Trẻ sơ sinh có thừa hưởng miễn dịch Covid-19 của mẹ được không?

06:48 | 04/02/2021

179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu một phụ nữ đang mang thai mà mắc Covid-19 thì có tạo được miễn dịch cho thai nhi không? Dữ liệu nghiên cứu ban đầu cho thấy câu trả lời là "có".

Trong một nghiên cứu mới được công bố ngày 29/1/2021 trên tạp chí Nhi khoa JAMA, Mỹ, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của hơn 1.470 phụ nữ mang thai, trong đó 83 người có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể SARS-CoV-2 vào thời điểm sinh con. Mẫu máu cuống rốn của phần lớn những trẻ sơ sinh của 83 bà mẹ này cũng dương tính với kháng thể. Điều đó cho thấy các bé đã có khả năng miễn dịch thụ động.

Trẻ sơ sinh có thừa hưởng miễn dịch Covid-19 của mẹ được không? - 1

Số lượng kháng thể truyền sang bé sơ sinh chủ yếu tùy thuộc vào loại và số lượng kháng thể có trong cơ thể người mẹ và thời điểm người mẹ nhiễm Covid-19 trong khi mang thai.

Thời gian từ khi người mẹ nhiễm bệnh cho đến khi sinh con càng dài thì lượng kháng thể truyền sang thai nhi càng nhiều. Mối tương quan này luôn đúng cho dù người mẹ có các triệu chứng bệnh hay không.

Kháng thể từ mẹ truyền sang có thể bảo vệ trẻ sơ sinh, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn cần xác định mức độ và loại kháng thể cần có để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm SAR-CoV-2, cũng như thời gian tồn tại của các kháng thể này trong máu của đứa trẻ. Một câu hỏi khác cần được trả lời là những kháng thể do mẹ truyền sang có thể "vô hiệu hóa" virus corona đến mức nào, nói cách khác là các kháng thể đó có khả năng chặn virus khỏi xâm nhập vào tế bào của trẻ sơ sinh hay không. Hiểu được cơ chế kháng thể truyền từ mẹ sang con sau khi người mẹ bị nhiễm bệnh một cách tự nhiên sẽ giúp chúng ta biết được liệu tiêm vắc xin cho bà mẹ mang thai có bảo vệ được trẻ sơ sinh khỏi Covid-19 hay không.

Các phát hiện ban đầu

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm để kiểm tra những kháng thể bám vào protein dằm của virus corona, những kháng thể nhằm vào miền liên kết thụ thể (RBD) - tức là bộ phận của dằm bám trực tiếp vào thụ thể - hay chính là cổng để virus xâm nhập vào tế bào. Các kháng thể RBD là nhân tố quyết định việc trung hòa, hay vô hiệu hóa, virus corona.

Nhưng không phải tất cả các kháng thể RBD đều đi qua được nhau thai, bởi vì nhau thai chỉ cho phép một số kháng thể đi qua nhờ một thụ thể đặc biệt và protein vận chuyển các kháng thể đó vào thụ thể đó. Chỉ có những kháng thể nhỏ hình chữ Y gọi là kháng thể IgG mới phù hợp với thụ thể đó, nên chỉ có chúng mới có thể truyền đến bào thai và bảo vệ thai nhi bằng miễn dịch.

Không phải tất cả những trẻ sơ sinh này đều được bảo vệ. Chỉ có 72 trẻ sinh ra đã mang kháng thể IgG trong máu cuống rốn với số lượng tương ứng với mức độ IgG trong máu của người mẹ. 11 trẻ còn lại có kết quả xét nghiệm âm tính với các kháng thể đó, vì hai lý do. 6 trẻ có mẹ có mức IgG khá thấp, có lẽ là do người mẹ nhiễm virus corona muộn trong thai kỳ nên không có nhiều thời gian để các kháng thể này sinh sôi và truyền qua nhau thai. Lý do thứ hai có thể là bản thân cơ thể người mẹ sinh ra ít kháng thể hơn so với người khác, nhưng lý do này không thuyết phục lắm. 5 trẻ còn lại có mẹ được xét nghiệm là chỉ mang kháng thể IgM, mà kháng thể này lại không thể đi qua nhau thai.

