Trang sử mới trong quan hệ Mỹ-Venezuela

14:49 | 28/11/2022

1,156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi Tổng thống Nicolás Maduro tái đắc cử, Venezuela đã rơi vào thế cô lập như Nga. Nhưng vào hôm 26/11, ngay sau khi Venezuela và phe đối lập đạt được thỏa thuận bảo trợ xã hội, Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Venezuela.
Trang sử mới trong quan hệ Mỹ-Venezuela

Các thành viên của phái đoàn chính phủ Colombia chào đón các thành viên của lực lượng du kích ELN, sau cuộc họp báo công bố kết quả đàm phán hòa bình ở Caracas, ngày 21 tháng 11 năm 2022

Thật vậy, Chính phủ Mỹ đã cho phép gã khổng lồ dầu mỏ Chevron nối lại một phần hoạt động khai thác hydrocarbon của họ ở Venezuela. Không chỉ thế, Mỹ đưa ra quyết định trên chỉ vài phút sau khi Venezuela công bố đạt được “thỏa thuận bảo trợ xã hội thứ hai đối với người dân Venezuela”.

Theo đó, trong một thông cáo báo chí, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cho phép Chevron nối lại một phần hoạt động với công ty dầu khí nhà nước Venezuela là Petroleos de Venezuela (PDVSA). Cả hai doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động chung dưới hình thức liên doanh. Tuy nhiên, Chevron phải đảm bảo rằng “PDVSA sẽ không có phần trích doanh thu từ hoạt động bán dầu do Chevron thực hiện”.

Chevron cũng đã xác nhận thông tin trên. Doanh nghiệp này cũng đã cam kết sẽ tôn trọng “khuôn khổ pháp lý được đặt ra”.

Vào tháng 5/2022, Mỹ đã cho phép Chevron “đàm phán” về việc nối lại hoạt động với Venezuela. Đây được xem là trường hợp vi phạm đầu tiên vào lệnh cấm vận dầu mỏ mà Mỹ áp đặt lên Venezuela nhằm lật đổ ông Nicolás Maduro vào năm 2019, khi phe đối lập cáo buộc Venezuela gian lận bầu cử.

Hiện nay, Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung dầu thô của mình để bù đắp cho khoảng trống mà Nga để lại, khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine. Theo nhiều chuyên gia, Venezuela là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất trên thế giới.

Trong một thông cáo báo chí có sự góp mặt của Liên minh châu Âu, Canada và Vương quốc Anh, Mỹ đã hoan nghênh thỏa thuận này. Chưa kể, quốc gia này nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi các bên cùng tham gia đối thoại một cách thiện chí, nhằm hướng tới một thỏa thuận toàn diện và những cuộc bầu cử tự do và công bằng trong năm 2024”.

Không có thỏa thuận nào về tiến trình bầu cử

Dưới sự trung gian của Na Uy, Chính phủ Venezuela và phe đối lập đã ký kết một thỏa thuận chung tại Mexico. Về cơ bản, hai bên đã đồng ý thực hiện những các thủ tục cần thiết để giải phóng “các quỹ tài chính hợp pháp” của Venezuela khỏi tình trạng “bị đóng băng trên hệ thống tài chính quốc tế”.

Số tiền này sẽ được đưa vào “quỹ bảo trợ xã hội đối với người dân Venezuela” nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của đất nước (hệ thống y tế, lương thực, mạng lưới điện, giáo dục, giải quyết thiệt hại từ trận lũ lụt khiến gần 80 người thiệt mạng vào tháng 10/2022).

Để thiết kế và quản lý quỹ, hai bên sẽ yêu cầu sự hỗ trợ từ Liên Hợp Quốc.

Phát ngôn viên của ông Antonio Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết ông đã “ghi nhận lại” yêu cầu hỗ trợ này. Người phát ngôn cũng nói thêm: “Tổng thư ký đã gửi lời hoan nghênh thỏa thuận này và khuyến khích các bên ký kết thêm những thỏa thuận mới để giải quyết các thách thức về mặt chính trị, xã hội và con người của đất nước Venezuela”.

Tương tự, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro ca ngợi đây là “trang đầu cho một chương mới” cho đất nước của ông. Vị nguyên thủ này nói: “Venezuela sẽ tiếp tục đấu tranh vì hòa bình và hạnh phúc mà tất cả chúng tôi đều mong ước”. Còn ông Gerardo Blyde – Đại biểu Quốc hội Venezuela phát biểu: “Sứ mệnh của phe đối lập là đạt được những điều kiện dân chủ để thực hiện tiến trình luân phiên quyền lực chính trị”.

Tại Mexico, Chủ tịch Quốc hội Jorge Rodriguez cho biết: “Nhờ có thỏa thuận này, chúng tôi sẽ tiết kiệm được hơn 3 tỷ USD”.

Mặt khác, ông Nicolás Maduro yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên đất nước của ông, nhất là lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ.

Về phần mình, phe đối lập Venezuela đang kêu gọi tìm kiếm giải pháp cho “cuộc khủng hoảng viện trợ nhân đạo” và đảm bảo được “những cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong tương lai”.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin nội bộ trao đổi với AFP, hai bên không đưa thỏa thuận nào về những cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2024 sắp tới.

Theo kết quả của Encovi - bài khảo sát toàn quốc về điều kiện sống, cứ mỗi 10 người Venezuela thì có 8 người đang sống trong cảnh nghèo đói.

Sau khi cựu Tổng thống Hugo Chavez qua đời vào năm 2013, cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đã khiến 7 triệu người Venezuela phải rời bỏ đất nước của họ.

Để giải quyết phần nào tình trạng trên, Venezuela đã có những nỗ lực đối thoại trong năm 2018 và 2019, nhưng tất cả đều đi vào bế tắc.

Vào tháng 8/2021, Venezuela đã bắt đầu thực hiện đối thoại tại Mexico. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau đó, ông Nicolás Maduro đã đình chỉ quyết định đàm phán, khi Cape Verde dẫn độ ông Alex Saab - một doanh nhân Colombia thân cận với Tổng thống Nicolas Maduro, sang Mỹ vì tội danh rửa tiền.

Ông Marcelo Ebrard – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mexico cho biết, thỏa thuận này là biểu tượng “hy vọng cho toàn bộ khu vực Mỹ Latinh” và là “một chiến thắng trên trường chính trị”.

Trong khi Venezuela và phe đối lập thực hiện đàm phán tại Mexico, chính phủ Colombia cũng đã nối lại đối thoại với nhóm Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN). Tiến trình diễn ra tại thủ đô Caracas của Venezuela.

Thực trạng ngành dầu mỏ Venezuela năm 2022Thực trạng ngành dầu mỏ Venezuela năm 2022
Chevron có thể được phép tăng cường khai thác dầu ở VenezuelaChevron có thể được phép tăng cường khai thác dầu ở Venezuela
Xuất khẩu dầu Venezuela của Chevron không được đem lại lợi nhuận cho PDVSAXuất khẩu dầu Venezuela của Chevron không được đem lại lợi nhuận cho PDVSA

Ngọc Duyên

AFP