Trăn trở về vùng đất ĐBSCL trù phú chưa thịnh vượng

15:13 | 20/12/2020

205 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhắc đến vùng ĐBSCL, người ta thường nghĩ ngay đến một vùng đất thiên nhiên ưu đãi, trù phú bậc nhất, là vựa lúa, vựa thủy sản, cây ăn quả của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh ánh “hào quang” đó thì nơi đây vẫn còn nhiều góc khuất, những con số thống kê đã phần nào nói lên điều đó.

Tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2015-2019 ở ĐBSCL. Nguồn: Bộ Kế hoạch và
Tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2015-2019 ở ĐBSCL. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ngày 14/12, tại Cần Thơ, VCCI đã tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn 01 năm thực hiện.

Những con số biết nói

Trên cơ sở phân tích số liệu thống kê, nhóm nghiên cứu đã đưa những con số chưa đẹp: 10 năm qua ĐBSCL có hơn 1,1 triệu dân ly hương, tương đương dân số của 1 tỉnh; 40% học sinh phải bỏ học khi hết cấp 2; Khu vực này chiếm khoảng 20% dân số cả nước nhưng doanh nghiệp đang hoạt động chỉ chiếm có 5% cả nước; GDP của 13 tỉnh, thành gộp lại chỉ bằng còn là 2/3 GDP của TP HCM. Là vùng giàu tài nguyên và cạnh TP HCM nhưng trình độ lao động của vùng này là thấp nhất cả nước, số km đường cao tốc ít nhất, chi cho đầu tư những năm qua nhỏ nhất.... và người dân có mức sống dưới mức trung bình cả nước, cùng nhiều con số giật mình khác nữa.

“Hàng triệu người dân phải ly hương để tìm kế sinh nhai ở đất lạ, quê người là câu chuyện buồn của vùng ĐBSCL. Để vùng này tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân thì đòi hỏi đổi mới trong quan điểm về an ninh lương thực, hạn điền trong nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách thông thoáng hơn trong khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Xây dựng Vùng thành Trung tâm sản xuất chế biến, logistics, thương mại nông sản”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề xuất.

“Quy mô kinh tế của vùng ĐBSCL cũng là một yếu tố sẵn có quan trọng, quyết định mức độ hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh – đầu tư tìm kiếm thị trường tại chỗ. Về phương diện này, ĐBSCL đang gặp phải bất lợi tương đối, đặc biệt khi so với vùng Đông Nam Bộ khi cả quy mô dân số, mức chi tiêu của người dân, và sự tập trung dân cư của ĐBSCL đều đang tụt lại phía sau ngày một xa. Đơn cử về quy mô thị trường, với thu nhập của dân cư ĐBSCL chỉ bằng khoảng 60% của TP HCM, quy mô thị trường tiêu dùng của cả vùng ĐBSCL chỉ tương đương 86% của thị trường TP HCM. Trong bối cảnh này, nếu không nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL, đồng thời phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ và thay đổi các tập quán sản xuất nông nghiệp – thủy sản thiếu bền vững thì sự tụt hậu về kinh tế của ĐBSCL là không thể tránh khỏi” TS Vũ Thành Tự Anh đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra cảnh báo.

“Tôi đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ và các tác giả Ban biên soạn trong việc xây dựng Báo cáo này. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu, thông tin quan trọng để tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong việc định hướng, hoạch định chính sách đầu tư phát triển vùng ĐBSCL; là công cụ hữu ích cho lãnh đạo các địa phương trong quá trình xây dựng và điều hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố.

Báo cáo cũng là nguồn tham khảo quan trọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để có thông tin định hướng đầu tư, mở rộng thị trường trong chiến lược phát triển kinh doanh tại vùng ĐBSCL. Tôi kỳ vọng Báo cáo này sẽ được thực hiện thường niên và sẽ là tiếng nói quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và doanh nghiệp của vùng ĐBSCL trong tương lai”.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

4 biến cố vùng ĐBSCL

Đặc biệt theo Báo cáo, khu vực này đang phải đối mặt với 4 nhóm biến cố kìm hãm sự phát triển, đó là: Nhóm biến cố liên quan tới đất, nước và môi trường; biến cố nhân khẩu học, di dân, số lượng và chất lượng lao động; biến cố về chất lượng tăng trưởng kinh tế và cuối cùng là việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế.

Những kết luận rút ra từ nghiên cứu này là hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chỉ thiên về số lượng thay vì chất lượng, sản xuất manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng...

Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020
Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020

Minh họa rõ nét nhất là sản xuất lúa gạo: Chỉ với diện tích đất gieo trồng 3,8 triệu ha nhưngViệt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho trên 90 triệu dân mà còn đóng góp trên 6 triệu tấn gạo mỗi năm cho "nồi cơm" thế giới. Việt Nam đang đứng top đầu về xuất khẩu gạo với sản lương xuất khẩu chiếm đến 1/5 tổng nhu cầu gạo thương mại trên tòan cầu. Riêng khu vực ĐBSCL hàng năm đóng góp đến 55% sản lượng lương thực, trên 90% gạo xuất khẩu nhưng thu nhập của người nông dân ở đây rất bấp bênh. Việc trồng lúa 3-4 vụ/ năm đã vắt kiệt dinh dưỡng của đất, một khối lượng lớn chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã ảnh hưởng đến môi trường khu vực.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Trương Lệ Khanh-Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho rằng: việc chậm đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL chính là điểm nghẽn lớn nhất kéo theo sự trì trệ của nhiều lĩnh vực khác. Để vực dậy vùng ĐBSCL, việc đầu tư hạ tầng phải đi trước một bước, vấn đề này doanh nghiệp đã kiến nghị rất nhiều nhưng cho đến nay tiến độ thực hiện rất chậm.

Sau hơn ba thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng. Đây là thách thức không của riêng ai?

Theo enternews.vn