Triển lãm gốm Hương Canh: Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại

19:51 | 30/12/2023

164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với nỗ lực bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại, 9 nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ tham gia trưng bày gần 100 tác phẩm gốm và gốm điêu khắc trên chất liệu gốm thủ công làng nghề truyền thống Hương Canh.

Trong dịp đầu năm mới 2024, phòng tranh G39 sẽ tổ chức tôn vinh gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) tại Thủ đô, qua triển lãm “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại”.

Triển lãm gốm Hương Canh: Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại
Tác phẩm của nghệ nhân Giang Thị Nhạn

Làng gốm sành (không men) Hương Canh, xã Tam Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là vùng gốm lâu đời với tuổi đời hơn 300 năm. Những năm 60 của thế kỷ trước, gốm Hương Canh phát triển cực thịnh.

Triển lãm gốm Hương Canh: Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại
Tác phẩm "Vô ngã vô ưu" của họa sĩ Lê Thiết Cương

Theo ông Lê Thiết Cương - Giám tuyển của triển lãm, gốm sành Hương Canh là gốm không men. Có thể do nhiều oxit sắt tự nhiên trong đất nên khi nung tạo ra một loại “men” màu nâu cháy tự nhiên. Trong ứng dụng thực tế, chum, vại, hũ Hương Canh khi sắc thuốc, muối dưa, ủ rượu… cho hiệu quả cao hơn nhiều các loại gốm khác.

Tuy nhiên trước xu hướng công nghiệp hóa, làng nghề thủ công dần thất thế. Gốm Hương Canh chỉ còn rất ít hộ gia đình vẫn còn theo nghề. Vì vậy triển lãm kỳ vọng góp sức vào việc bảo tồn làng nghề, đưa sản phẩm truyền thống đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.

Triển lãm gốm Hương Canh: Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại
Tác phẩm "Chân dung" của họa sĩ Lê Ngọc Ly
Triển lãm gốm Hương Canh: Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại
Tác phẩm "Se sợi" của nhà điêu khắc Nguyễn Lưu

Với nỗ lực bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại, các nghệ sĩ/nghệ nhân mang đến gần 100 tác phẩm gốm và gốm điêu khắc trên chất liệu gốm thủ công làng nghề truyền thống Hương Canh, gồm: nhà điêu khắc Lê Ngọc Hân (giảng viên trường đại học Công nghiệp), họa sĩ - nhà điêu khắc Nguyễn Lưu, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Ngọc Ly, họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang, cùng các nghệ nhân của làng nghề là Nguyễn Giang Anh, Nguyễn Thị Hằng.

Triển lãm gốm Hương Canh: Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại
Tác phẩm "Mèo" của nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang

Triển lãm còn có khách mời đặc biệt là nghệ nhân Giang Thị Nhạn, 73 tuổi. Bà con của cụ Giang Văn Tụ, thợ bậc thầy trong ngành đun đốt của hợp tác xã nên bà được kế thừa tinh hoa nghề. Bà đã truyền nghề cho nhiều thợ trẻ về cách chuốt gốm và tạo hình trên gốm. Trong buổi khai mạc triển lãm, nghệ nhân Giang Thị Nhạn sẽ trình diễn vuốt gốm trên bàn xoay và giao lưu cùng khách tham quan.

Triển lãm "Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại" sẽ khai mạc lúc 10h sáng thứ Sáu ngày 5/1 và kéo dài đến hết 12/1/2024 tại Phòng Nghệ thuật - tầng 3, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sự kiện mở đón khách tự do.

Chênh chao làng cổ Phước TíchChênh chao làng cổ Phước Tích
Những người gom nắng Những người gom nắng "khơi màu", gọi Tết

PV