Từ 1/7, những ai phải đổi thẻ căn cước?

06:00 | 05/03/2024

185 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những trường hợp phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước gồm công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân; công dân đã có thẻ căn cước công dân nhưng hết thời hạn sử dụng.

Luật Căn cước vừa được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Một trong những nội dung quan trọng của luật là việc đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) thành thẻ căn cước.

Theo luật Căn cước quy định, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực sẽ có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, sau đó mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.

Từ 1/7, những ai phải đổi thẻ căn cước?
(Ảnh minh họa)

Những trường hợp phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước gồm: Công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước, thẻ CCCD; công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng. Trường hợp công dân dưới 14 tuổi, công dân có thẻ CCCD còn thời hạn sử dụng được cấp thẻ căn cước khi công dân đó có nhu cầu.

Theo dự tính, sau khi luật Căn cước chính thức có hiệu lực thì trung bình hằng năm, Bộ Công an sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước cho khoảng 10 triệu trường hợp. Trong đó bao gồm 3 triệu thẻ cấp mới cho công dân đến độ tuổi và các trường hợp trẻ em có nhu cầu, 4 triệu thẻ cho các trường hợp đổi thẻ và 3 triệu thẻ cho các trường hợp cấp lại.

Bộ Công an dự báo trong năm đầu tiên, số lượng thẻ căn cước được cấp sẽ cao hơn do đây là thời điểm bắt đầu thực hiện quy định mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, thẻ căn cước theo luật mới cũng có nhiều ưu điểm và hình thức đẹp, hiện đại hơn… Do đó, dự tính trong năm đầu tiên, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp khoảng 15 triệu thẻ căn cước, bao gồm: 5 triệu thẻ cấp mới cho các trường hợp đủ 14 tuổi và các trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi có nhu cầu; 3 triệu thẻ đối với các trường hợp công dân bắt buộc phải đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước do hết hạn sử dụng; 7 triệu thẻ đối với các trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.

Công tác cấp căn cước cho các trường hợp từ 0 - 6 tuổi

Bộ Công an đang xây dựng Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước theo hướng sẽ có 2 mẫu thẻ căn cước bao gồm một mẫu thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 0 - 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc ảnh mặt, vân tay).

Việc cấp thẻ căn cước cho các trường hợp trẻ em từ 0 - 6 tuổi sẽ thông qua người đại diện hợp pháp, cụ thể người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).

Trong trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước cũng không thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Làm thẻ căn cước có mất phí?

Khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước quy định "Công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu". Như vậy, đối với các trường hợp công dân lần đầu được cấp thẻ căn cước thì không phải nộp lệ phí.

Về cơ bản, tất cả công dân đủ 14 tuổi trên lãnh thổ Việt Nam đã được cấp thẻ CCCD. Do đó, việc cấp thẻ căn cước lần này đối tượng chủ yếu là các trường hợp công dân đến độ tuổi đủ 14 tuổi, các trường hợp đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước do hết hạn sử dụng, thay đổi thông tin; các trường hợp cấp lại thẻ căn cước do bị mất và các trường hợp công dân thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo nhu cầu của công dân.

G.Minh

Bộ Công an đề xuất quy trình cấp căn cước điện tửBộ Công an đề xuất quy trình cấp căn cước điện tử
Lưu ý những điểm mới quan trọng về Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7Lưu ý những điểm mới quan trọng về Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan