Trung Quốc nới lỏng hạn chế mua nhà, giá sắt thép tăng vọt

18:05 | 30/09/2024

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá sắt thép tăng vọt gần 11% sau khi ba thành phố lớn nhất Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về mua nhà, thúc đẩy triển vọng nhu cầu tại quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Trung Quốc nới lỏng hạn chế mua nhà, giá sắt thép tăng vọt
Trung Quốc nới lỏng hạn chế mua nhà khiến giá sắt thép tăng vọt.

Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đã nới lỏng các quy định, tiếp bước những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Giá quặng sắt tương lai tăng mạnh ở Singapore lên mức cao nhất kể từ tháng 7.

Sắt thép - một trong những loại hàng hóa chính có hiệu quả sản xuất kinh doanh kém nhất trong năm khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại - đã phục hồi khi Bắc Kinh hành động mạnh mẽ hơn để củng cố nền kinh tế. Trọng tâm của nỗ lực đó là các cải cách ​​nhằm kéo thị trường bất động sản thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài nhiều năm.

"Các biện pháp kích thích của Trung Quốc mạnh hơn so với dự kiến, thêm vào đó là kỳ vọng về nhiều biện pháp tài khóa hơn", Steven Yu, một nhà nghiên cứu tại Mysteel cho biết. "Thị trường sắt thép đang ở giữa mùa cao điểm truyền thống và thép cây đã chứng kiến ​​tình trạng giảm tồn kho nhanh chóng", ông Steven nói.

Quảng Châu trở thành thành phố đầu tiên xóa bỏ những rào cản đối với người mua nhà. Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, và Thâm Quyến, thành phố phía nam nổi tiếng với ngành công nghiệp công nghệ, đã công bố sẽ hạ tỷ lệ thanh toán trước tối thiểu cho bất động sản đầu tiên và thứ hai xuống còn 15% và 20%. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng công bố vào Chủ nhật (30/9) rằng họ sẽ cho phép tái cấp vốn thế chấp.

Quặng sắt tăng 8,4% lên 110,65 USD/tấn tính đến 9:25 sáng 30/9 tại Singapore, sau khi tăng vọt tới 10,6% trước đó. Điều này diễn ra sau đợt tăng giá 11% vào tuần trước.

Sự suy thoái của thị trường bất động sản là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất thép của Trung Quốc vì đây vốn là nhu cầu trụ cột. Các nhà máy hàng đầu đã cắt giảm sản lượng và cảnh báo rằng tình hình của ngành còn tồi tệ hơn thời kỳ khủng hoảng năm 2008 và 2015.

D.Q

Boomberg