Các kháng thể IgM xuất hiện sớm sau khi cơ thể nhiễm virus và sau đó biến mất khi tình trạng nhiễm bệnh đã rõ ràng, vì thế năm bà mẹ chỉ có kháng thể IgM có khả năng cao là mới nhiễm virus trong một thời gian rất ngắn. Nếu thai nhi hoặc trẻ sơ sinh có kháng thể IgM thì tức là thai nhi đã trực tiếp bị nhiễm virus. Trong nghiên cứu này, không trẻ nào có IgM SARS-CoV-2 trong mẫu máu cuống rốn, có nghĩa là tất cả các bé không bị nhiễm Covid-19 khi nằm trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, nghiên cứu này không khẳng định được là SARS-CoV-2 không bao giờ lây sang thai nhi.

Điều này có ý nghĩa gì đối với việc phát triển vắc xin?

Mặc dù nghiên cứu này cho thấy kháng thể IgG có thể đi qua nhau thai nhưng các nhà khoa học vẫn cần xác định được những kháng thể truyền sang thai nhi có tác dụng bảo vệ thai nhi đến mức nào.

Các nhà nghiên cứu có thể xét nghiệm để biết khả năng bảo vệ cơ thể của kháng thể đến đâu nhờ các thí nghiệm nuôi cấy virus trên đĩa. Họ cũng có thể theo dõi tiếp những em bé sinh ra đã có kháng thể để xem những kháng thể này tồn tại được bao lâu và có bé nào về sau mắc Covid-19 hay không.

Những nghiên cứu như vậy sẽ đưa ra những mốc diễn biến sau khi bà mẹ mang thai mắc Covid-19, so sánh phản ứng miễn dịch tự nhiên với hiệu quả của vắc xin được tiêm cho người mẹ và trẻ sơ sinh.

Hiện nay, cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh (CDC) của Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khuyến nghị chỉ những phụ nữ có nguy cơ cao mới nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 nếu họ mang thai và nên tham vấn ý kỹ ý kiến của bác sỹ trước khi tiêm.

Với những vắc xin khác tiêm trong thời kỳ mang thai, như là vắc xin uốn ván và ho gà, thì mức độ kháng thể trong cơ thể trẻ sơ sinh giảm xuống rất nhanh sau khi bé được 2 tháng tuổi. Tốc độ giảm sau đó sẽ chậm dần, và mức kháng thể tiếp tục giảm đều trong 4 đến 8 tháng tiếp theo.

Tương tự như vậy, đối với vắc xin Covid-19, các kháng thể tìm thấy trong máu cuống rốn sẽ là "điểm bắt đầu", tức là số lượng tối đa các kháng thể mà bé sơ sinh có được trước khi chúng giảm dần. Để tối đa hóa số lượng kháng thể truyền đến được thai nhi, các bà mẹ có thể sẽ cần đợi đến kỳ ba tháng thứ hai mới tiêm. Sau khi thai được 17 tuần, nhau thai đủ lớn để bơm được nhiều kháng thể sang bào thai.

Mặc dù có dấu hiệu tích cực cho thấy chủng ngừa trong thai kỳ sẽ giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi Covid, nhưng hiện nay ý kiến của các chuyên gia vẫn là đặt mục tiêu bảo vệ bà mẹ trước hết.

Quá trình mang thai làm tăng nguy cơ của các căn bệnh nặng cũng như nguy cơ tử vong do Covid-19 đối với người mẹ, trong khi hầu hết trẻ sơ sinh có xét nghiệm dương tính với virus corona chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, và đều hồi phục. Cũng giống như các trường hợp nhiễm influenza, người mẹ có xu hướng dễ bị ốm nặng vào kỳ ba tháng thứ 3 và rất dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm như là viêm phổi hoặc không thở được nếu như họ mắc Covid-19 vào giai đoạn này.

Vì vậy kỳ ba tháng thứ hai sẽ là thời gian phù hợp nhất để bà mẹ tiêm chủng, vì tránh được nguy cơ tác dụng phụ dễ xảy ra trong kỳ ba tháng thứ nhất, khi mà tình trạng viêm và sốt ở người mẹ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi, còn hệ miễn dịch vẫn còn nhiều thời gian để phát triển trước kỳ ba tháng thứ ba. Tất nhiên, các nhà khoa học vẫn cần tiến hành thêm các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng để xác định thời điểm tiêm chủng Covid-19 tốt nhất trong thai kỳ. Nếu bên cạnh việc phòng bệnh cho người mẹ mà chúng ta còn bảo vệ được em bé thì đó là một phần thưởng tuyệt vời, bởi vì chưa ai có thể nói được khi nào sẽ có vắc xin cho trẻ sơ sinh.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.