Trung Quốc: Bùng nổ năng lượng sạch vào năm 2023

14:52 | 10/08/2024

1,498 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năng lượng sạch đã đóng góp kỷ lục 11,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,6 nghìn tỷ đô la Mỹ) cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2023, chiếm toàn bộ mức tăng trưởng đầu tư và chiếm tỷ trọng trong tăng trưởng kinh tế lớn hơn so với bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Trung Á lần đầu phối hợp về năng lượngTrung Á lần đầu phối hợp về năng lượng
Bản tin Năng lượng xanh: Ý cắt giảm các thủ tục quan liêu về năng lượng xanh, kiểm soát các nhà máy bất hợp phápBản tin Năng lượng xanh: Ý cắt giảm các thủ tục quan liêu về năng lượng xanh, kiểm soát các nhà máy bất hợp pháp
Trung Quốc: Bùng nổ năng lượng sạch vào năm 2023
Xe điện chuẩn bị xuất khẩu tại một nhà ga của Cảng Taicang, miền đông Trung Quốc. Ảnh Imago

Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng sạch - đặc biệt là ba ngành công nghiệp mới là năng lượng mặt trời, xe điện (EV) và pin.

Năng lượng mặt trời, cùng với công suất sản xuất tấm pin mặt trời, xe điện và pin, là trọng tâm chính trong các khoản đầu tư vào năng lượng sạch của Trung Quốc vào năm 2023.

Việc gia tăng đầu tư vào năng lượng sạch tại Trung Quốc diễn ra khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc suy giảm trong năm thứ hai liên tiếp. Sự thay đổi này định vị ngành năng lượng sạch là một phần quan trọng không chỉ trong các nỗ lực về năng lượng và khí hậu của Trung Quốc mà còn trong chính sách kinh tế và công nghiệp rộng lớn hơn của nước này.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của các ngành công nghiệp mới mang lại cho Trung Quốc lợi ích kinh tế đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ năng lượng sạch trên toàn cầu.

Tại sao năng lượng sạch bùng nổ vào năm 2023?

Sự bùng nổ đầu tư vào năng lượng sạch năm 2023 là kết quả của một bước ngoặt lớn trong chiến lược kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Đầu tư đã chuyển từ bất động sản sang sản xuất – chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch.

Tổng đầu tư vào ngành sản xuất tăng 9% vào năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, trong khi đó đầu tư vào các lĩnh vực điện và nhiệt tăng 23%. Những mức tăng này hoàn toàn là do tăng trưởng đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch, trong khi đầu tư vào các lĩnh vực khác giảm. Do đó, sự chuyển hướng của Trung Quốc sang sản xuất thực chất là sự chuyển hướng sang sản xuất công nghệ sạch.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do thu hẹp trong lĩnh vực bất động sản, khi đầu tư giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù sự sụt giảm đầu tư vào bất động sản phù hợp với mục tiêu của Chính phủ nhằm giải quyết rủi ro tài chính và đòn bẩy tài chính dư thừa trong lĩnh vực này, nhưng nó đã để lại lỗ hổng lớn trong tổng nhu cầu đầu tư và doanh thu của chính quyền địa phương Trung Quốc.

Ý nghĩa của sự phát triển năng lượng sạch đối với Trung Quốc và thế giới

Từ lâu, công nghệ sạch đã là một phần quan trọng trong chính sách năng lượng, chiến lược công nghiệp và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung Quốc. Năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên lĩnh vực này cũng trở thành động lực kinh tế chính của đất nước.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ sạch để thúc đẩy tăng trưởng, và đạt được các mục tiêu kinh tế quan trọng làm tăng tầm quan trọng về kinh tế và chính trị của công nghệ sạch. Nó cũng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng được đẩy nhanh.

Khoản đầu tư lớn vào công suất sản xuất và xuất khẩu công nghệ sạch năm ngoái có nghĩa là Trung Quốc có vai trò lớn trong sự thành công của năng lượng sạch ở phần còn lại của thế giới và trong việc xây dựng thị trường xuất khẩu.

Ví dụ, nhà đàm phán khí hậu hàng đầu của Trung Quốc Su Wei gần đây đã nhấn mạnh rằng, mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu, được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc vào tháng 12, là một lợi ích lớn cho ngành năng lượng mới của Trung Quốc. Điều này cũng có thể có nghĩa là những nỗ lực của Trung Quốc để tài trợ và phát triển các dự án năng lượng sạch ở nước ngoài sẽ được tăng cường.

Trên toàn cầu, sự bùng nổ sản xuất năng lượng sạch chưa từng có của Trung Quốc đã đẩy giá xuống, với giá tấm pin mặt trời giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi giá pin giảm mạnh hơn nữa là 50%.

Điều này, đã khuyến khích việc áp dụng các công nghệ năng lượng sạch nhanh hơn nhiều.

Tuy nhiên, ngay cả khi triển khai năng lượng sạch rộng rãi hơn, đâu đó trên thế giới vẫn bị giới hạn về lượng mua điện mặt trời, pin và công nghệ sạch khác, vì việc mở rộng sản xuất những công nghệ này đã bão hòa hầu hết thị trường toàn cầu.

Điều này có nghĩa là việc mở rộng sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất nếu cứ tiếp tục duy trì. Mặt khác, để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, sản xuất công nghệ sạch không chỉ cần hấp thụ nhiều vốn như năm 2023 mà còn phải tiếp tục tăng đầu tư qua từng năm.

Sự bùng nổ đầu tư vào công nghệ sạch đã mang lại sức sống mới cho mô hình kinh tế do đầu tư dẫn đầu của Trung Quốc. Có những công nghệ năng lượng sạch mới có khả năng mở rộng công suất, chẳng hạn như máy điện phân.

Tuy nhiên, cuối cùng, Trung Quốc cũng sẽ phải tìm ra những lĩnh vực hoàn toàn mới để đầu tư - hoặc mô hình kinh tế của Trung Quốc sẽ phải được chuyển đổi khi không còn nơi nào để đầu tư nữa.

Sự bùng nổ sản xuất cũng củng cố vị thế thống lĩnh của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Do đó, các quốc gia khác phải đối mặt với sự lựa chọn liệu họ có muốn hưởng lợi từ nguồn cung cấp tấm pin mặt trời, pin, xe điện và những công nghệ năng lượng sạch khác giá rẻ từ Trung Quốc hay không.

Yến Anh

Carbon Brief