Trốn thuế, lừa đảo bằng... giấy tờ giả
Lê Bá Quỳ và số sổ đỏ được Quỳ dùng lừa đảo.
Theo nhận định của Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) – Công an Hà Nội, không chỉ ở Việt Nam mà bất kỳ một quốc gia cũng phải đối diện với tội phạm giấy tờ giả, gây bức xúc trong dư luận xã hội và làm thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, Trung tá Nguyễn Quang Huy – Đội trưởng Đội giám định PC54 Công an Hà Nội biết: Qua công tác điều tra, khám phá một số vụ án kinh tế trên địa bàn thành phố thời gian qua nhận thấy, trong nhiều vụ án, đối tượng phạm tội đã sử dụng giấy tờ giả làm công cụ để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các cơ quan, tổ chức và của người dân.
Dẫn chứng cụ thể về hiện trạng này, Trung tá Nguyễn Quang Huy lấy vụ án Lê Bá Quỳ - một trong những vụ án được PC54 Công an Hà Nội đánh giá là điển hình của tội phạm giấy tờ giả làm ví dụ. Vụ án bắt đầu diễn ra từ những năm 2009 và mới được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử cuối năm 2012. Nạn nhân của Lê Bá Quỳ là một loạt tổ chức tín dụng và một số cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổng số tiền mà Quỳ thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt lên tới 70 tỉ đồng.
Để thực hiện được những hành vi phạm tội trên, Lê Bá Quỳ đã móc nối với Phùng Văn Thúy – cán bộ hợp đồng của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm để lấy trộm hơn 30 phôi “xịn” Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Từ số phôi này, Quỳ đã liên kết với một số đối tượng để làm ra 21 sổ đỏ giả đứng tên Quỳ và vợ là Nguyễn Thị Lệ Thủy.
Cùng thời điểm này, Quỳ còn cho thành lập 4 công ty do Quỳ và người thân đứng tên pháp nhân hoặc đi thuê. Với số sổ đỏ giả trong tay, Quỳ đã dùng pháp nhân của những công ty này lập khống một số hợp đồng kinh tế và dùng một số sổ đỏ giả để vay tiền của 6 ngân hàng lấy 70 tỉ đồng và của 1 cá nhân lấy 2,8 tỉ đồng.
Theo Trung tá Nguyễn Quang Huy, vấn đề nổi cộm nhất trong vụ án chính là việc Lê Bá Quỳ đã sử dụng một lượng lớn sổ đỏ giả để mang thế chấp thành công tại các ngân hàng và cá nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, hàng chục tỉ đồng mà các ngân hàng đã lỡ cho Lê Bá Quỳ vay vẫn chưa được thu hồi, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho những ngân hàng này.
Hay như chuyện làm giả giấy tờ xe để hợp thức hóa một số xe lậu, xe ăn cắp cũng vậy, PC54 Công an Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện các thủ tục sang tên đổi chủ, Phòng đã kết hợp với Phòng Cảnh sát giao thông phát hiện hàng chục lượt phương tiện đã sử dụng giấy tờ giả.
Số "Giấy phép vào phố cấm" bị thu hồi tại Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Trung tá Huy cho biết, thực tế điều tra những vụ án trên cho thấy, trong nhiều trường hợp, người dân, thậm chí cả những cán bộ tư pháp, thẩm định hồ sơ của ngân hàng không có ý tiếp tay cho các hành vi phạm pháp mà không phân biệt được thật giả của loại giấy tờ này. Hậu quả của việc này thì đã rõ, ngân hàng có khi mất cả tỉ đồng chỉ để nhận một tờ giấy không có giá trị pháp lý, còn người dân vô hình chung đã trở thành người tiếp tay cho kẻ gian. Họ cũng chỉ là người bị hại.
Nhưng có một vấn đề mà theo Trung tá Huy cần phải cảnh báo là vấn đề xe ngoại giao, xe mang biển số nước ngoài… đặc biệt khi loại hình phương tiện này đang được các Bộ, ngành siết chặt. Trung tá Huy nêu thực trạng: Rất nhiều người Việt Nam khi quá cảnh vào Việt Nam đều đăng ký mang theo một số phương tiện đi lại. Số phương tiện này được miễn nhiều loại thuế theo quy định và theo quy định, khi hết nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam, họ phải mang số phương tiện này đi nhưng nhiều có nhiều trường hợp đã không làm vậy mà bán, sang nhượng cho một người khác.
Và theo các quy định hiện hành, nếu cá nhân, tổ chức nào mua lại những phương tiện này mà không tiến hành các thủ tục sang tên, đổi chủ và đặc biệt là nộp lại thuế cho nhà nước là vi phạm pháp luật. Trong thời gian nhất định, nếu không thực hiện thì phương tiện sẽ bị cấm lưu hành. Để trốn tránh điều này, nhiều chủ phương tiện đã sử dụng giấy tờ giả để lưu thông trên đường.
Hay như tại một số cửa khẩu, khi quá cảnh vào Việt Nam, người ta có thể mang theo phương tiện này, phương tiện kia nhưng khi xuất cảnh thì lại chỉ đi người không. Phương tiện mà họ đi vào lãnh thổ Việt Nam đã được bán, sang nhượng cho người khác. Và để hợp thức giấy tờ của những phương tiện này, họ đã làm các loại giấy tờ giả. Ngân sách Nhà nước thất thu một khoản không nhỏ từ những hoạt động này như thế!
Một điểm nữa theo Trung tá Huy là vấn đề làm giả con dấu, lập các hợp đồng kinh tế giả, in sao hóa đơn giả… Hệ lụy của vấn đề này là nhiều lô hàng hóa không có nguồn gốc, xuất sứ có thể được hợp thức hóa và lưu hành trên thị trường, không chỉ gây thất thu thuế mà còn tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh trên thị trường.
Qua đó để thấy rằng, tội phạm giấy tờ giả hiện này đang có diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt nhu cầu về giấy tờ giả trong xã hội là có. Bằng chứng là một loạt những vụ sử dụng giấy tờ giả không chỉ trong các cơ quan công quyền mà cả trong các giao dịch kinh tế, thậm chí đơn giản nhất là cái giấy phép đi đường… Và theo PC54 Công an Hà Nội thì đây là điều cần được cảnh báo trong xã hội!
Thanh Ngọc
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng