Truy quét triệt để chất cấm trong chăn nuôi
Cụ thể, những đối tượng vi phạm sẽ đối mặt với nguy cơ mất trắng khi đàn heo bị tiêu hủy và xử lý hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi (sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01.07.2016). Động thái này của các Bộ ban ngành là ‘tối hậu thư’ đối với các đối tượng vi phạm, là ‘cứu tinh’ cho người tiêu dùng và người chăn nuôi chân chính, thể hiện quyết tâm cao độ của Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan trong việc đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này.
Các Bộ Ban ngành cùng vào cuộc
Phát biểu tại hội thảo “Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tuần qua, ông Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công An) cho biết trong ba tháng cao điểm từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016, đặc biệt là thời điểm trước Tết, Bộ NN&PTNN đã phối hợp ăn ý với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) thành lập nhiều chuyên án điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, đến nay đã phát hiện, thu thập được trên 40 cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Cơ quan chức năng ngay lập tức đã tiến hành xử lí 18 công ty vi phạm, xử phạt hành chính trên 2,6 tỉ đồng và tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm.
Lực lượng liên ngành cũng đã lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty sản xuất tại 10 tỉnh, thành phố để phân tích. Kết quả cho thấy không phát hiện mẫu nào dương tính với các loại chất cấm. Như vậy, lượng chất cấm trên thị trường chủ yếu từ thương lái và tiếp thị cám. Bộ xác định đây là đối tượng đưa mối, trung gian rất nguy hiểm trong hệ thống buôn chất cấm nên lực lượng nghiệp vụ của C49 sẽ tập trung điều tra kỹ vấn đề.
C49 bắt quả tang Trần Văn Bùi (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh đang bán 2 kg chất tạo nạc salbutamol cho Võ Văn Thanh (26 tuổi, quê Tiền Giang) tháng 12-2015
Ông Bình cũng chia sẻ thêm để giải quyết triệt để vấn đề, Đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hôi, và các bộ chuyên ngành như bộ nông nghiệp, bộ y tế đang tham mưu và đã ban hành một số văn bản pháp luật theo phân công. Gần đây nhất là Luật Dược Bộ Y tế đang tham mưu để xây dựng, bộ y tế đã nhanh chóng đưa các điều khoản để quản lý các chất cấm mà các bộ khác đã ban hành cấm vào luật Dược.
Ngày 20/11/2015 Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản số 21590/QLD-KD thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), để thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.
Đồng thời Bộ Y tế đã triển khai công tác hậu kiểm các cơ sở nhập khẩu Salbutamol (10 cơ sở, trong đó Cục Quản lý Dược phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra tại 06 cơ sở) trong khoảng một tháng và kết quả đã phát hiện 04 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định; Đã xử lý quyết liệt các đơn vị vi phạm với chế tài cao nhất theo quy định của pháp luật như ban hành quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc; đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc... nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm; chuyển 03 trường hợp vi phạm để C49 tiếp tục làm rõ, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an (C49) Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông, Công ty CP dược Minh Hải, Công ty TNHH hóa dược Minh Anh. Bộ Y tế cũng đã đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt". Nội dung này đã được Thường vụ Quốc hội đồng ý để trình Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp lần thứ 11.
Năm 2016, Bộ NN&PTNT đã đưa chất cấm vào một trong những chương trình đấu tranh để giải quyết dứt điểm. Nói về chiến lược sắp tới, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT tuyên bố sẽ vận động 63 tỉnh thành cùng vào cuộc: “Cần có sự phối hợp ngang, tức từ trung ương đến địa phương; và phối hợp dọc, là Bộ NN&PTNN cùng Bộ công an, Bộ công thương và Bộ y tế để truy quét, dứt điểm hoàn toàn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo mục tiêu đã đề ra của Bộ NN&PTNN vào năm 2016”.
Tiêu hủy và hình sự hóa hành vi vi phạm.
Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định, từ ngày 25-2 theo quy định tại thông tư 01 (sửa đổi thông tư 57), cơ quan chức năng có thể tiêu hủy đàn heo ở cơ sở giết mổ gia súc nếu phát hiện dư lượng chất cấm, trang trại chăn nuôi cũng sẽ bị tiêu hủy cả đàn heo nếu tái phạm. “Đây là mức xử phạt rất nặng bởi người dân sẽ có nguy cơ mất trắng tài sản vì bị tiêu hủy cả đàn heo. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ xử lý tiêu hủy một số trường hợp nhằm răn đe, để bất cứ ai khi sử dụng chất cấm đều phải suy nghĩ về hậu quả nặng nề mà họ phải gánh chịu. Với Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung, chỉ cần có sử dụng chất cấm là đã cấu thành cơ bản tội phạm, sẽ phải chịu hình phạt về tiền và về tù, nếu thêm các tình tiết tăng nặng sẽ còn phạt tù cao nhất là 20 năm và tiền tới 1 tỷ. Đây là bước đột phá quyết liệt giúp cho anh em trong ngành có cơ sở, động lực trong việc đẩy lùi, bóc gỡ tận gốc tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, ông Việt nhấn mạnh.
Lê Thư
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025