa nhập cộng đồng và có việc làm...".

“Lấy ví dụ như thế này, trên thực tế xã hội có nhiều người kết hôn không giá thú. Tuy nhiên, những phát sinh như con cái, tài sản, nhân thân… là những điều ai cũng nhìn thấy. Nhà nước không thừa nhận nhưng vẫn có nhiều giải pháp pháp lý để giúp đỡ họ. Với người đồng giới cũng như vậy. Đó là chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam”, ông Huệ kết luận.

 Nếu so sánh với người chuyển giới ở Việt Nam, người đồng tính đang bị đối xử bất bình đẳng và một cặp đồng giới có ít sự lựa chọn hơn cặp khác giới về hình thức sống chung của mình. Nếu luật pháp thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ đảm bảo được quyền của người đồng tính như người không đồng tính. “Pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người đồng tính cũng như đã bảo vệ người dị tính, chứ không phải người đồng tính phải tự xoay sở để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Tuy nhiên lại có những vấn đề khác đặt ra như việc sinh con hay một số vấn đề khác liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu bởi nếu kết hôn đồng giới ai sẽ là vợ, ai sẽ là chồng và kéo theo đó là một loạt các hệ lụy pháp lý phải giải quyết sau đó...

Lê Tùng (ghi)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc