TP HCM: Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu
Ngay cả các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, sức tiêu thụ cũng đang giảm sút mạnh, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức cho hay, lượng hàng hóa về chợ hiện dao động từ 2 - 3 ngàn tấn/đêm, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, do sức mua yếu nên để bán hết hàng, nhiều tiểu thương phải bán hàng tới 8-9 giờ sáng. Nhưng để bán được hàng tiểu thương còn phải giảm giá khá sâu. Cụ thể: 1kg dưa chuột ban đêm có thể 8-10 ngàn đồng nhưng vào buổi sáng giá chỉ còn 4-5 ngàn đồng…
Sức mua ở nhiều chợ trên địa bàn TP HCM đang giảm sút |
“So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay sức mua tại chợ đang giảm khoảng 50%. Sỡ dĩ, sức mua giảm là do tình hình kinh tế khó khăn người dân thắt chặt chi tiêu cho nên việc kinh doanh tại các chợ lẻ ế ẩm, ảnh hưởng tới sức mua tại các chợ đầu mối”, bà Hà nhận định.
Ghi nhận tại các chợ lẻ trên địa bàn TP HCM, các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn đứng giá, cà chua đang ở mức 10 – 12 ngàn đồng/kg; khoai tây 25- 30 ngàn đồng/kg, thịt ba rọi dao động từ 100 – 120 ngàn đồng/kg, cá thu 220 đồng/kg.
Hầu hết các đều tiểu thương cho rằng, lượng cung dồi dào nên hàng hoá không có sự biến động về giá đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống và do sức mua yếu nên tiểu thương không dám tăng hay giảm giá vì tăng giá thì lo không có người mua, còn giảm giá thì sợ không có lãi.
Chị Mai Hạnh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phước Long B (quận 9) cho hay, mới 8 giờ sáng mà chợ đã vắng tanh, hàng hoá rất ế ẩm. Một ngày, chị chỉ bán được khoảng nửa con lợn, phần còn lại phải tìm địa điểm bỏ mối mới mong có lãi.
Theo Ban quản lý các chợ lẻ, các mặt hàng về chợ đang giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn đủ cung ứng cho người tiêu dùng do sức mua đang thấp và cạnh tranh rất gay gắt bởi quá nhiều người cùng buôn bán một mặt hàng. Do vậy, mỗi tiểu thương đều phải giảm lượng hàng so với trước đây để tránh bị tồn đọng quá nhiều.
Không chỉ những mặt hàng thực phẩm tươi sống đang ế ẩm, những mặt hàng như may mặc, công nghệ, xe máy… cũng đang chung cảnh ngộ.
Bà Lê Mai Vy, Giám đốc công ty TNHH M.V (chuyên sản xuất túi xách, quần áo thời trang trẻ em) cho biết: "Ngay cả tháng khuyến mại vừa qua, sức mua hàng của chúng tôi cũng đã sụt giảm 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Sắp tới chúng tôi sẽ chạy chương trình giảm giá 5-10% cho các sản phẩm nhưng cũng không kỳ vọng sẽ kéo được sức mua".
Thông thường từ tháng 10 trở đi sức mua các mặt hàng bắt đầu tăng đến Tết Nguyên đán, nhưng đến nay sức mua vẫn chưa có biến động cho nên nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối bán lẻ đang như “ngồi trên đống lửa”. Bởi đây là thời điểm doanh nghiệp dựa vào sức mua để chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, để kích cầu tiêu dùng chúng tôi thường chạy các đợt khuyến mại giảm giá từ 5-10% các mặt hàng nhưng xem ra vẫn không kích được sức mua. Nguyên nhân là do túi tiền của người tiêu dùng đang eo hẹp lại phải chi tiêu nhiều khoản nên dù có tung nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá cũng không có tác dụng. Để phục vụ thị trường cuối năm, năm sau chúng tôi thường chuẩn bị lượng hàng tăng từ 20-25% so với các năm trước. Tuy nhiên, sức mua năm nay yếu cho nên chúng tôi chỉ dám chuẩn bị lượng hàng Tết cao hơn năm trước khoảng 10% và chủ yếu là để dự phòng chứ chưa chắc tiêu thụ hết.
Mai Phương
Năng lượng Mới
-
Tin tức kinh tế ngày 11/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tiến sát mốc 150 tỷ USD
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Họp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam
-
Bầu cử Mỹ 2024 và những thách thức đối với lĩnh vực LNG
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?
-
Giá bán lẻ điện tăng 4,8% từ 11/10: EVN khẳng định mức tăng hài hòa an sinh xã hội