TS Vũ Thế Khanh: "Đàn Xã Tắc chỉ là tín ngưỡng từng triều đại"

06:31 | 11/05/2013

1,094 lượt xem
|
Dự án xây cầu vượt ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội) đang được xã hội quan tâm về văn hóa tâm linh phi vật thể. Đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều của các nhà khoa học cả nước, trong đó có vấn đề tâm linh. Để có thể tìm được sự đồng thuận cao nhất trong quyết định lựa chọn giữa phát triển xã hội và bảo tồn di tích lịch sử. Báo điện tử PetroTimes có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) về vấn đề này.

PV: Có ý kiến cho rằng, khu vực đàn Xã Tắc là “không gian tâm linh của người Việt”, khi xây cầu vượt trên khu này là “trèo lên đầu tổ tiên”… Là một người nghiên cứu về tâm linh Việt Nam, xin ông cho biết ý kiến của mình?

TS Vũ Thế Khanh: Theo tôi, đàn Xã Tắc không phải là “quốc bảo”, không có tính truyền thừa, không có tính kế tục như các công trình văn hóa khác, mà chỉ là địa điểm để triển khai nghi thức của riêng từng triều đại phong kiến ngày xưa. Tôi khẳng định như vậy bởi 5 nội dung đặc trưng của mỗi đàn Xã Tắc gồm “thái xã”, “thái tắc”, “pháp chủ”, “pháp khí”, “tấu sớ tế cáo” hoàn toàn khác nhau. Lịch sử cho thấy, các triều đại sau luôn phá bỏ nội dung và nghi thức tế “đàn Xã Tắc” của triều đại trước.

Đàn Xã Tắc chỉ có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta tôn trọng “di tích đàn Xã Tắc” vì nó ghi lại “tín ngưỡng của từng triều đại thống trị ngày xưa”, chứ không nhất thiết di tích đó là long mạch, linh thiêng hay không, có phù hợp với thời cuộc hiện nay hay không...

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh

Chúng ta tôn trọng di tích tín ngưỡng của người xưa trong việc tế lễ trời đất chứ không phải coi tín ngưỡng của người xưa là trời đất. Chúng ta nên tôn trọng di tích tín ngưỡng của người xưa trong việc tế đàn Xã Tắc chứ không phải đánh đồng “coi cái đàn tế của người xưa là tổ tiên”. Ngày nay, chúng ta vẫn có những nghi lễ long trọng, linh thiêng, lành mạnh, văn minh, phù hợp với trào lưu văn hóa trong thời đại mới. Chúng ta không phục chế nghi thức tế đàn Xã Tắc làm “quốc lễ”. Bởi vậy, đàn Xã Tắc không còn là tín ngưỡng tâm linh của nước ta trong thời đại này. 

PV: Vậy theo ông, đàn Xã Tắc thời hiện đại đang ở đâu?

TS Vũ Thế Khanh: Nếu cứ chiểu theo 5 nội dung tiêu chí theo tín ngưỡng tâm linh thì “đàn Xã Tắc ngày nay” đã được chuyển về “tế cáo” ở Quảng trường Ba Đình, thời điểm “tế cáo” là vào ngày Quốc khánh. Trong đó, phần “Thái Xã” chính là công bố khẳng định chủ quyền biên cương, hải đảo của Việt Nam. Phần “Thái Tắc” không chỉ thuần túy là tế “Thần Nông”, mà còn có nhiều ngành nghề khoa học khác nữa. “Pháp Chủ” hiện nay chính là nguyên thủ quốc gia, “tấu sớ” tuyên đọc chính là “tuyên ngôn” thể hiện ý chí độc lập, tự do, dân chủ, “Pháp Khí” là các nghi thức, trang trí (cờ phướn, thiết bị khoa học công nghệ, khí tài, khí cụ, xe tăng, máy bay...) tham gia trình diễn biểu dương nội lực của toàn dân tộc.

PV: Nên hiểu xâm hại di tích lịch sử như thế nào cho đúng thưa ông? Theo ông nên xử lý hài hòa giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế xã hội như thế nào? Cụ thể là công trình cầu vượt tại đàn Xã Tắc?

TS Vũ Thế Khanh: Trước tiên cần phải xem xét thực tế hiện trạng về cái gọi là đàn Xã Tắc hiện nay thì mới khẳng định di tích lịch sử có bị “xâm hại” hay không. Nếu chỉ toen hoẻn mấy trăm mét vuông, lại đặt mấy hòn vật liệu trông tựa như con chó đá (mà ở dưới đó lại vừa mới được vùi lấp bằng đủ loại đất đá cấp phối, gạch vụn, rác thải công trình chứ đâu được san lấp bằng “đất sạch thanh tịnh” như ngày xưa) thì không thể bảo đây là đàn Xã Tắc được. Chỉ nên gọi là địa điểm có một số “dấu tích” của đàn Xã Tắc. Nói đơn giản là khi mới chỉ tìm được một mảnh gốm nhỏ thì không thể gọi nó là “chiếc lọ gốm”.

