Trồng cây thật - trồng cây giả

07:00 | 16/02/2014

2,347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở ta Tết trồng cây là phong trào. Năm nào cũng trên phát dưới không động nên kết quả xem ra chỉ là trên giấy. Ai đời người ta bứng cả những cây đã lớn từ nơi khác về để các vị lãnh đạo vun vun tưới tưới cốt để chụp ảnh quay phim lên đài lên báo. Lại có tình trạng cây cổ thụ được bứng về khu di tích, chùa chiền để treo biển ông A ông B trồng

Năng lượng Mới số 295

Tết trồng cây nhớ Bác - Xuân Giáp Ngọ 2014 vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động tại xã Vật Lại huyện Ba Vì ngoại thành Hà Nội. Cách đây 45 năm, ngày 16/2/1969, đúng ngày mùng Một tết Kỷ Dậu, Bác Hồ đã về thăm, gặp gỡ và chúc tết cán bộ, nhân dân huyện Ba Vì và trồng cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, để khuyến khích phong trào trồng cây của địa phương và cả nước. Đây cũng là lần cuối cùng Bác thăm nông dân và trồng cây trước lúc Người đi xa.

Nhân Tết trồng cây, tôi bỗng nhớ lần tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải đi dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ. Sau buổi lễ, trên đường về Thủ tướng tỏ ý muốn thăm Đồi cây nhớ Bác, nơi có một cây chò ông đã trồng trong chuyến thăm Phú Thọ mấy năm trước. Quá bất ngờ, các quan gia địa phương tỏ ý e ngại vì không biết các cây Thủ tướng trồng ấy hiện thế nào, xanh tươi hay héo úa… bèn nhờ cánh nhà báo chúng tôi tìm cách câu giờ để cho người lên đồi thám thính xem sao. Dễ thường phải mất nửa giờ mới có thông tin rằng vô tư đi, cây còn sống và tấm bảng gắn tên người trồng vẫn còn.

Thế là các vị mau mắn đưa Thủ tướng lên đồi. Thăm lại đồi cây, Thủ tướng hài lòng lắm. Ông căn dặn lãnh đạo địa phương cần vận động nhân dân chăm sóc bảo vệ cây cối đã trồng trong các tết trồng cây, bảo đảm trồng cây nào sống cây ấy. Thì ra người đứng đầu Chính phủ e ngại phong trào làm ào ào nhưng rồi hữu sinh vô dưỡng thì cây nào sống được?

Trồng cây lưu niệm nên nhiều người ít cây

Tết trồng cây là ý tưởng của Bác Hồ.

Ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901, trong đó Bác viết: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà”. Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây là công việc đó “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.

Tại thời điểm đó, Bác đã tính: “Ở miền Bắc có độ 14 triệu người, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 18 tuổi trở lên đều có thể trồng cây… Như vậy, mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong 20 năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Cuối bài báo, Bác Hồ đã viết: “Tết trồng cây cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của Tết trồng cây là hết sức thiết thực và lớn lao.

Ngày 28/11/1959, Bác Hồ đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Vào buổi sáng ngày 11/1/1960, Bác Hồ đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.

Mùa Xuân năm 1969, vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) để trồng cây. Tại đây, Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc tết mọi người. Bác căn dặn: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Sinh thời Bác luôn mong muốn Tết trồng cây phải thực chất. Còn nhớ lần về thăm quê, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo về thành tích trồng cây gây rừng của Nghệ An, Bác hỏi: Quê Bác trồng cây như thế là tốt nhưng Bác muốn hỏi rằng, Nghệ An trồng hàng triệu cây vậy các chú có biết bao nhiêu cây sống, bao nhiêu cây chết không? Các chú, các cô có đếm được không? Ông Bí thư đành vâng vâng dạ dạ cho qua vì làm sao biết được kết quả trồng cây sống!

Tết trồng cây được lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đề xuất, thà có 1 cánh rừng của dân còn hơn để đồi trọc của Nhà nước vì thấy đất trống đồi trọc quốc doanh tràn lan. Đề xuất này đã góp phần điều chỉnh một số chính sách về trồng rừng của Nhà nước. Việc giao đất giao rừng cho dân đem lại kết quả ngoài ý muốn nhưng rất tiếc còn quá hạn chế. Kiểm tra cho thấy, ở đâu rừng có chủ ở đó rừng được bảo vệ và lâm tặc bó tay.

Ở ta Tết trồng cây là phong trào. Năm nào cũng trên phát dưới không động nên kết quả xem ra chỉ là trên giấy. Ai đời người ta bứng cả những cây đã lớn từ nơi khác về để các vị lãnh đạo vun vun tưới tưới cốt để chụp ảnh quay phim lên đài lên báo. Lại có tình trạng cây cổ thụ được bứng về khu di tích, chùa chiền để treo biển ông A ông B trồng. Cây nào chết đều được trồng lại trên mức chu đáo. Bởi thế có nơi đếm mỏi miệng không hết số cây của VIP trồng dù cách đó không xa vẫn là đất trống đồi trọc.

Trồng cây và trồng rừng là chuyện khác nhau. Chưa bao giờ có thông tin các vị lãnh đạo phát lệnh khởi công thủy điện và sau đó là tham gia trồng rừng bù cho dự án. Mấy vạn hécta rừng bị đốn chặt cho thủy điện nhưng trồng bù rừng chỉ là vài phần trăm nên lũ lụt trở thành “cái chết được báo trước”.

Các chuyên gia đưa ra con số, để có 1MW thủy điện sẽ mất 10ha rừng. Thảm họa “lạm phát thủy điện” khiến Chính phủ phải ra tay siết lại và loại  bỏ hàng trăm dự án thủy điện địa phương vì lo ngại mất cây mất rừng.

Xem ra lợi ích 10 năm cũng như 100 năm đều chưa được coi trọng!

Bảo Dân