Nếu theo tiêu chuẩn diện tích của đàn Xã Tắc thì toàn bộ khu vực đường Kim Liên mới, đường Nguyễn Lương Bằng, đường Xã Đàn, Đê La Thành, siêu thị Ô Chợ Dừa, các nhà ở các đường giao thông trên... có thể đang nằm trọn trên khu nội đàn của đàn Xã Tắc rồi. Từ sơ đồ các công trình ngầm gồm đường cống thoát nước thải, các hố gas, các nhà vệ sinh, rác thải bệnh viện... đang nằm trọn trong “khu nội đàn”. Hằng ngày mọi người vẫn đang ăn ngủ, giẫm đạp đến cả… phóng uế trực tiếp trên nội đàn của “đàn Xã Tắc”. Một câu hỏi đặt ra là, “chẳng có nhẽ nước thải, hố gas, nhà vệ sinh... lại sạch sẽ và thanh tịnh hơn cây cầu vượt lên trên đó hay sao?”.

Khu vực vườn hoa có bia di tích đàn Xã Tắc

Trên tinh thần tôn trọng Luật Di sản, cá nhân tôi cho rằng, cần chú ý cố gắng bảo tồn trong điều kiện có thể. Bởi nếu “bảo vệ di tích” theo đúng nghĩa thì phải khoanh vùng toàn bộ khu trung tâm quận Đống Đa để đưa vào khảo sát và quản lý. Điều này là bất khả kháng và hoàn toàn không cần thiết. Nếu Nhà nước đã xếp hạng khu vực “đàn Xã Tắc” hiện nay là di tích lịch sử thì trước hết mọi người dân đều phải tôn trọng di tích theo luật định, còn việc khảo cứu thẩm định lại cho thỏa đáng thì đó là trách nhiệm của các cơ quan khoa học.

PV: Theo ông đàn Xã Tắc hiện nay nên hiểu trên phương diện lịch sử và tâm linh như thế nào cho đúng? Có thể đề xuất một phương án dung hòa cho đàn Xã Tắc?

TS Vũ Thế Khanh: Tôi ủng hộ ý kiến của GS Nguyễn Văn Hảo và của rất nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng, địa điểm hiện nay tại Ô Chợ Dừa chưa hội đủ thành tố để có thể coi đây là “đàn Xã Tắc thời Lý”. Chúng ta chỉ mới tìm được một số vật liệu tại đó, nhưng một số vật chứng khác (gạch ngũ sắc, pháp khí và dấu tích của các bức tường thành của đàn Xã Tắc...) cũng chưa thấy đâu. Vị trí hiện nay chưa chắc đã là trung tâm của đàn tế mà có khi chỉ là vùng ngoại vi của đàn tế mà thôi. Cần phải tiếp tục khảo cứu thêm để tìm ra dấu tích của khu nội đàn, với các thành tố kiến trúc đặc trưng (như các bức tường thành của khu nội đàn, vệ đàn, các loại vật liệu ngũ sắc, pháp khí và các thành tố kiến trúc khác...). Mà muốn tạo được độ tin cậy, không lẽ cần khoanh vùng khảo cứu nửa quận Đống Đa, điều này là bất khả thi.

Nói về vấn đề “tín ngưỡng”, tôi cho rằng, nên đặt ở trong tâm, không phải chỉ căn cứ thuần túy vào hình tướng không gian vật lý 3 chiều. Nếu cho rằng, “làm cầu vượt lên trên đàn Xã Tắc là bất kính” là hoàn toàn ấu trĩ, bởi hiện nay các cầu treo trên Yên Tử, chùa Hương còn cao hơn cả chùa chiền và các công trình tâm linh thì giải thích ra sao? Tục thờ thần tài thổ địa ở ngay dưới sàn nhà chả lẽ cũng là bất kính?

Nếu quả thực cầu vượt là bài toán tối ưu của ngành giao thông để giải tỏa ách tắc tại nút Ô Chợ Dừa nên đưa ra giải pháp nhất cử lưỡng tiện dung hòa việc bảo vệ di tích, với giải tỏa ách tắc giao thông. Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP Hà Nội nên mở cuộc thi giải pháp kiến trúc sao cho khi đi lên cầu, ta có cảm giác như đang đi xuyên vào trong khu nội đàn của đàn Xã Tắc. Với các thủ pháp của nghệ thuật trang trí và giải pháp kết cấu hiện đại để nâng tầm đàn Xã Tắc lên cao hơn cả cầu vượt để từ xa ai cũng nhìn thấy, ai cũng được chiêm ngưỡng thì không những bảo tồn mà còn nâng tầm quan trọng của di tích. Điều đó chẳng khó gì so với trình độ khoa học kỹ thuật xây dựng hiện nay.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Thành Công (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.